Tôi vô tình học luật
Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011 by: LTSA
Ý thức pháp luật là một hình thức ý thức xã hội mang tính chính trị sâu sắc, ảnh hướng to lớn đến đời sống chính trị -xã hội, nên khi người dân càng có ý thức pháp luật cao thì càng nhận thức được quyền làm chủ đất nước của chính mình, càng nhận rõ được những vấn đề khó khăn của quốc gia là do hình thức và bản chất của nhà nước và nền luật pháp. Thế nhưng không giống như người dân ở các quốc gia dân chủ văn minh, người dân Việt Nam (có thể nói) hoàn toàn mù tịt về luật pháp, vì nó chẳng bảo vệ lợi ích của họ thì họ quan tâm làm gì! Và hệ lụy của sự thiếu vắng này là người dân hoàn toàn không có hiểu biết căn bản về những quyền mà mình phải được hưởng mà không ai có thể tước đoạt." - Huỳnh Thục Vy
Hồi học cấp ba, tôi mong muốn được vào học ở một trường Đại học ngoại ngữ, rồi học tiếp để nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ học để trở thành một nhà ngôn ngữ học hay một dịch giả. Thế rồi ba tôi ở tù về, lúc đó tôi học lớp 12. Nhà chẳng có tiền để tôi vào Đại học, giấc mơ trở thành nhà ngôn ngữ học vỡ tan tành. Sau mấy năm đi làm công nhân cho mấy công ty nước ngoài ở một khu công nghiệp, tôi đi học trở lại , nhưng vì em gái tôi đã đi học nên tôi chỉ có thể học đại học ở hệ đào tạo từ xa (vừa học vừa làm). Ba bảo tôi học luật, vì học luật chỉ cần đọc nhiều sách, có tư duy logic là được. Quả thực lúc đó tôi không thích mấy vì nghĩ mình chỉ có năng khiếu ngôn ngữ và viết văn chứ không có khả năng tranh biện – điều kiện cần thiết của một luật sư. Nhưng cuối cùng, vì tin tưởng vào những lời thuyết phục của ba, tôi nhắm mắt học luật.
Trở thành một luật sư là giấc mơ tuổi trẻ của ba. Trước 1975, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, ba tôi chỉ là một cậu nhóc. Một lần, ba nhìn thấy trong một vụ tranh tụng một ông luật sư mặc bộ complet thật oai, tranh biện trước tòa thật hùng hồn, giấc mơ trở thành luật sư nhen nhóm trong ba. Hình ảnh ông luật sư oai phong ấy và giấc mơ thành luật sư ba ấp ủ từ những ngày ấy. Rồi đùng một cái, quân đội cộng sản Bắc Việt tổng tấn công “giải phóng” miền Nam.Thế là không luật pháp, luật sư gì nữa cả. Luật sư là một “giống người” chỉ có trong xã hội tư bản, chứ trong xã hội XHCN thì cần gì luật sư. Luật pháp chính là Đảng cầm quyền, với “nền chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân”, chủ trương “bạo lực cách mạng”. Luật pháp của họ chính là nòng súng và nhà tù. Ai muốn “thọc gậy bánh xe” không cho Đảng yên vị lãnh đạo cả dân tộc “tiến lên CNXH” thì coi như không chết cũng khó sống.
Tôi có thể hiểu được sao lúc đó ba tôi mơ ước thành luật sư. Tuy tôi chỉ nghe ba kể và đọc một số tài liệu lịch sử trên mạng về Việt Nam Cộng hòa, nhưng tôi nghĩ rằng mình có thể hình dung khá tổng quan về chế độ VNCH. Với hai nền cộng hòa, chúng ta không thể nói đây là một thế chế dân chủ pháp trị hoàn chỉnh nhưng có thể nói đây là một nền dân chủ non trẻ, tuy đối mặt với nhiều khó khăn trong thời chiến nhưng vẫn đạt được những thành tựu không thể phủ nhận so với các quốc gia Đông Nam Á đương thời. Lúc đó chúng ta có tất cả những yếu tố nền tảng để có thể xây dựng một nền dân chủ thực thụ. Dù là một quốc gia đang trải qua những giai đoạn chiến tranh khốc liệt, nhưng trong cuộc sống hằng ngày của người dân vẫn luôn hiện diện một nền luật pháp khá mạnh mẽ. Nếu không nói đến những vấn nạn như cửa quyền, tham nhũng (không đến nổi nghiêm trọng như bây giờ), chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn và sự ngự trị đầy quyền uy của nền luật pháp dân chủ trên xứ sở này. Tôi nhiều lần nghe ba kể rằng: mấy ông cộng sản “nằm vùng” đánh phá cầu cống, trường học bị vây bắt, nếu không bị chết tại hiện trường thì đều được đem ra tòa xét xử có luật sư hẳn hoi. Ngay cả mấy ông tình báo và nhà văn, nhà thơ thân cộng hoạt động chống lại chính quyền VNCH cũng được luật pháp dân chủ bảo vệ, được xét xử trước tòa dưới sự bào chữa của những luật sư, mà không ai có thể tước đi cái quyền đó của họ. Những người hành nghề lụật sư dưới thời VNCH quả có “uy” thật, vì dưới ánh sáng của luật pháp họ có thể dùng cái đầu và “ba tấc lưỡi” để thay đổi bản án của tòa dành cho thân chủ họ. Thế nên những luật sư như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Ngô Bá Thành mới có thể dùng quyền uy mà chế độ dân chủ pháp trị trao cho họ để tấn công chính nền dân chủ non trẻ này.
Trong một quốc gia pháp trị, luật sư có một vai trò hết sức đặc biệt. Nếu công tố viên (district attorney) là những luật sư công, đứng về phía quyền lực nhà nước, bảo vệ nền công lý và lợi ích chung của toàn xã hội, thì chúng ta lại cũng có những luật sư tư nhân (lawyer) làm công việc ngược lại, đó là bảo vệ lợi ích các cá nhân. Đôi khi chúng ta thấy những luật sư rất giỏi lại đi biện hộ cho một kẻ phạm tội. Chúng ta cho rằng điều đó là không nên, là đi ngược lại lợi ích chung sao? Câu trả lời của tôi là : nên để điều đó được thực hiện. Đứng trước một guồng máy quyền lực nhà nước hùng hậu bao gồm lực lượng cảnh sát, viện Công tố, Tòa án thì một cá nhân quả thật cô thế (cho dù đó là một tên tội phạm khét tiếng), thiết nghĩ một hay hai luật sư đứng ra bào chữa, đại diện cho lợi ích của người này quả là điều cần thiết. Kẻ có tội tất nhiên phải chịu sự trừng trị của luật pháp, nhưng họ phải bị trừng trị trong một hoàn cảnh mà ở đó phẩm giá con người của họ được xã hội thật sự tôn trọng.Vì thế để bảo vệ cá nhân, luật pháp dân chủ văn minh có “nguyên tắc suy đoán vô tội” đầy nhân bản. Nếu chúng ta phủ nhận vai trò của luật sư trong những trường hợp thế này thì cũng đồng thời phủ nhận vai trò của họ trong những trường hợp khác –khi mà cá nhân có thể bị hàm oan. Luật sư bảo vệ lợi ích cá nhân chính là một thiết chế để cân bằng, để chúng ta vừa có thể bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, vừa bảo đảm không đánh mất hay phủ nhận quyền tự do của mỗi cá nhân. Cá nhân là chủ thể cơ bản của xã hội, nếu quyền lợi cá nhân không được tôn trọng thì “lợi ích xã hội” chỉ là mỹ từ để chỉ “lợi ích băng nhóm lãnh đạo”. Luật sư trong xã hội dân chủ xuất hiện như một người bảo vệ cho cái “dinh lũy” yếu ớt và nhạy cảm nhất- đó là mỗi cá nhân.
Trong các chế độ độc tài, đặc biệt là chế độ cộng sản thời còn “chuyên chính vô sản”, không có trường luật, vì thế cũng chẳng có luật sư. Vì ở đó họ không cai trị bằng luật pháp, thay vào đó là bạo quyền, và quyền lợi cá nhân hoàn toàn bị triệt tiêu. Sau này, để cho “hợp thời” và không dẫm lên vết xe đổ của Liên Xô, cộng sản Việt Nam thực hiện “đổi mới”, rồi họ mở trường luật, đào tạo luật sư. Nhưng đâu phải có luật sư thì vai trò thê thảm của nền luật pháp của chúng ta sẽ được khởi sắc!…(Một thí dụ cụ thể là vào năm 1992 trong phiên tòa Sơ thẩm của Tòa án “nhân dân” tỉnh QNĐN xử ba tôi với tội danh “Tuyên truyền chống chế độ XHCN”,với bản án 10 năm tù giam và 4 năm quản chế, hoàn toàn không có Luật sư và vi phạm nghiêm trọng đến chuẩn mực của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế mà nhà cầm quyền CSVN đã ký kết và cho dù lúc đó luật sư đã được phép tham gia tố tụng!). Chính nền pháp trị làm cho vai trò của luật sư được coi trong chứ không phải ngược lại.Dưới chế độ này, công tố viên (mà người ta gọi là Kiểm sát viên cho nó có màu sắc XHCN), là kẻ nắm quyền sinh sát đối với những ai phạm tội hoặc nằm trong tầm ngắm của chính quyền. Còn luật sư chỉ là những chiếc bóng mờ nhạt, yếu ớt, nói không thành tiếng. Nếu ai dũng cảm muốn làm người phát ngôn cho sự thật, bảo vệ công lý và quyền lợi người dân thì phải xem lại những tấm gương trước mắt của các luật sư: Lê Công Định, Lê Trần Luật, Nguyễn Văn Đài!….
Trước đây, tôi không hiểu vì sao trong những người đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước có khá nhiều người là luật sư nhưng bây giờ tôi đã hiểu. Từ khi học luật tôi hiểu ra khá nhiều điều dù không ít lúc phải chết dở với đống sách vở mà người viết sách cũng không tin nổi vào những gì mình viết ! Dù những kiến thức mà tôi có được không do ngôi trường XHCN này mang lại nhưng nó cho tôi manh mối để tìm đến với những tác phẩm mang tính lý luận chính trị sáng giá của những nhà tư tưởng nổi tiếng thế giới, để rồi tôi biết được những gì mình có thể làm được với những kiến thức này. Khác với những ngành học khác, ngành luật cho chúng ta cách tiếp cận trực diện với những vấn đề liên quan trực tiếp đến chính trị như : nguồn gốc và bản chất của nhà nước, bản chất của nền luật pháp, nhân quyền và dân quyền….Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, sinh viên luật là những người có nhiều cơ hội để tiếp cận những vấn đề lý luận chung về nhà nước và pháp luật để có cái nhìn cụ thể về những vấn đề này, rồi đem so sánh với hiện tình đất nước của chúng ta. Khi nhận diện được vấn đề từ giác độ lý luận, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc sự cần thiết của một nền dân chủ pháp trị; một nhu cầu bức bách, không thể khoan nhượng về nhân quyền và dân quyền trong việc phát triển quốc gia.
Ý thức pháp luật là một hình thức ý thức xã hội mang tính chính trị sâu sắc, ảnh hướng to lớn đến đời sống chính trị -xã hội, nên khi người dân càng có ý thức pháp luật cao thì càng nhận thức được quyền làm chủ đất nước của chính mình, càng nhận rõ được những vấn đề khó khăn của quốc gia là do hình thức và bản chất của nhà nước và nền luật pháp. Thế nhưng không giống như người dân ở các quốc gia dân chủ văn minh, người dân Việt Nam (có thể nói) hoàn toàn mù tịt về luật pháp, vì nó chẳng bảo vệ lợi ích của họ thì họ quan tâm làm gì! Và hệ lụy của sự thiếu vắng này là người dân hoàn toàn không có hiểu biết căn bản về những quyền mà mình phải được hưởng mà không ai có thể tước đoạt. Đối với người dân Việt nam hiện nay, cái được gọi là “luật pháp” chỉ như một bóng ma, chỉ chờ ai sơ sẩy là “ám” ngay. Đó chính là cái nền “luật pháp” đã dùng những “thủ thuật’ để những người trẻ tài giỏi và có hoài bão như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung phải từ chối chân giá trị của mình. Ấy thế mà có một vài người đã khen việc nhà cầm quyền dùng “thủ thuật” để những người này nhận tội hòng làm giảm uy tín của những người đấu tranh cho dân chủ hiện nay là một hành động có “tư duy chiến lược”. Tôi thật sự thất vọng vì cách nhìn nhận luật pháp theo nhãn quan như vậy…Đó không phải là luật pháp mà là thủ đoạn của ma quỷ !..Việc thực hiện những thủ đoạn như vậy là hành vi tấn công vào luật pháp và chà đạp công lý, tạo nên những tiền lệ xấu xa và nguy hiểm!
Tôi viết những dòng này khi vừa kết thúc phiên tòa Sơ thẩm xử 6 giáo dân Cồn Dầu và việc từ chối cho phép các Luật sư của văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ- Nguyễn Thị Dương Hà được tham gia bào chữa cho họ của Chánh án tòa án quận Cẩm Lệ- Đà Nẵng và việc tiếp tục câu lưu blogger Điếu Cày (Nguyễn văn Hải) sau khi đã mãn hạn tù với tội danh “trốn thuế” làm cho các quốc gia và các tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới bất bình lên án.
Những dòng này cũng là để tâm sự với các bạn cái cơ duyên tôi đến với ngành luật, để cùng các bạn bỏ ra vài phút trong cuộc sống đầy bận rộn này cùng suy nghĩ về hiện tình đất nước, với nền luật pháp đang tồn tại nhiều bất cập và bất công. Đặc biệt để tỏ lòng ngưỡng mộ Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Trần Luật, những con người kiên dũng và đầy trí tuệ. Cuối cùng là để cảm ơn ba, một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cuộc đời tôi, một người đã biến ước mơ của chính mình thành hoài bão của một đứa con gái được may mắn thừa hưởng văn tài và tư duy logic của ba.
(Tam Kỳ ngày 29 tháng 10 năm 2010)
Vu That