Liệu có khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam? (phần 2)

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

2012-09-15
Tiếp tục loạt bài về liệu sẽ có khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, trong phần 2 của bài sẽ tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia và giảng viên kinh tế về vấn đề này.

RFA
Chi nhánh ngân hàng Bảo Việt tại Hà Nội.
Mới đây, trong bản tin của hãng Bloomberg trích dẫn lời ông Đinh Tuấn Minh, một thành viên của nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô của Quốc hội và đồng tác giả của "Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012" rằng, Việt Nam có thể cần đến cứu trợ quốc tế để tạo quỹ "tái cấu trúc hệ thống ngân hàng" nhằm giải quyết nợ xấu khổng lồ cho hệ thống này. Cùng thời điểm này, trong cuộc họp Thượng đỉnh APEC tại Nga, Tổng thống Indonesia Susilo Yudhoyono cho biết các thành viên của ASEAN cũng như bản thân Indonesia sẽ sẵn sàng giúp Việt Nam vượt qua "khủng hoảng" để không cần cứu trợ từ IMF. Với những thông tin như vậy, cộng với khả năng phục hồi kinh tế chậm chạp cũng như triển vọng không mấy sáng sủa trong thời gian trước mắt, nhiều lời đồn đoán cho rằng Việt Nam có thể bước vào ngưỡng của một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tùy vào cải cách của chính phủ

cac-ngan-hang-tai-viet-nam-250.jpg
Các ngân hàng tại Việt Nam (minh hoạ). RFA file.
Tuy nhiên, để khẳng định có hay không một cuộc khủng hoảng là một câu hỏi không dễ trả lời, vì có rất nhiều tác nhân quyết định đến khái niệm "khủng hoảng". Ở một số quốc gia thì khủng hoảng bắt nguồn từ hệ thống tài chính ngân hàng hoặc bắt đầu bằng tình trạng bong bóng địa ốc; trong khi đó ở quốc gia khác thì khủng hoảng lại bắt đầu từ sự bất ổn chính trị, chiến tranh hoặc quốc gia mất khả năng trả nợ quốc tế. Khái niệm khủng hoảng kinh tế ở mỗi quốc gia mang những đặc tính khác nhau, dựa trên những yếu tố như lạm phát, tốc độ tăng trưởng, cán cân thanh toán, dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế của nước mình. Tại Việt Nam, nếu có một cuộc khủng hoảng kinh tế thì cũng sẽ mang "màu sắc" khác bởi thể chế chính trị cũng như khả năng can thiệp của Chính phủ vào điều hành nền kinh tế ở mức độ khác với các nước từng trải qua khủng hoảng trong khu vực.
Chúng tôi liên hệ với TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương để tìm hiểu về khả năng có xảy ra một cuộc khủng hoảng tại Việt Nam hay không, TS Doanh cho biết:
"Việc có khủng hoảng hay không thì đó là điều mà trong giới học thuật cũng như trong giới chính trị cho đến nay chưa có kết luận, cho nên tôi chưa muốn nói gì đến chuyện gì đến việc đó."
Tình hình kinh tế năm tới phụ thuộc rất nhiều vào hành động cải cách của Chính phủ, nếu không có những hành động cải cách kiên quyết có hiệu quả thì tình hình khó có khả năng cải thiện.
TS Lê Đăng Doanh
Mặc dù không trả lời thẳng liệu có hay không một cuộc khủng hoảng, nhưng TS Doanh cho biết khả năng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn và kinh tế có cải thiện được hay không còn tùy thuộc vào các chính sách điều tiết của Chính phủ với các biện pháp cải cách kiên quyết, ông nhận xét:
"Tình hình kinh tế năm tới phụ thuộc rất nhiều vào hành động cải cách của Chính phủ, nếu không có những hành động cải cách kiên quyết có hiệu quả thì tình hình khó có khả năng cải thiện. Phải cải cách cả bộ máy, cả thể chế, phải cải cách đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng."
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần nhắc tới việc phải tái cấu trúc nền kinh tế và ngay TS Lê Đăng Doanh cũng đã lên tiếng cho rằng Việt Nam cần phải có một sự đổi mới kinh tế lần 2 theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu để phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại. Mặc dù đề án tái cấu trúc đã được giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì thực hiện, nhưng đề án này đã bị hoãn lại cho đến năm sau.

Không cần vay vốn

cac-tap-doan-cot-tru-cua-kinh-te-quoc-gia-250.jpg
Các Tập đoàn cột trụ của kinh tế quốc gia. RFA file.
Tuy nhiên, ở góc độ vay nợ quốc tế để cứu trợ cho các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng như một số chuyên gia cảnh báo, TS Vũ Ngọc Xuân, giảng viên chính khoa Kinh tế trường ĐH Kinh tế Quốc Dân cho rằng khả năng đó rất khó xảy ra tại Việt Nam do dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức an toàn, cũng như sự ổn định của tỷ giá giữa đồng nội tệ và đồng đô la Mỹ. TS Xuân cho biết:
"Nhìn chung khả năng khủng hoảng của Việt Nam mà cần đến các tổ chức tài chính quốc tế cứu trợ như IMF, World Bank thì điều đó rất khó có khả năng xảy ra. Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Việt Nam có sự bất ổn liên quan đến chính trị, gây ra khủng hoảng niềm tin thì sẽ cần đến sự cứu trợ của các tổ chức quốc tế.
Cho nên Việt Nam mặc dù khó khăn nhưng vẫn không cần đến sự cứu trợ của các tổ chức quốc tế.
TS Vũ Ngọc Xuân
Nhưng với tình hình dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay, cũng như sự ổn định tỷ giá giữa đồng VN và đồng USD thì khả năng đó rất là thấp. Cho nên Việt Nam mặc dù khó khăn nhưng vẫn không cần đến sự cứu trợ của các tổ chức quốc tế."
Mặc dù không cho rằng những bất ổn chính trị có thể là ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng kinh tế, TS Nguyễn Quang A nhận xét tương lai kinh tế Việt Nam sẽ vẫn còn có những trở ngại nếu chừng nào chưa có sự xác định rõ ràng vai trò của Đảng Cộng sản, chưa phân định được rõ ràng vai trò của Nhà nước và vai trò của khối các doanh nghiệp làm kinh tế, TS Quang A bình luận:
"Tôi nghĩ rằng chừng nào Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thay đổi đường lối của mình, chừng nào họ chưa có một nhìn nhận rất rõ là việc gì là việc của nhà nước và việc gì là việc của các doanh nghiệp mà vẫn còn lẫn lộn như thế thì tôi nghĩ rằng tình hình kinh tế khó có khả năng sáng sủa hơn."

Không hẳn

hang-hoa-chat-dong-250.jpg
Hàng hóa chất cao trong một siêu thị ở Hà Nội hôm 11/6/2012. RFA photo
Nếu nhìn vào các chỉ số kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn gần đây có thể thấy tình hình đã có những cải thiện, nhưng chưa nhiều, tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm ở mức 4.4% so với mức ban đầu 6.5%, số lượng các doanh nghiệp khai phá sản hoặc ngừng nộp thuế vẫn tăng cao, những rủi ro của bất ổn vĩ mô vẫn lớn. TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thừa nhận bản thân nội tại của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhưng khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng thì không có. Ông nhận xét:
"Vẫn thừa nhận là rủi ro bất ổn vĩ mô vẫn còn và có một số vấn đề thí dụ như nợ xấu trong hệ thống ngân hàng khá là nghiêm trọng, thứ hai là tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang tăng chậm lại, nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn về các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhưng đến mức Việt Nam không thể xử lý được mình thì tôi nghĩ nó không hẳn như vậy.
TS Võ Trí Thành
Nếu mà nói có nguy cơ xảy ra khủng hoảng hay không thì trong bối cảnh kinh tế hiện nay của thế giới và khu vực cũng còn rất nhiều khó khăn thì kinh tế Việt Nam cũng khó khăn và nội tại kinh tế của Việt Nam cũng có nhiều khó khăn. Nhưng đến mức Việt Nam không thể xử lý được mình thì tôi nghĩ nó không hẳn như vậy."
Ngoài ra TS Võ Trí Thành cũng cho biết theo dự báo có thể nền kinh tế Việt Nam năm tới sẽ khá hơn một chút, dần dần vượt qua được những khó khăn với những biện pháp quyết liệt từ cấp vĩ mô, theo đó các hướng cải cách sẽ tập trung mạnh vào hệ thống ngân hàng, khối doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công.
Xin được nhắc lại, trong ngày 13/9, khi trả lời TTXVN, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với điều kiện kinh tế vĩ mô, Chính phủ Việt Nam sẽ không có nhu cầu vay vốn của IMF cũng như của các nước ASEAN + 3 để xử lý các vấn đề trong nước, Thủ tướng nhận định Việt Nam đã bắt đầu đã có những dấu hiệu tích cực trên các mặt như tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối, xuất nhập khẩu…
Có thể nói, với những dấu hiệu cả tiêu cực lẫn tích cực mà nền kinh tế Việt Nam đang thể hiện, cộng với bức tranh sáng tối đan xen của nền kinh tế toàn cầu, rất khó để kết luận Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ khủng hoảng với việc vay vốn cứu trợ của các tổ chức quốc tế để giúp giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Bất kỳ một kết luận nào được đưa ra hiện tại chắc chắn sẽ cần phải có thêm thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu.

Filed under: