Việt Nam mua kỹ thuật hỏa tiễn Nga

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011 by: LTSA


HÀ NỘI (ÐV) - Việt Nam đã thỏa thuận với Nga, mua lại bản quyền sản xuất một loại hỏa tiễn tầm trung có khả năng bảo vệ lãnh hải với tầm bắn 300 km, theo một bản tin của báo điện tử Ðất Việt hôm Chủ Nhật.


Hai ngày trước, báo này cho hay chiếc hộ tống hạm trang bị hỏa tiễn và có khả năng “tàng hình nhẹ” Gepard 3.9 đang được chuyển lên tàu vận tải và về tới Việt Nam trong khoảng một tháng. Ðây là chiếc thứ hai trong hợp đồng ký mua của Nga từ 4 năm trước với giá khoảng $350 triệu USD.

Theo tờ Ðất Việt (cơ quan chủ quản là Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam) dẫn lời bình luận của “Trung tâm phân tích mua bán vũ khí TSAMTO của Nga” ca ngợi “hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Nga ở trên mức đối tác chiến lược.”

Năm 2006, Việt Nam là nước đầu tiên đã ký hợp đồng mua 2 hệ thống hỏa tiễn phòng vệ bờ biển di động có tên K-300P Bastion-P của Nga.

Ðất Việt nói rằng: “Nga đang chuẩn bị hợp đồng hỗ trợ Việt Nam sản xuất tên lửa chống hạm Yakhont. Hợp đồng này trị giá ước 300 triệu USD. Tên lửa Yakhont được phóng từ hệ thống Bastion-P do công ty NPO của Nga nghiên cứu và chế tạo, chủ yếu dùng để tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển. Phạm vi tấn công là 300 km, có thể dùng để bảo vệ đường bờ biển dài hơn 600km.”

Liệu hợp đồng này có thể ký vào lúc ông Vladimir Putin, thủ tướng Nga, đến thăm Việt Nam vào tháng 7 tới đây?

Hỏa tiễn Yakhont “có tên thiết kế là 3k-55 Onyx/Yakhont P-800, SS-N-26 là tên lửa tầm trung chiến thuật, phát triển từ năm 1983, trang bị cho Hải Quân Nga vào năm 1999. Ðến năm 2001, P-800 đã được triển khai trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả trên biển, trên không và đất liền.”

“Trong vài năm gần đây, Nga bán bản quyền hợp tác sản xuất P-800 cho Ấn Ðộ dưới tên là Brahmos A và Brahmos S. Về mặt thiết kế, P-800 giống tên lửa chống hạm Moskit (SS-N-22) và P-700 Granit. P-800 có kích thước 8.9 x 0.9 (m), trọng lượng 3 tấn, đầu đạn nặng 250 kg, sải cánh rộng 1.7 m, sử dụng động cơ đẩy phản lực thẳng, nhiên liệu lỏng, hoạt động trong phạm vi từ 120-300 km tùy theo độ cao và hành trình với vận tốc 2.5 M. So với các tên lửa đối hải thế hệ trước, hành trình của P-800 đặc biệt hơn...”

Tuy hỏa tiễn này có các phiên bản khác nhau từ gắn trên máy bay đến trên xe vận tải trên bộ, chỉ thấy tờ Ðất Việt mô tả phiên bản gắn trên xe tải đặc dụng gọi là “hệ thống Bastion-P” để phòng thủ bờ biển.

Theo báo Ðất Việt:

“Ðây là một hệ thống phòng thủ bờ biển di động, sử dụng xe MZKT-7930 TEL, trọng tải 41 tấn, mỗi xe mang theo ba quả tên lửa, hoạt động trong đội hình bao gồm các xe mang tên lửa, xe chỉ huy, hệ thống radar truyền tiếp thông tin.”

“Hệ thống này được thiết kế dựa trên phiên bản của tên lửa chống tàu có tốc độ siêu âm nổi tiếng Ruby K301. Ống phóng TPS dạng kín của hệ thống dài 8.9m, đường kính 71cm, trọng lượng 3,900 kg. Tổng chiều dài của hệ thống bao gồm cả đầu đạn và hệ thống điều khiển là 8.6m. Ðạn của tên lửa có đường kính là 67cm.”





“Hệ thống Bastion-P (còn gọi là Fortress-P) chuẩn gồm: Mô hình cơ bản của một tổ hợp bao gồm 4 xe mang tên lửa tự hành K340P SPU (loại xe dựa trên khung gầm xe tải MZKT-7930). Mỗi xe mang 2 ống phóng TPS chứa tên lửa; 1-2 xe điều khiển K380P MBU (trọng tải 25 tấn trên khung xe MZKT- 65273) có thể triển khai chiến đấu chỉ trong vòng 5 phút.”

Ðầu tháng 5 vừa qua, Hải Quân CSVN đã tiếp nhập chiếc Gepard 3.9 đầu tiên ở Cam Ranh và đặt tên là Ðinh Tiên Hoàng.

Theo tờ Ðất Việt hôm Chủ Nhật: “Việt Nam cũng đã hoàn thành việc mua giấy phép đóng mới tàu tuần tra tên lửa Project 1241.8 (Molniya, tàu tuần cỡ nhỏ, trang bị hỏa tiễn). Ðiều kiện để đóng tàu tuần tra tên lửa này tại Việt Nam đã hoàn tất vào năm 2006. Năm 2010, việc giải quyết một phần của giấy phép để đóng mới 10 tàu tuần tra tên lửa đã bắt đầu. Dự kiến công việc đóng mới 10 tàu tuần tra tên lửa Project 1241.8 sẽ được hoàn thành vào năm 2016.” Sự chậm trễ này rất có thể do phía Việt Nam không có tiền?

Ngoài ra, theo Ðất Việt: “Phía Việt Nam cũng đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng mua 10-12 tàu tuần tra cao tốc Project 10412. Công việc đang được tiến hành tại nhà máy đóng tàu Almaz ở St. Petersburg. Tàu tuần tra Project 10412 có khả năng đạt tốc độ tới 30 hải lý/giờ.” (Ðây cũng chỉ là tàu tuần cỡ nhỏ có tên là Svetlvak, trang bị hỏa tiễn nhưng nhỏ hơn tàu Molniya.) Dự án này cũng đã thấy nói từ lâu, bây giờ tình hình biển Ðông thúc đẩy Hà Nội bật mí ra một ít tin tức quân sự.

Filed under: