TÀU CHIẾN ẤN ĐỘ SẮP GHÉ CẢNG ĐÀ NẴNG
Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Tin Tổng Hợp - Mặc dầu cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vẫn sôi sục, 4 chiến hạm thuộc Hạm Đội miền Đông của Ấn Độ đang thực hiện một cuộc hành trình đi ngang qua vùng biển này, ghé thăm 3 nước đang có tranh chấp với Trung Cộng về vấn đề phân định khu đặc quyền kinh tế trong vùng biển giàu tài nguyên dầu khí này. Trang mạng infonet.vn cho biết Sở Thông Tin và Truyền Thông Đà Nẵng sáng hôm 30 tháng 5 xác nhận đoàn tàu chiến Ấn Độ gồm tất cả 1,200 sĩ quan và thủy thủ sẽ đến thăm thành phố Đà Nẵng và lưu lại thành phố này 4 ngày, kể từ ngày 4 tháng 6. Tin này nói rằng đây là lần thứ hai tàu hải quân Ấn Độ đến thăm Đà Nẵng nội trong năm nay. Sở Thông Tin Truyền Thông Đà Nẵng cho biết là dự kiến đoàn tàu sẽ rời cảng Tiên Sa vào ngày 8 tháng 6. Tin của trang mạng tin tức quốc phòng Pakistan defence.pk hôm 28 tháng 5 loan tin đoàn tàu chiến do Tư Lệnh Hạm Đội Miền Đông của Ấn Độ, Chuẩn Đô Đốc Pajit Kumar, chỉ huy, đã rời bến cảng Ấn Độ hôm 20 tháng Năm, dẫn đầu bởi Khu trục hạm INS Satpura, đoàn tàu còn gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường INS Ranvijay, hộ tống hạm INS Kirch, và tàu tiếp liệu INS Shakti. Các tàu chiến Ấn Độ đã diễn tập với hải quân Singapore tại vùng biển về hướng Đông-Nam eo biển Malacca, một trong các tuyến hàng hải đông tàu bè qua lại nhất thế giới. Sau đó, các tàu chiến Ấn Độ sẽ tiếp tục cuộc hành trình vào Biển Đông.
Các chặng dừng chân lần lượt sẽ là bến cảng Kelang ở Malaysia, cảng Đà Nẵng của Việt Nam, và cảng Manila của Philippines. Các chiến hạm thuộc Hạm Đội Phía Đông của Ấn Độ sẽ trở về nước vào cuối tháng 6. Bình luận về ý nghĩa của cuộc hành trình Biển Đông của các chiến hạm Ấn Độ trong bối cảnh tranh chấp leo thang với Trung Cộng và các nước trong khu vực, trang mạng Defencenow nói rằng Ấn Độ và Việt Nam mới đây đã đẩy mạnh nỗ lực củng cố quốc phòng, và thiết lập sự hiện diện lâu dài trên vùng biển Đông, sau khi Việt Nam cho phép các chiến hạm Ấn Độ được cập bến cảng Nha Trang. Ấn Độ đã tăng cường sức mạnh quân sự, kể cả lực lượng hải quân, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực nhằm củng cố quan hệ quốc phòng với các nước Á Châu, kể cả Nhật Bản, Philippines, và Việt Nam…Và càng ngày Ấn Độ càng được coi như một lực đối trọng với sức mạnh quân sự và chính sách bành trướng của Trung Cộng