Mơ chiều - ÐIỆP-MỸ-LINH

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

Xuyên qua từng áng mây chĩu nặng hơi nước, những tia nắng đìu hiu của một buổi chiều như đang ngập ngừng bên ngoài khung kính. Bảo-Trân nghiêng một bên má sát vào mặt kính để nhìn lại phía sau. Thành phố Dalat đã chìm khuất, chỉ còn những đóm sáng ly ty từ những tòa buildings trên triền núi cao. Từ những triền núi, hơi lạnh toát ra, tạo thành những phiến sương buồn, che khuất những khe núi thâm u rồi bay lang thang trong vùng không gian im vắng để đợi chờ ánh hoàng hôn.


Nhìn vùng không gian đẫm sương chiều, tự dưng Bảo-Trân liên tưởng đến hình ảnh êm đềm của một thành phố lạ lẫm, xa xăm. Nơi thành phố đó, khi chiều xuống, những màn sương trắng đục tỏa ra từ lòng núi cũng vây quanh những tòa buildings cao nghệu; cũng bay lang thang để tìm xem màn đêm về từ lối nào; cũng vượt lên đỉnh núi, hòa lẫn vào mây, khiến cảnh sắc trở nên hùng vĩ và kỳ bí lạ lùng. Nếu phải so sánh những điều khác biệt giữa hai thành phố, có lẽ Bảo-Trân chỉ thấy, nơi thành phố lạ, những màn sương trắng đục thích lơ lững trên những nhánh sông cuồn cuộn phù sa.


Từ một trong những nhánh sông phù sa, chiếc du thuyền nhỏ, Royal, trôi êm ả giữa dòng, bỏ lại phía xa từng vùng ánh sáng rực rỡ của những thành phố kỹ nghệ và những khu vực thương mại sầm uất.


Qua khỏi thượng nguồn, sự phồn thịnh dọc hai bên bờ không còn nữa. Từ chiếc Royal nhìn lên bờ, Bảo-Trân thấy những thân người gầy gò trong những mảnh vườn cằn cỗi đang từ từ lùi lại phía sau trong khi chiếc Royal xuôi giòng sông sâu, giữa hai triền núi cao. Nhìn quanh, Bảo-Trân chỉ thấy núi và núi. Núi chập chùng. Núi vây quanh. Núi kéo dài đến vô tận. Núi đổi màu tùy theo độ cao và sự di chuyển của hơi sương cùng ánh mặt trời. Sự đổi dạng và tuổi tác của những trái núi tạo nên sự hùng vĩ, sự thướt tha hoặc sự cuồng nộ của dòng sông.


Dòng sông này không có sự mênh mông bát ngát của sông An-Giang, sông Triêm-Ðức hoặc sông Ðà-Rằng; dòng sông này thiếu hẳn sự nên thơ nhưng đầy nguy khốn của sông Cái-Lớn hoặc sông Vàm-Cỏ trong thời binh lửa; dòng sông này không mang nặng vết đau lịch sử của một dân tộc như sông Gianh, sông Bến-Hải và sông Thạch-Hãn; dòng sông này thiếu hẳn sự tươi trẻ và trữ tình của dòng Danube hoặc dòng sông Rhine bên trời Âu; dòng sông này cũng không có sự kinh khiếp đầy huyền diệu của sông Hằng. Dòng sông này thâm trầm, như một cụ Ðồ Nho, vì tích lũy nhiều điều huyền nhiệm của đời, của thời gian và của thiên nhiên. Dòng sông này mang tên Dương-Tử.


Khi ánh nắng mai ló dạng cuối trời xa là lúc Bảo-Trân thích thú nhìn dòng Dương-Tử trườn mình giữa hai vách núi thẳng đứng. Nhìn lên đỉnh núi, Bảo-Trân thấy những cây tùng, cây bách chễm chệ một vùng trời riêng để vui đùa với gió và tự tình với mây. Dưới chân núi, nhiều người dân lam lũ đang còng lưng vét những hạt cát hiếm hoi bên bờ sông để đem về xây những ngôi nhà nhỏ nhắn trên hóc núi cao hoặc xây những cây cầu cheo leo, nối liền hai triền núi dọc bờ sông.


Trên mặt sông đục ngầu màu đất đỏ, những chiếc du thuyền nhỏ vẫn ngược xuôi trong âm thanh vi vu mệt mỏi của máy tàu. Âm thanh này và màu nước này gợi nơi lòng Bảo-Trân hình ảnh những dòng sông thấm máu và những cánh rừng tràm đầy mìn bẫy và hầm chông khi chiến tranh còn lan tràn nơi vùng quê hương đầy khổ nạn. Khi mạch sông Dương-Tử được đắp đập để mực nước sông dâng lên cả trăm thước thì cuộc sống nơi vùng quê hương nghèo khó của nàng, phía hạ lưu, sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?


Trong khi Bảo-Trân trầm ngâm vì những ưu tư không thể giải đáp được thì có tiếng gõ cửa. Xoay người lại, từ từ bước ra cửa, Bảo-Trân nghĩ rằng người gõ cửa là Phong, nhưng vẫn hỏi, vì thói quen về vấn đề an ninh:


- Ai đó?


- Anh. Anh sang rủ em lên sân tàu ngắm mặt trời lặn.



Quanh sân tàu rất nhiều du khách chụp ảnh và ngắm nhìn những tòa nhà nhiều tầng được xây gần đỉnh núi để dân cư dời lên đó khi công tác xây đập nước hoàn tất. Rồi đây sẽ có nhiều thành phố bị chìm lấp trong dòng nước sâu. Không hiểu những người dân cần cù sẽ thích ứng được với hoàn cảnh khắc nghiệt hay không, vì càng lên cao thời tiết càng lạnh và những vùng đất xốp để trồng trọt càng hiếm. Nghĩ đến cảnh không biết bao nhiêu gia đình phải dời lên núi cao, để bao nhiêu ruộng vườn, mồ mả tổ tiên, ông bà và người thân chìm sâu vào lòng nước, Bảo-Trân thở dài, lòng đầy thương cảm.



Bảo-Trân đang miên man suy tưởng, chợt nghe Phong nói:



- Ở đây đông quá. Mình lên tầng trên, nhé.


Tầng trên ít người, có lẽ vì gió. Phong xoay hai chiếc ghế nhựa để lưng ghế quay về hướng mặt trời rồi chàng và Bảo-Trân ngồi vào. Nhìn vùng không gian rộng lớn của sườn núi đối diện chan hòa trong ánh nắng chiều, Phong hỏi:



- Màu nắng này có gợi trong hồn em chút gì không, Bảo-Trân?



Bảo-Trân không vội đáp, lặng ngắm những thân người gầy guộc đang hái bắp trên sườn núi và nhóm người khác đang chặt thân cây bắp, bó lại từng bó. Và gần nơi đỉnh núi, Bảo-Trân thấy mấy ngôi nhà ẩn mình trong màu xanh biếc của cây rừng. Bảo-Trân đáp:


- Dạ, màu nắng này làm em nhớ đến những buổi chiều êm ả trên núi Pilatus ở Thụy-sĩ. Chỉ khác một điều, trên triền núi Pilatus em thấy vài trang trại và những chú bò thong dong nhơi cỏ. Nơi cổ của mỗi chú bò, người ta cột một cái chuông nhỏ nên khi chú bò cử động tiếng chuông nghe leng keng. Tiếng chuông này giúp cho người ta dễ tìm, nếu tối đến mà chú bò không về.


Từ những hang động nhân tạo trên đỉnh núi Pilatus, em có thể thấy, trong ánh nắng vàng nhạt và từng cơn gió dìu dịu như hôm nay, những áng mây chiều chờn vờn bên ngoài cửa hang. Cũng từ những hang động đó nhìn xuống, trên mặt nước xanh ngát như biển khơi, em thấy vài chiếc du thuyền nhỏ, mang cờ hình chữ thập, trôi lặng lờ trên mặt hồ Lucerne. Nếu tinh ý, du khách có thể thấy hồ Lucerne mang hình dáng chữ thập. Xa xa, chen chúc trong màu xanh của cỏ cây là màu đỏ của mái ngói trên những ngôi nhà thờ cổ, với những tháp chuông cao vời vợi. Và xa, xa tít đến cuối trời, màu xanh thẫm của phụ lưu hồ Lucerne len lỏi giữa màu trắng ngần của những khe núi tuyết. Trên đỉnh núi, tuyết lấp lánh trong chút nắng hắt hiu muộn màng.


Trong khung cảnh như vậy mà nghe những tiếng leng keng trỗi lên liên tục từ nhiều hướng khác nhau, tự dưng tâm hồn em bâng khuâng, xao xuyến một cách lạ lùng. Bây giờ, nhìn hình ảnh trên triền núi đối diện, ngoài chút bâng khuâng, xao xuyến, em còn cảm thấy như có điều chi rưng rức chĩu nặng trong lòng.


- Như vậy là tâm hồn em giao động nhiều hơn trước khung cảnh này, đúng không?


- Dạ, đúng.


- Tại sao?


- Cảnh đẹp của thiên nhiên làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của em. Nhưng điều làm cho em xúc động lại là sự nghèo khó và nỗi bất hạnh của con người. Còn anh, anh nghĩ gì?


- Anh hả? Anh thì anh nghĩ đến những buổi chiều có nắng vàng tỏa rộng trên sườn núi nơi đèo Rù-Rì hoặc lung linh trên rừng dừa nơi bãi biển tại trung-tâm thể dục Ðinh-Tiên-Hoàng, sau này đổi lại là Trung Tâm huấn luyện Biệt-Ðộng-Quân, ở Ðồng-Ðế, Nhatrang.


- Anh là Quân-y mà anh làm chi ở chỗ người ta huấn luyện Biệt-Ðộng-Quân?


- Vì là Quân-y nên Hè phải thụ huấn quân sự ở đó.


- Ô, thì ra vậy. Những buổi chiều như vậy anh nghĩ gì?


- Anh cảm thấy cô đơn lắm và: “Anh nhìn xa vắng, ngàn thương nhớ. Em đã xa rồi, em biết không?” (1)



Biết Phong muốn gián tiếp gợi lại Cuộc Tình Xót Xa muộn màng giữa chàng và nàng, Bảo-Trân thoáng buồn:


- Anh đã hứa với em rồi, anh nhớ không?


Phong tinh nghịch:

- Anh hứa gì?


Bảo-Trân cả tin nên nhắc:


- Anh hứa sẽ xem em như em gái thôi. Anh nhớ không?


Phong cười buồn, im lặng. Một lúc lâu, Bảo-Trân chuyển đề tài:


- Từ mấy hôm nay anh có nhận biết được điều gì khác thường trong không gian mà chúng ta đã đi qua không?


- Có. Anh cảm thấy như thiêu thiếu cái gì đó, nhưng không biết là cái gì.


- Anh thử tưởng tượng, nếu có vài cánh chim bay chầm chậm ngang triền núi đối diện thì...


Nét mặt Phong tươi trở lại:


- Ðúng rồi. Từ hôm đặt chân đến đất nước này anh chưa hề thấy bất cứ loài chim nào cả. Tại sao?


- Em không hiểu.


Vừa khi ấy, Jason, hướng dẫn viên du lịch, bước lên khỏi bậc thang cuối cùng. Phong gọi Jason, đặt câu hỏi bằng Anh ngữ, vì Phong biết tất cả hướng dẫn viên du lịch tại Trung-Hoa đều được chính phủ đào tạo và Anh văn là sinh ngữ chính. Jason đáp:


- Tôi không nhớ bác sĩ là người thứ mấy đã hỏi tôi câu này; nhưng tôi nhớ, khi tình hữu nghị giữa Nga-Sô và chúng tôi còn khắng khít, Nga-Sô đã cho chính phủ của chúng tôi vay một món nợ lớn. Nước chúng tôi đông dân nhưng nghèo, trả nợ không nổi. Ðến lúc tình hữu nghị giữa hai quốc gia rạn nức, Nga-Sô đòi nợ gắt gao quá, chính phủ của chúng tôi ra lệnh mọi tầng lớp nhân dân phải chia xẻ những khó khăn với quốc gia bằng cách dồn tất cả nỗ lực để tăng gia sản xuất, lấy gạo và ngũ cốc trả nợ cho Nga. Nhưng trở ngại lớn của chúng tôi là: Sau khi gieo mạ và hạt giống, chim ăn hết. Thế là chính phủ ra lệnh giết tất cả chim chóc để hoa màu không bị hao hụt.


Bảo-Trân ngạc nhiên:


- Làm sao có thể giết hết được tất cả chim chóc?


Jason cười:


- Chim muông cũng có linh tính và tiếng nói riêng. Vì vậy, sau vài đợt bị lùng giết, lũ chim rũ nhau bay đi, không bao giờ trở lại!


Bảo-Trân chưa kịp nói chi thêm thì từ các máy khuyếch đại âm thanh đặt quanh tàu vang lên lời nhắn của director Charles: “Thưa quý bà, quý ông! Du thuyền của chúng tôi sẽ dừng lại trong vài phút nữa. Quý vị nào đã ghi tên tham dự cuộc du ngoạn vào sông Daning, xin chuẩn bị để thuyền máy đưa quý vị đi.”


Chiếc thuyền máy có cửa kính bao quanh rời sông Dương-Tử để tiến vào nhánh sông Daning đầy đá cuội. Dọc theo bờ sông Daning, nơi những vùng đất chài cũng như trên triền núi cao, Bảo-Trân chỉ thấy những mảnh vườn tàn úa, như là vết tích còn lưu lại của mùa Ðông. Những người đang làm vườn hoặc làm rẫy trên cao hay những người ngồi giặt quần áo ven sông, vội dừng tay, nhìn đoàn thuyền máy với nét mặt và ánh mắt tràn đầy ước mơ.


Càng xa giòng Dương-Tử bao nhiêu màu nước càng trong trẻo và đáy sông càng lộ rõ bấy nhiêu. Ðá cuội dọc bờ sông trở nên nhẵn và láng thêm. Trên những phiến đá cuội đó, những đôi chân trần khẳng khiu của mấy em bé và của vài thanh niên, ngang người chỉ quấn một mảnh khố, cố chạy theo chiếc thuyền máy để bán những cái chuông nhỏ bằng đồng, được chạm trổ chữ Nho và hình tượng các vị Bồ-Tát hoặc bán những cây gậy bằng gỗ được uốn cong một đầu và cũng được chạm trổ rất công phu.


Thấy mấy em bé trai đen đủi cùng mấy cậu thanh niên vấn khố, Bảo-Trân chạnh nhớ đến vùng trời Dalat mờ sương; nơi đó đàn ông Thượng cũng vận khố, phụ nữ Thượng để ngực trần, mặc váy, và đeo những vòng xoắn bằng đồng nơi hai cổ chân và hai trái tai được căng rộng ra. Họ thường đi từng nhóm nhỏ. Ngày còn bé, Bảo-Trân thích nhìn dáng họ chập chờn trong ánh nắng chiều, bên những đồi trà xanh biếc. Cũng có lúc họ đem măng hoặc ngũ cốc đến nhà đổi muối. Ngoại không đổi, lại bảo người giúp việc lấy muối đem cho họ. Khi nào cũng vậy, nhận được chén muối họ cười hớn hở, để lộ hai hàm răng đã bị cà thấp xuống, và họ líu lo một thứ ngôn ngữ không thể nào Bảo-Trân hiểu được.

Nụ cười của người Thượng ngày đó và nụ cười của những người vận khố nơi đây, sau khi bán được món hàng, đều đượm nét ngây ngô, mộc mạc mà người thị thành không làm sao có được.


Gió lùa mây thật thấp. Dòng sông trở nên hẹp và cạn dần. Thuyền đã tắt máy để vài thanh niên lực lưỡng dùng sào chống. Mạn thuyền cạ lên đá cuội, âm thanh nghe không êm ả tý nào cả. Bảo-Trân thấy, từ trên mấy đỉnh núi, nhiều chú khỉ đang xôn xao, có vẻ huyên náo lắm. Giữa lúc Bảo-Trân chưa hiểu dịch vụ du lịch đưa du khách vào đến cuối giòng Daning để làm gì thì nghe giọng Jason:


- Những gia đình giàu mới có tiền chôn người thân trên đó.


Từ nãy giờ chỉ để tâm ngắm cảnh lạ, Bảo-Trân không để ý đến lời dẫn giải của Jason. Bây giờ nghe ba tiếng “chôn trên đó”, Bảo-Trân ngạc nhiên, vội nhìn theo hướng ngón tay trỏ của Jason, để thấy, gần những đỉnh núi cheo leo, nơi những khoảng núi bị lỡ, lộ ra màu đất đỏ hoặc vàng sậm, là những cửa hang nho nhỏ; trong hang là quan tài của người chết. Bảo-Trân tò mò hỏi Jason:


- Làm thế nào họ có thể đưa quan tài lên đến đó để chuyền vào hang?


- Ðưa quan tài lên đến đỉnh núi rất khó khăn. Nhưng họ trả tiền hậu hỷ thì cũng có người làm. Lên đỉnh rồi, họ sẽ thòng giây để chuyển quan tài vào hang.


- Sau đó hang có được đóng cửa hoặc lấp lại không?


- Không.


Bảo-Trân nhìn quanh và thấy hầu như nơi mỗi chỗ núi lỡ đều được dùng làm nhà mồ không cửa. Nàng lại hỏi:


- Tại sao họ không tìm đất để chôn mà lại lập những nhà mồ trong lòng núi, không cửa?


- Vì càng lên cao càng nhiều đá, không có đất.


- Tại sao họ không chôn nơi những vùng thấp?


- Ðây là vùng núi đá. Những vùng thấp đất rất hiếm, chỉ để trồng trọt.


- Tình trạng khai khẩn hiện nay đã khó khăn như vậy, khi kế hoặch xây đập nước thực hiện xong, mực nước dâng cao cả hơn trăm thước nữa thì người dân canh tác bằng cách nào để sống?


- Ðó là câu hỏi tôi không thể giải đáp được. Tôi nghĩ “Trời sinh trâu, sinh cỏ.”



Nhìn ánh hoàng hôn loan nhè nhẹ trong vùng không gian đìu hiu nơi chốn tận cùng của một nhánh sông, Bảo-Trân thầm nghĩ, đời sống của con người nơi đầu nguồn thì tùy thuộc vào Trời; còn đời sống của những dân tộc ở cuối nguồn tại sao lại tùy thuộc vào người láng giềng hung bạo, hẹp hòi, chỉ thích kiến tạo những đồ án vỹ đại để phô trương với thế giới chứ không nghĩ đến nỗi đau khổ của con người do sự thực hiện những đồ án đó tạo nên?


Ý nghĩ này, cách nay vài hôm, lúc viếng thăm Vạn-Lý Trường-Thành, cũng đã thoáng qua trong hồn Bảo-Trân. Khi cùng Phong bước nhanh lên nhiều bậc cấp của một trong những kỳ quan của thế giới, lòng Bảo-Trân chỉ nghĩ đến sự chia xa, niềm đau thương, nỗi thống khổ cùng máu, mồ hôi và nước mắt của hằng vạn con người đã quyện vào với vôi, với cát khi thực hiện kiến trúc vĩ đại này. Mỗi khi dừng lại nơi tháp canh nghỉ mệt, trong sự buốt lạnh của từng cơn gió lùa vào, Bảo-Trân tưởng như nàng có thể nghe được tiếng oán than của những oan hồn đã bỏ thây vì sự hình thành của kỳ quan này!


Ðang quan sát và suy nghĩ vẩn vơ, Bảo-Trân chợt cảm biết chiếc thuyền máy đã ủi bãi và một số ít du khách đã lên bờ. Bờ, và cũng là điểm tận cùng của dòng Daning, chỉ là một vùng đất đá bị nước xoi mòn, rơi khỏi triền núi. Theo thời gian, đất đỏ bị nước cuốn đi; và sự di động liên tục của nước đã dũa mòn những góc cạnh của đá để ngày nay Bảo-Trân thích thú nghe âm vang của những viên đá cuội rạc rào dưới mỗi bước chân.


Hoàng hôn đã phủ kín cả vùng không gian đậm đặc hơi nước. Bảo-Trân thấy triền núi dọc hai bên bờ sông đã trở thành màu xanh thẫm; trên nền xanh thẫm đó, những màn sương mỏng chờn vờn trông như những áng mây, và ánh đèn leo lét phía xa trông như những vì sao lạc. Nơi đỉnh núi cao, ánh trăng len lén xuyên qua những áng mây mờ. Bất chợt Bảo-Trân cất tiếng hát nho nhỏ, vừa đủ cho Phong nghe: “Qua những mùa trăng dáng em theo thời gian. Nhẹ lướt mơ hồ khi vàng úa trăng tàn. Sông nước mịt mùng xóa mờ một kiếp tha phương giang hồ. Lệ tràn lên mi tình trong giấc mơ. Năm tháng phôi pha bẽ bàng tình khúc ly tao cung đàn. Lệ tràn lên mi tình trong tiếng tơ. Ðêm nay thông u sầu dưới trăng chốn đây nhưng nào, nàng đâu?...” (2). Phong lắng nghe, lòng thầm tiếc là chàng đã mất Bảo-Trân suốt thời gian dài cho nên khoảng đời trai trẻ Phong đã không hưởng được những giây phút lãng mạn, tình tứ và đầm ấm như thế này. Bất ngờ giọng Bảo-Trân vút cao: “...Ðêm nay ánh trăng ngà lả lơi, trải trên cây rừng nhớ thương. Dưới ánh trăng u huyền thông mơ reo...” Bảo-Trân nhấn giọng ở chữ “lả” và chữ “trải” rồi chữ “nhớ” rơi vào note Si bémol của bản nhạc thuộc cung Ré Majeur khiến người nghe cảm nhận được tất cả nỗi xót xa, u hoài.


Sau khi Bảo-Trân kết thúc bản nhạc, Phong đọc khẽ hai câu thơ vừa mới lướt qua trong hồn chàng:


- Anh nghe em hát, lòng xao xuyến. Trong cõi hồn em, anh ước mơ. (3)


Bảo-Trân im lặng, cố nén sự giao động bồi hồi từ trái tim đa cảm của nàng. Phong nhìn Bảo-Trân bằng ánh mắt chan chứa yêu thương.



Cũng với ánh mắt tràn đầy yêu thương đó, tối đến, trong lúc say mê theo dõi chương trình nhạc cổ truyền tại The Tang Dynasty, Phong cũng xoay nhìn Bảo-Trân, khi đoàn nữ nhạc công xử dụng nhạc cụ xưa để cùng tấu lên những hợp khúc cổ điển của nền âm nhạc Trung-Hoa.


Từ khi thất vọng về mối tình một chiều do sự ngây thơ của Bảo-Trân, mỗi khi thấy phụ nữ chơi đàn, Phong lại nghĩ đến nàng. Riêng Bảo-Trân, mỗi khi nghe âm thanh của nhạc cụ nàng thường chơi hoặc một bản nhạc nàng thường hát, Bảo-Trân cảm thấy như âm thanh ấy xuyên qua lồng ngực, xoáy sâu vào trái tim đầy thương tích của nàng. Vì vậy, khi thấy Phong nhìn nàng, Bảo-Trân tưởng như Phong hiểu được tâm trạng của nàng cho nên nàng mỉm cười, cảm thấy êm ái trong hồn.



Khi Phong và Bảo-Trân trở lại du thuyền Royal, ánh trăng đã khuất, máy tàu đã im, nhưng tiếng sáo Pai Xiao vẫn như còn vương vấn trong sự trầm mặc của muôn loài. Trong sự trầm mặc đó, mạch nước từ những dòng suối vẫn âm thầm tìm về đây, cùng nương nhau vượt Three Gorges Dam đang xây để không còn bị gò bó theo những dãy núi đá, mà sẽ được trải mình trong những cánh đồng xanh ngát dừa nước và mạ non.



Chiếc Royal đến Three Gorges Dam khi những tia nắng đầu ngày làm long lanh những hạt sương còn đọng trên lá của những cây cổ thụ nơi ngọn núi cao. Công tác đắp đập đã thực hiện được hơn hai phần ba chiều ngang của con sông. Nước bị dồn về phần còn lại của dòng sông cho nên nước chảy xiết, cuồn cuộn, xoáy sâu, tạo cảm giác bất an cho những du khách nhát gan. Bảo-Trân biết người Trung-Hoa rất hãnh diện, vì đập nước này sẽ là một trong những đập nước lớn nhất thế giới. Nhưng Bảo-Trân không hiểu người Trung-Hoa sẽ nghĩ gì khi những dân tộc ở cuối nguồn, từ thế hệ này đến thế hệ khác, sẽ ta thán vì mạch sống cứ cạn dần?



Qua khỏi đập nước, lưu lượng của dòng sông trở nên dịu dàng, đằm thắm giữa những khu vực đông đúc dân cư. Bất ngờ Bảo-Trân nghe huyên náo cả một vùng và rồi, cùng một lúc, hằng triệu triệu tấn khối nước từ Three Gorges Dam tràn về. Trong âm thanh cuồn nộ của nước, Bảo-Trân nghe không biết bao nhiêu tiếng kêu gào thảm khốc. Dù hạm trưởng vận dụng tất cả khả năng để cố đưa chiếc Royal xuôi theo con nước, tránh rơi vào vùng nước xoáy, Bảo-Trân cũng vẫn nghe được tiếng cửa kính vỡ cùng với tiếng kẽo kẹt của thân tàu. Nước sông dâng nhanh một cách đáng sợ. Từ phòng ăn, Phong hối hả đưa Bảo-Trân về phòng và dặn:


- Em ở trong này, không đi đâu hết. Anh ra ngoài xem có ai bị thương, cần cứu cấp chi không; anh sẽ trở vào hoặc nhờ người vào thăm chừng em.


Không đợi Bảo-Trân đáp, Phong bước ra ngay. Phong vừa xoay lại đóng cánh cửa thì tấm kính nơi khung cửa sổ vở tan. Nước bắn vào phòng. Trong nỗi hoang mang tột cùng, Bảo-Trân chợt nghe tiếng director Charles từ máy khuyếch đại âm thanh: “Tất cả mọi người chú ý! Chiếc du thuyền của chúng ta không thể tiếp tục chịu đựng cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Chúng tôi buộc lòng phải tấp thuyền vào một eo núi. Sau khi thuyền tấp vào, bằng mọi phương tiện, tất cả chúng ta phải rời thuyền càng nhanh càng tốt.” Nghe như vậy, Bảo-Trân gập người xuống, nước mắt chan hòa với nước sông, lòng quặn thắt nghĩ đến các con. Ngày trước, những lúc bị đời lừa đảo, vùi dập hay những lúc buồn, cô đơn và chán nản, Bảo-Trân thường nghĩ đến cái chết như là một lối thoát. Nhưng bây giờ cận kề với cái chết, Bảo-Trân lại hãi sợ, lại muốn được sống để về gặp lại các con.


Ðang hướng tâm về Phật Bà Quan-Thế-Âm với những lời cầu nguyện âm thầm, Bảo-Trân bỗng giật mình kinh sợ vì sự xô lệch, chồng chềnh của đồ vật trong phòng. Vừa lúc ấy, Phong xuất hiện, vội vã kéo Bảo-Trân ra ngoài. Nhiều âm thanh lạ vang lên rất lớn khi thân tàu vặn mình, cố trườn lên khóm đá. Mọi người xô đẩy nhau rời tàu.



Phong đưa Bảo-Trân núp gió bên hốc đá đen đủi. Bảo-Trân hơi bớt sợ. Một lúc sau, nhìn quanh, Bảo-Trân thấy director Charles đang đi tìm để đếm và ghi tên từng du khách. Bỗng Bảo-Trân để ý và không hiểu tại sao vị hạm trưởng và một người đàn ông lạ lại tiến về phía nàng và Phong một cách vội vã.



Sau khi bắt tay Phong và hỏi thăm tình trạng sức khỏe của Phong và Bảo-Trân, vị hạm trưởng nhìn Phong:


- Thưa bác sĩ, cuối đoạn sông này có một trường tiểu học. Cơn nước lũ vừa rồi khiến nhiều em học sinh bị nước cuốn đi và nhiều em bị thương. Ðây là ông hiệu trưởng ngôi trường đó. Ông đến đây kêu cứu, vì ông nghĩ rằng trên du thuyền chúng ta có thuốc và dụng cụ y tế. Jason cho biết ông là bác sĩ cho nên chúng tôi mừng quá, vội đến nhờ. Mong bác sĩ giúp cho.


Phong nhận lời ngay. Bảo-Trân tình nguyện theo giúp nhưng Phong không đồng ý. Mặc dù Bảo-Trân nêu ra nhiều lý do, Phong vẫn trấn an nàng:


- Anh đi vì bổn phận của một người thầy thuốc. Anh không muốn em tháp tùng vì anh không biết tình trạng nơi anh sắp đến như thế nào. Em ở đây cơ quan du lịch sẽ tận dụng mọi phương tiện để đưa du khách về nơi an toàn. Còn anh, một mình anh, anh dễ xoay trở. Em hiểu ý anh chứ?


Bảo-Trân ủ rũ nhìn chiếc thuyền nan đưa Phong xuôi theo dòng nước cho đến khi chiếc thuyền chỉ còn là một chấm nhỏ tý ty trong vùng nước mênh mông.


Vẫn trong trạng thái bất an, Bảo-Trân thầm mong chấm nhỏ tý ty ấy xuất hiện để rồi lớn dần trong tầm mắt. Nhưng hai buổi chiều rồi, chiếc thuyền nan vẫn chưa trở lại.


Hôm nay cơ quan du lịch mới tìm được phương vị của chiếc Royal và đoàn du khách. Ðây là chuyến trực thăng cuối cùng di chuyển du khách khỏi vùng này cho nên director Charles cố thuyết phục Bảo-Trân một lần nữa:


- Chúng tôi hứa sáng mai công việc tìm kiếm bác sĩ Phong sẽ được tiếp tục. Vậy xin bà yên tâm, theo chúng tôi đi về.


- Cảm ơn ông, nhưng tôi xin được ở lại đây đợi Phong trở lại hay là cho đến lúc các ông tìm được Phong.

Hạm trưởng có vẻ bức rức:


- Tôi rất tiếc là sự việc đã xảy ra ngoài ý muốn như thế này. Nhưng bà ở lại đây cũng không thể thay đổi được sự việc, vậy tại sao bà phải tự hành hạ bà? Thôi, bà đi về với chúng tôi. Sáng mai trực thăng lại sẽ tiếp tục tìm kiếm bác sĩ, như hai ngày qua chúng tôi đã thực hiện.


- Tôi muốn được yên tịnh một mình. Các ông về đi.


Chiếc trực thăng nâng thân hình lên rồi lượn vòng gộp đá như có ý chào giã biệt Bảo-Trân. Chiếc trực thăng vút lên cao trong khi Bảo-Trân từ từ gục xuống vì gió, và vì đau khổ.


Còn lại một mình, Bảo-Trân đâm ra hối tiếc vì chút đạo lý mà nàng đã không dám sống theo đà lòng của mình; nàng đã đạo đức giả, đã cao thượng không đúng lúc, đã hy sinh không phải cách cho nên không dám đáp ứng mối tình nồng thắm của Phong...


Trong khi Bảo-Trân bị niềm ân hận và nỗi đau xót dày vò để tự trách mình thì, tự dưng, theo từng cơn gió buốt lạnh, tiếng hát nức nở của Richard Marx vang lên: “Oceans apart day after day, and I slowly go insane. I hear your voice on the line. But it doesn’t stop the pain. If I see you next to never, how can we say forever. Wherever you go, whatever you do, l’ll be right here waiting for you. What ever it takes, or how my heart breaks, I’ll be right here waiting for you ...” Bảo-Trân nhìn quanh như tìm kiếm, vì nàng nghĩ đó là tiéng hát của Phong. Không thấy ai cả, Bảo-Trân khóc òa. Ðây là một đoạn của bản Right Here Waiting mà Bảo-Trân rất thích và Phong thường hát cho nàng nghe như ngầm nói lên lòng kiên nhẫn và nỗi thiết tha của chàng dành cho nàng. Bảo-Trân vừa sụt sùi vừa đắm hồn theo lời ca. Bất chợt Bảo-Trân cảm biết như có người đang nhìn lén nàng từ phiến đá bên trái. Bảo-Trân xoay nhìn về hướng ấy và nhận ra đó là thanh niên ngoại quốc ngồi cạnh nàng trên chuyến bay của Hàng-Không Việt-Nam từ Dalat về Nhatrang!


Bảo-Trân bẻn lẻn mỉm cười, đưa ngón tay quẹt những giọt nước mắt còn ấm. Thanh niên cũng mỉm cười thân thiện rồi trao nàng vài tờ kleenex. Bảo-Trân nhỏ nhẹ cảm ơn.


Bảo-Trân dùng kleenex chậm nước mắt rồi lại nghiêng một bên má sát vào khung kính cửa sổ phi cơ. Xuyên qua từng áng mây bàn bạc, Bảo-Trân thấy những lượn sóng trắng xóa di động chầm chậm trên vùng biển lặng. Nhìn vườn dừa xa xa nơi eo biển vắng, Bảo-Trân tưởng như nàng có thể thấy được gương mặt đăm chiêu cùng ánh mắt buồn rười rượi của Phong, lúc Phong bịn rịn chia tay với nàng tại phi trường Liên-Khương, đang chờn vờn trong những đóm nắng xôn xao trên vườn dừa xanh ngát. Bảo-Trân thở dài, chợt nghĩ đến hai câu thơ mà, trong giấc mơ của nàng, Phong đã đọc trên du thuyền Royal; có điều Bảo-Trân đổi chủ từ cho hợp với tâm trạng của nàng:


Em nhìn xa vắng, ngàn thương nhớ.

Anh đã xa rồi, anh biết không?



               ÐIỆP-MỸ-LINH


(1) (3) Trích từ tập thơ Nửa Ðời Thương Ðau

của Hoàng-Vũ-Bão.

(2) Trích từ nhạc phẩm Trăng Lạnh của Ðiệp-Linh.