THĂM MỘ - ĐIỆP-MỸ-LINH
Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt
Chuyến xe lửa chạy đến đâu ông Dư cũng không biết, vì toa xe bị che bít bùng và tù nhân bị nén vào nhau như một hộp Sardine...Những người tù trẻ đứng bên ngoài cố dán mắt vào những khe hở để phỏng đoán xem xe đang chạy qua tỉnh nào rồi reo lên cho bạn tù trong toa cùng nghe.
Ông Dư ngồi trong góc toa xe. Bất chợt những người tù đứng vòng ngoài reo lên: “Nhatrang. Nhatrang. Mình đang đi ngang Nhatrang.” Ông Dư vội ghì chặt bao ny-lông đựng quần áo vào người, lính quýnh muốn đứng lên để nhìn lại quê hương; nhưng sự dồn nén của nhiều người khiến Ông không đứng lên được. Lòng Ông quặn đau theo tiếng bánh sắt nghiến trên đường rầy. Ông Dư biết thế nào xe cũng sẽ chạy ngang nghĩa trang Phật-Giáo. Phần mộ Ba Mẹ của Ông được chôn tại đó từ bao đời. Sau năm 1975, tất cả mộ trong nghĩa trang phải bị đào lên, dời đi, nếu không, sẽ bị san bằng, để “nhà nước” nới rộng quốc lộ. Bỗng dưng ông Dư nghĩ “cách mạng” kết tội Ông đúng quá. Quả thật Ông có tội! Ông Dư có tội vì không gìn giữ được quê Cha và không bảo vệ được vợ con của Ông! Ý nghĩ mỉa mai cay đắng này cứ bám víu, ray rức lòng Ông suốt mười năm tù ngoài Bắc-Việt.
Sau khi ra tù, trên chuyến xe lửa trở về Nam, ông Dư được thong dong ngắm nhìn cảnh vật dọc hai bên đường. Khi xe vừa qua khỏi hầm Đèo Cả ông Dư cảm thấy lòng rộn ràng, xao xuyến rất lạ lùng.
Xe qua khỏi đèo Rù-Rì khi mặt trời vừa ưng ửng hồng cuối vùng biển xa. Gió lành lạnh, thơm thơm mùi rong, mằn mặn mùi biển. Ông Dư chồm người lên thành cửa sổ. Trong tầm mắt Ông, hòn Miếu vẫn im lìm soi mình trong vùng biển lặng. Khoảng không gian từ Xóm-Bóng đến Cầu-Đá trông êm đềm và tươi thắm biết bao nhiêu, nhưng sao ông Dư lại cảm thấy héo hon và tê tái trong lòng!
Vì muốn xua đuổi nỗi buồn, ông Dư quay người lại, tính ngồi xuống để khỏi bị ngoại cảnh chi phối. Nhưng vừa khi đó ông Dư chợt nghe văng vẳng một tổng hợp âm thanh ba bè; rõ và nổi nhất là giọng nữ chính: “Ra đi, biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viễn vong, biết ta hãi hùng...” Ông Dư ngạc nhiên, nhìn quanh toa tàu. Không ai hát. Không ai có radio. Ông Dư lại chồm người lên thành cửa sổ. Tiếng hát lại rõ hơn: “Hãy ghé bến bờ có những xóm dừa, chiều nhuộm vàng làn tóc ngây thơ. Có những núi mờ đứng mãi ngóng chờ, chờ người về đầu non trắng xóa. Ánh sáng chói lòa, hương say kinh kỳ, ai quay cuồng nhịp đời dương thế....” Theo tiếng hát, ông Dư tưởng như Ông thấy được hình ảnh một đứa bé gái, tóc kẹp, mặc đồng phục trắng của trường Võ-Tánh, lung linh trong ánh nắng chan hòa trên vùng quê Mẹ thân yêu. Đứa bé gái vẫn tiếp tục hát một trong những bản khó hát nhất của Phạm-Duy “...Viễn xứ ước thề. Phá hết lối về để đẹp lòng người bước ra đi...” Ông Dư chợt nhớ ra, đó là bản Viễn-Du, do Huyền, con gái lớn của Ông, trình bày, với vài phân đoạn có người hát bè phụ, tại rạp Tân-Tân Nhatrang, vào dịp Ban Ca Nhạc Bình-Minh gây quỹ để cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung. Và hình ảnh đứa bé gái chờn vờn trong nắng trông giống Huyền quá!
Ông Dư chăm chăm nhìn hình ảnh đứa bé gái, nhưng trong tâm Ông lại hiện ra quang cảnh hãi hùng trên bờ biển Nhatrang vào những ngày cuối tháng Ba, năm 1975. Huyền bị thất lạc tại bãi biển Nhatrang khi gia đình Ông chen chúc, tranh nhau để lên tàu Hải-Quân, nhưng bị thiên hạ phía sau kéo xuống.
Sau khi chính quyền Quốc-Gia rút khỏi Nhatrang, đích thân ông Dư đi dọc theo bờ biển Nhatrang, lật xác từng người để nhận diện, nhưng cũng vẫn không thấy Huyền. Không ai biết Huyền thất lạc hay đã chết. Bao nhiêu năm qua Ông cứ cố nghĩ rằng Huyền còn sống và đang thất lạc nơi phương trời nào đó. Những lúc mơ thấy con là những lúc vô tình nghe hoặc nhớ một đoạn nhạc mà ngày xưa Huyền thường đàn hoặc hát. Nhưng hình ảnh hôm nay và tiếng hát này khiến Ông nghĩ rằng Huyền không còn nữa! Lòng buồn quá, ông Dư cố tập trung tư tưởng để hình ảnh của đứa bé gái không biến đi và tiếng hát của nó cũng sẽ vang mãi trong lòng Ông.
Nghe đứa bé gái cứ hát tới hát lui đoạn điệp khúc ông Dư cảm thấy như có một mãnh lực cực mạnh thôi thúc khiến Ông muốn nhảy khỏi xe lửa ngay tức thì để được lăn tròn trên đất như ngày nào Ông cùng các bạn và đám Tây con tranh nhau trái banh, té lăn nhào tại sân vận động; để được bước những bước chân trần, như những bước chân trần của Mẹ, ngày xưa, nhẹ nhàng đi quanh khuôn viên Cấp-Cô-Độc; để được chạy mãi chạy hoài dọc theo bờ cát mịn rồi vòng qua Xóm-Mới, chạy tuốt lên Núi Một, nơi có di tích cuối cùng của người Cha; để được đạp xe đạp, vai đeo bao vải đựng đàn, ghi-đông treo tòn teng đôi giày đá banh; để tìm lại Huyền và tiếng hát xưa...
Nếu ở đoạn điệp khúc, tiếng hát xưa khơi dậy trong lòng ông Dư những nao nức bồi hồi, những ước mơ không tưởng thì ở phân đoạn cuối, dòng nhạc và tiếng hát – có bè phụ – trở nên dịu dàng, thiết tha, khiến ông Dư bình tâm trở lại. Và Ông chua xót nhận thức được rằng trên vùng đất thân yêu này Ông không còn ai, Ông không còn gì! Có còn chăng là những kỷ niệm vụn vỡ nhưng vô cùng sắc bén, lúc nào chỗi dậy cũng khiến lòng Ông đau!
Suốt khoảng thời gian xe ngừng tại ga Nhatrang, thấy mấy cô nữ sinh mặc đồng phục trắng đi xa xa phía ngoài sân ga, ông Dư lại nhớ Huyền và những đêm nàng thức khuya học bài.
Ngày xưa đó, mỗi đêm, sau khi học bài xong, Huyền thích đàn một bản nhạc ngắn rồi mới đi ngủ. Để tôn trọng sự yên tĩnh của đêm trường, Huyền thường đàn cao hẳn một bát trình và không đệm bass, cho nên tiếng đàn rất dìu dặt, thánh thót. Huyền thường đàn những bản rất hợp ý Ông, nhưng vì ở tù lâu quá, Ông quên tựa, nay chỉ còn nhớ bản Emperor.
Ông Dư không nhớ trong họ-hàng-nhà-sư-tổ-âm-nhạc Strauss ai sáng tác bản Blue Danube và ai là tác giả bản Emperor; nhưng ông Dư tự nghĩ, nếu Blue Danube diễn tả được tất cả sự hùng vỹ, bao la cùng sự thướt tha, tươi mát của một dòng sông thì Emperor dường như lại gói ghém và chất chứa tất cả nỗi đớn đau, quằn quại của chính tác giả. Ông Dư còn nhớ, ngày đó, sau khi Huyền tập đàn bản Emperor vài lần, Huyền cũng có cùng nhận xét với Ông. Và Huyền kết luận: “Con không hiểu tại sao ông Strauss lại chấm dứt bản nhạc một cách đột ngột như vậy? Con nghĩ ông Strauss sáng tác bản này trong lúc Ông ấy đau khổ ghê gớm lắm. Và note Do cuối cùng là note Do...tuyệt vọng!” Ông Dư tức cười, thầm nghĩ, con nhỏ dùng chữ lạ thiệt, lại còn nhè nhạc của sư tổ mà đặt là “note Do tuyệt vọng”.
Thời gian bị tù đày, nửa đêm thức giấc vì nhớ vợ, thương con, ông Dư lại nhớ những đêm khuya nghe Huyền đàn bản Emperor. Ôi, “note Do tuyệt vọng!”. Ông Dư không biết được Strauss tuyệt vọng đến mức nào khi chấm dứt bản Emperor; nhưng ông Dư tự hiểu được rằng, thời gian tuyệt vọng trong chốn lao tù, ông Dư chỉ muốn được nghe lại Emperor một lần nữa rồi thôi, rồi...có chết cũng đành!...
Phiêu ngưng kể, rút bao thuốc, châm một điếu.
Trong khi Phiêu trầm ngâm nhìn khói thuốc cuộn tròn, bay cao trong một buổi chiều im vắng thì Huyền nghĩ ngợi rất nhiều về hình ảnh đứa bé gái đã hiện về trong tâm tư ông Dư lúc xe lửa chạy ngang Nhatrang. Huyền không ngờ ông Dư cũng “thấy” được đứa bé gái. Từ mấy mươi năm qua Huyền cứ tưởng chỉ một mình nàng mới “thấy” được nó. Huyền không biết đứa bé gái ấy hiện về bao nhiêu lần trong tâm tưởng của ông Dư; nhưng Huyền biết đứa bé gái đó hiện về nhiều và rất nhiều lần trong tâm thức của nàng. Khi nào cũng vậy, mỗi khi “thấy” đứa bé gái Huyền cũng nghe nó hát những bản xưa thật xưa khiến lòng nàng dâng lên nhiều nỗi luyến thương và tiếc nhớ. Huyền thương nó còn hơn thương chính nàng nữa, chỉ mong nó sẽ ở lại lâu; nhưng nó chỉ chờn vờn, khi ẩn khi hiện, rồi tan biến! Đôi khi soi gương, Huyền thấy nó lấp ló phía sau khuôn mặt của nàng. Huyền nhìn nó chăm chăm rồi mỉm cười với nó. Nó hát. Huyền hát theo. Giọng của nó trong và cao quá, “lên” đến “sol” một cách dễ dàng. Nếu hát theo nó mà không phát ra âm thanh thì Huyền vẫn “lên” được “sol”; nhưng khi hát thành tiếng thì, than ôi, chỉ mới đến “mi” là giọng Huyền khàn lại! Như không muốn thấy sự thất vọng trên gương mặt của Huyền, đứa bé gái biến nhanh, để lại nơi chiếc gương lớn một khuôn mặt cằn cỗi!
Huyền vừa nghĩ đến đây, giọng trầm trầm của Phiêu đưa nàng trở về thực tại:
- Tội nghiệp Ông Già, em chưa thấy một người nào có sức chịu đựng phi thường như Ông Già.
Huyền cảm thấy thật ấm lòng khi nghe Phiêu dùng danh từ “Ông Già”. Ngày xưa chị em nàng thường dùng danh từ “Ông Già” để nói về ông Dư những khi không có sự hiện diện của Ông.
- Ba chịu đựng chứ Ba không khuất phục.
- Đúng, Ông Già không khuất phục. Lúc cùng ở tù với Ba tại Đồng-Găng, chính mắt em thấy được điều đó.
- Phiêu biết không, chị còn nhớ, thời tản cư, chỉ vì sự say mê đối với âm nhạc và văn chương Pháp, Ông Già bị kiểm thảo tư tưởng - Ông Già bảo là khủng bố tư tưởng và đày đọa tinh thần - liên miên, vậy mà Ông Già cũng vẫn không sợ, cứ sáng tác nhạc và dạy chị học Pháp-văn. Chỉ tiếc là Ông Già nghe lời mấy ông Tàu, bảo “hữu xạ tự nhiên hương” cho nên không phổ biến những bản nhạc đó một cách rộng rãi, quy mô.
- Chị quên Má là “con kỳ đà” của Ba sao!
Huyền chợt nghĩ đến “con kỳ đà” của nàng rồi cười như mếu.
Huyền nhìn ra xa. Những tia nắng cuối ngày đã khuất sau những áng mây đậm màu. Người đốn cây cuối cùng cũng đã rời xa bìa rừng, trả lại không gian cô tịch sự đìu hiu muôn thuở.
Quang cảnh này, nếu có vài vũng nước đọng, thì sẽ chẳng khác gì buổi chiều xưa khi ông Dư chợt giật mình vì tiếng của chú tài xế xe lam: “ Tới rồi đó, bác.” Vừa nói người tài xế xe lam vừa quay lui nhìn ông Dư, người khách cuối cùng của chuyến xe chót. Ông Dư ngập ngừng như chưa muốn rời xe. Ông Dư đảo mắt nhìn quanh vùng không gian xa lạ của một buổi chiều sau cơn mưa. “Tới là tới đâu vậy, chú em?” Chú tài nhăn mặt: “Trời! Bác biểu tui chở bác về kinh tế Xuân-Hưng thì đây là Xuân-Hưng nè.” Chợt nhớ ra người khách già trông có vẻ như vừa từ trại cải tạo về, chú tài xế tiếp: “Chắc bác đi cải tạo lâu quá, gia đình bị đuổi đi kinh tế mới nên bác không biết nhà, phải không?” Ông Dư chỉ cười, kẹp cái bao ny-lông nhỏ vào nách, vừa khom người rời chỗ vừa đưa tay sờ túi áo, tính lấy tiền trả cho chú tài xế. Chú tài xế bước vội ra phía sau, đưa tay đỡ ông Dư: “Thôi, khỏi. Bác đi cải tạo về, ai nỡ lấy tiền của bác, tổn thọ chết.” Ông Dư rối rít cảm ơn. Chú tài trở về phía trước, rồ máy xe, “phóng” đi, không kịp nghĩ rằng xe chú đang đậu ngay trên vũng bùn. Ông Dư chậm chạp, tránh không kịp những vệt bùn văng tung tóe từ hai bánh xe sau. Đã quen sống dơ bẩn trong tù, ông Dư chẳng cằn nhằn gì cả, chỉ đưa tay phủi những vết bùn trên mặt.
Nhìn những ngọn đèn dầu leo lét trong mấy túp lều tranh dọc hai bên đường, ông Dư do dự, không biết nên vào nhà nào hỏi thăm. Vừa khi đó ông Dư nghe tiếng “bịch, bịch” rồi tiếng xe đạp thắng gấp. Ông Dư quay nhìn và thấy một đứa bé trai, trạc tuổi đứa cháu nội của ông, đang lui cui lượm mấy khúc củi rồi cột lại sau yên xe. Ông Dư lên tiếng: “Cháu ơi! Cháu cho ông hỏi thăm chút, cháu.” Cậu bé lễ phép: “Dạ, cụ cần chi?” Ông Dư nhìn cậu bé, cười, gây thiện cảm: “Cháu biết gia đình bà Dư từ Nhatrang dời vào đây sống chỗ nào không?” Cậu bé dắt xe đến gần ông Dư hơn: “Có phải bà Dư có người con tên Phiêu, vừa cải tạo về không, cụ?” Từ sau khi bị chuyển ra Bắc, gia đình ông Dư không đi thăm nuôi, vì nghèo, ông Dư không biết được nhiều tin tức về gia đình. Phiêu được thả về từ lúc nào ông Dư cũng chẳng hay, nhưng nghe nhắc đến Phiêu, ông Dư biết cậu bé nói đúng nên đáp: “Ờ, đúng đó, cháu. Cháu chỉ giùm ông, nhen.” Đứa bé nhìn ông, ái ngại: “Từ đây vô trong ấy xa lắm, ông đi bộ không nổi đâu. Để cháu chở ông đi.” Ông Dư vui mừng: “Cháu giúp giùm ông, làm phước.” Sau một thoáng suy nghĩ, cậu bé đáp: “Ý, mà không được. Cháu phải chở củi về trước rồi cháu quay lại đón ông. Nếu cháu để củi lại đây, chở ông về nhà ông thì người ta sẽ lấy củi của cháu; còn chở cả ông và củi thì cháu đạp không nổi.” Ông Dư ngại, nếu vì bất cứ lý do gì mà cậu bé không trở lại, làm thế nào ông có thể tìm ra gia đình trong đêm tối như thế này, nên đề nghị: “Để ông chở, cháu ôm củi, chịu không?” Cậu bé nhanh nhẩu: “Dạ, được.” Ông Dư chợt nhớ lâu quá không đi xe đạp, nay sức khỏe yếu, chân đau vì hậu quả bị cùm lâu ngày, không biết ông có thể giữ thăng bằng được hay không nên đề nghị: “Cháu để ông đạp thử một vòng quanh đây xem ông còn nhớ cách đi xe đạp hay không, rồi ông chở cháu, nhen?” Cậu bé vùng vằng, lắc đầu: “Ý, không được đâu. Rủi ông đạp đi luôn rồi cháu làm sao?” Ông Dư nhìn cậu bé. Ông không cảm thấy tự ái bị tổn thương mà ông chỉ thấy tội nghiệp cho đứa bé không có tuổi thơ. Xã hội đã hun đúc trong lòng đứa bé những gian manh, dối trá, quỷ quyệt và nghi ngờ. Ông thở dài.
* *
*
Cả nhà đang ngồi trên manh chiếu, chia nhau nồi bo bo và củ mì, chợt ngưng lại vì nghe tiếng nói chuyện rầm rì ngoài sân. Phiêu nhíu mày, không hiểu ai lại vào khu vực này khi trời tối như thế này. Phiêu nhìn ra sân, thấy chú bé đạp xe đi và một người đàn ông gầy gò tần ngần trước sân.
Trong khi ông Dư còn đang ngỡ ngàng thì Phiêu “phóng” nhanh ra sân, reo lên: “Ba! Ba! Trời, Má ơi, Ba về.” Mọi người - và chú chó Tôtô mà trước khi đi tù, ông Dư “lượm” về nuôi từ ngày chú còn bé tý teo, bị vất bên đường - vây quanh ông Dư trong khi bà Dư chậm chạp bước ra, nheo nheo mắt nhìn, như không tin người đàn ông này là ông Dư. Ông Dư bước đến bên bà: “Sao? Mắt bà cũng còn cận nặng vậy sao?” Bà Dư không đáp lời ông. Bà quay tìm cu Út: “Cu Út đâu? Sao không tới mừng Ba?” Cu Út cũng không nhìn ra ông Dư nên ngại ngùng núp phía sau Phiêu. Phiêu đẩy cu Út và các con của chàng về phía ông Dư. Ông Dư ôm, hôn cu Út và mấy đứa cháu nội trong khi bà Dư lấy ống tay áo quẹt nước mắt.
Bất chợt ông Dư cảm biết như thiêu thiếu một cái gì nên dừng lại, ngẫng lên, nhìn quanh. Mọi người im lặng. Giây phút vui mừng đột ngột dừng lại. Ông Dư nghiêm giọng: “Trúc-Uyên với Mai-Trâm đâu?” Không ai dám trả lời. Ông Dư nhíu mày, nhìn quanh một vòng nữa rồi Ông im lặng rẽ đám đông, đi vào nhà.
Mọi người theo Ông, nhưng không ai dám gây tiếng động. Ông Dư nhìn quanh nhà, chỉ thấy vài manh chiếu, mền và manh chiếu giữa nhà còn lỡ dỡ bữa ăn chiều. Mắt ông Dư dừng lại nơi tấm vải dài, che từ nóc nhà đến gần mặt đất. Sau một thoáng do dự, ông Dư đi thẳng đến, vén tấm màn lên.
Ông Dư nhìn thẳng vào hai bức ảnh của Mai-Trâm và Trúc-Uyên trên bàn thờ một chốc rồi ông lẵng lặng thắp nhang cắm vào lon sữa bò đựng cát, thế cho lư hương.
Như không thể chịu đựng thêm được nữa, bà Dư quỵ xuống. Phiêu đỡ bà Dư và ra dấu cho Bà cố nén tiếng nấc. Không ai biết ông Dư nghĩ gì. Không ai có đồng hồ để lượng định được thời gian ông Dư ngồi yên lặng trước bàn thờ của hai đứa con mà khi ông đi tù thì hai đứa chỉ mới bước vào tuổi dậy thì!
Khi quay lại, thấy mọi người ủ rũ nhìn Ông, Ông nhìn bữa ăn chiều vẫn còn trên manh chiếu, bảo: “Bà với mấy đứa ăn đi rồi tắt đèn đi ngủ cho đỡ hao dầu.” Bà Dư nhìn Ông: “Ông cũng ăn vài hột dằn bụng rồi đi nghỉ”. Ông Dư lắc đầu: “Bà ăn để cho con cháu chúng nó ăn. Tôi no rồi.” Quay sang Phiêu, ông hỏi: “Con có thuốc, cho Ba một điếu.”
Nhận điếu thuốc mồi sẵn và mớ thuốc rê với vài tờ giấy quyến từ tay Phiêu, ông Dư bước ra sân. Bà Dư lại sụt sùi. Phiêu im lặng, thở dài. Cá tính của ông Dư vẫn vậy, khi nào có điều chi đau đớn trong lòng, ông Dư muốn được lặng lẽ một mình với điếu thuốc. Thường thường không ai dám đến phá rầy Ông, nhưng tối đó, chú chó Tôtô lặng lẽ bước theo Ông.
Ông Dư ngồi thu hai chân trên đống củi. Tôtô cũng leo lên, nằm cạnh, gác đầu lên chân của Ông. Ông Dư cứ nhíu mày nhìn đăm đăm vào bóng đêm nhưng Ông không tự biết Ông nghĩ gì, vì khối óc linh hoạt của Ông gần như tê dại.
Khuya lắm, sương xuống nhiều. Ông Dư ngồi xếp bằng. Tôtô cảm thấy lạnh nên cuộn chân sát hơn nữa vào chân ông Dư. Lúc này ông Dư mới nhận ra sự có mặt của Tôtô. Ông vuốt ve sóng lưng gầy gò của Tôtô. Bộ lông thưa thớt trên làn da nham nhám của Tôtô tạo nguồn hơi ấm nơi lòng bàn tay ông Dư, đồng thời cũng đem đến cho ông Dư cảm giác nhờn nhợn, khó chịu, vì một sự việc không thể nào Ông quên được.
Sự việc đó xảy ra vào một đêm khuya tại phòng biệt giam.
Ông Dư không nhớ Ông bị biệt giam vì tội gì mà Ông chỉ nhớ sự đau nhức râm rang của vết thương nơi chân phải, chỗ bị cọ xác với còng sắt, và mùi tanh tanh do máu và mủ tươm ra.
Chính mùi tanh của máu và mủ đã quyến rũ mấy chú chuột. Nhiều đêm ông Dư giật mình thức giấc vì bị chuột khới nơi vết thương. Ông chỉ cần lay nhẹ bàn chân là mấy chú chuột sợ, chạy mất. Nhưng đôi khi, gặp chú chuột lớn, chú chỉ ngưng hành động trong giây lát, dương mắt nhìn ông Dư, chứ chú không sợ, ông Dư phải ngồi dậy, đuổi đi.
Đêm đó trăng sáng, rọi qua ô cửa sổ nhỏ, tít trên cao. Ông Dư nghi mấy chú chuột chui vào “phòng” của Ông bằng lối này, lối duy nhất để người tù có chút dưỡng khí, khỏi chết ngộp. Ông Dư chợt thức giấc vì bị đau thốn nơi vết thương. Ông thấy một chú chuột thật lớn đang “say sưa” khới vết thương của Ông. Trong trí Ông chợt thoáng lên ý nghĩ táo bạo. Ông cố giữ đôi chân thật yên để chú chuột khỏi đề phòng. Ông nhẹ nhàng và từ từ ngồi dậy, đưa hai bàn tay mở rộng rồi đột ngột chụp xuống ngay chú chuột. Chú chuột vùng vẫy trong tay Ông. Ông vặn cổ chú chuột. Bụng Ông cồn cào như cơn đói vừa bị đánh thức. Ông loay hoay tìm cách để ăn thịt chú chuột nhưng không biết làm thế nào để lột lớp lông dày đặc. Sau một lúc suy nghĩ, ông Dư đành gói chú chuột vào mớ quần áo của Ông.
Hôm sau, ông Dư dỡ lớp quần áo ra thăm chừng xem thân chú chuột sình lên chưa để Ông nhổ lông hoặc lột da. Nhưng thân chú chuột vẫn chưa sình.
Hôm sau nữa, Ông Dư vui mừng khi mũi của Ông nhận biết được mùi hôi hôi bốc lên. Ông Dư lấy xác chú chuột ra, xé lớp da nơi bụng của chú chuột, gạt đùm ruột sang một bên, rồi Ông nhanh nhẹn lột hết da nơi phần lưng. Ông khới từng tý từng tý để nước nhờn khỏi nhểu lên người Ông. Ông biết, thịt của chú chuột không những chỉ ươn mà còn thối nữa, nhưng Ông vẫn ăn, vì đói. Ông ăn hết thịt, chừa lại bộ lông, ruột, cái đầu, xương và bốn chân. Trong khi Ông Dư chưa biết phải chôn dấu những vật phế thải này vào đâu để khỏi bị ban quản giáo kết tội thì Ông bị nôn mửa và đại tiện liên miên ngay chỗ nằm...
...Phiêu ngưng kể, vất tàn thuốc xuống đất rồi dí chiếc dép lên.
Huyền thở dài, nhìn mông ra khu rừng vắng. Huyền tưởng như nàng có thể thấy được những sợi tóc bạc lất phất trên vầng trán rộng, đầy nếp nhăn, của ông Dư. Hình ảnh này gợi nơi lòng nàng khối tình cảm vừa thiết tha vừa tiếc nhớ mỗi khi nàng lái xe trên đường Bellaire.
Từ trạm xe buýt, trên đường Bellaire, không biết bao nhiêu lần ông Dư đã đón chuyến xe buýt số 2 để xuống phố. Khi chiếc buýt ngừng lại trên đường Fannin, ông Dư thong thả rời xe buýt, đi vào sở làm. Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng vì tinh thần tự lập cao, và cũng vì không muốn Huyền phải bận tâm, ông Dư vẫn xin việc làm bán thời gian tại cơ quan ICC cho đến khi hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp của chính phủ.
Nhớ đến đây Huyền lại thở dài, xoay sang Phiêu:
- Cuối cùng Ba có biết nguyên nhân cái chết của Trúc-Uyên và Mai-Trâm không?
- Không.
Huyền lập lại một cách ngạc nhiên: “Không?” Phiêu đáp:
- Dạ, vì không bao giờ Ba hỏi và không ai trong gia đình muốn nhắc lại chuyện đau lòng ấy nữa.
Huyền im lặng. Nhưng trong tâm nàng lại văng vẳng tiếng của ông Dư, rõ ràng và mạch lạc như ngày nào Ông và bà Dư còn sống trên đường Bellaire, mỗi khi Huyền hỏi Ông về những chuyện buồn xưa: “Thôi, con, những chuyện đó đã qua rồi, con biết để làm gì. Con đọc kinh Bác Nhã, con hiểu. Cuộc đời này đâu có gì là thật và cũng không có gì là vĩnh cữu. Vì vậy, nếu con lỡ biết được phần nào những thảm cảnh trong gia đình thì con hãy cố quên đi để mà sống.” Nửa đùa nửa thật Huyền hỏi: “Mà Ba có quên được không?” Ông Dư cười: “Quên chứ. Ba quên tuốt luốt hết rồi.”
Ông Dư nói như vậy để Huyền yên lòng chứ làm thế nào Ông có thể quên được những tháng năm dài khổ nạn.
Trong đoạn đường khổ nạn đó, thỉnh thoảng ông Dư cũng tìm được những niềm vui nho nhỏ. Đó là những lúc mấy chú cán bộ lén cấp trên, ra sau nhà tiêu, nơi ông Dư cùng đội rau cải canh tác, nhờ Ông dạy nhạc, vào những hôm mấy chú ấy được nghỉ. Ông Dư không thể hiểu, ngày xưa, tại Weimar, sư-tổ-âm-nhạc-và-piano, Franz Liszt, cảm thấy như thế nào mỗi khi Liszt dạy nhạc không nhận học phí; nhưng ông Dư tự biết rằng Ông rất vui và cảm thấy ấm lòng khi truyền lại cho những cán bộ trẻ thiếu may mắn này chút tinh hoa mà Ông hấp thụ được từ xã hội văn minh.
Những lúc Ông Dư dạy nhạc lén lút như vậy, có chú cán bộ giấu trong người khi thì củ khoai, khi trái bắp, khi thì miếng cơm cháy, đem biếu để ông Dư “bồi dưỡng”. Dù đói và rất thèm ăn, nhưng lúc nào ông Dư cũng cố nhịn, để dạy cho mấy chú xong rồi mới ăn.
Khi nào ăn được những món quà của mấy chú cán bộ ông Dư cũng bùi ngùi nghĩ đến Phiêu, nghĩ đến thời gian Ông và Phiêu cùng bị tù chung, nhưng khác đội, tại trại tù Đồng-Găng.
Thời gian đó Phiêu thường nhịn bớt phần ăn của Phiêu để sáng sáng, khi cùng các bạn tù đi lao động, ngang đội rau cải, Phiêu lén cán bộ, gọi khẽ “Ba”. Ông Dư ngẫng lên. Phiêu vội vất ngay phần ăn về phía ông Dư. Mấy lần đầu, vì mắt kém, ông Dư không thấy được cho nên mấy người tù già cùng đội với Ông tranh nhau lượm, phủi sạch đất rồi ăn. Sau vài lần như vậy, ông Dư hiểu, cho nên, gần đến giờ đoàn tù trẻ sắp đi ngang, ông Dư thường tìm mọi cách và mọi lý do để đến gần hàng rào. Nhờ vậy Ông nhận quà của Phiêu đều đặn hơn.
Trong những món quà của Phiêu, ông Dư nhớ mãi vắt cơm cháy khô cứng, Ông phải ngậm một lúc cho dịch vị thấm vào cơm, làm mềm cơm rồi Ông mới khới từ từ, vì hai hàm răng của Ông đã lung lay. Khi Ông khới đến lần thứ ba thì lạ chưa! Ở giữa vắt cơm có vật gì thơm thơm, beo béo. Ông run run bẻ vắt cơm ra và thấy một phần tư của một khúc lạp xưởng ngắn bằng lóng tay. Ý nghĩ thoáng qua rất nhanh, bao nhiêu lạp xưởng mà chỉ ăn với một vắt cơm thì uổng quá. Ông cắn một tý lạp xưởng, nhai với cơm cháy rồi cẩn thận đưa lưỡi đẩy miếng lạp xưởng tí tẹo ấy sang một bên, ngoài hai hàm răng, để khi Ông nuốt cơm thì chỉ có cơm trôi vào dạ dày, còn rẻo lạp xưởng “ở lại” cho miếng cơm sau và miếng cơm sau nữa. Ăn hết phần cơm cháy, ông Dư hái lá rau lang, gói phần lạp xưởng còn lại, cho vào túi, để trưa và chiều cũng sẽ “áp dụng” cách ăn “nghiêm túc” như vậy.
Trải qua giai đoạn dài đói khát kinh khủng như vậy, nhưng khi đến Mỹ theo diện O.D.P. ông Dư lại không tha thiết mấy với thức ăn mà Ông lại trân quý những tờ giấy quảng cáo dày, láng, in một mặt. Ông nhặt tất cả những tờ ấy, cất vào một thùng giấy. Bất ngờ Huyền “khám phá” ra thùng giấy quảng cáo, Huyền vừa thương vừa buồn, khuân thùng giấy bỏ vào thùng rác trong chung cư. Ông Dư nhìn theo, lòng tiếc hùi hụi nhưng chỉ giám trách nhẹ: “Giấy tốt quá, để Ba viết nháp, con liệng làm chi uổng vậy, con!” Sau khi Huyền đem đến cho Ông mấy bao giấy trắng mua từ Office Depot, Ông Dư ve vuốt những hàng chữ Papier de qualité supérieure à usages multiples, lòng cảm thấy vừa thân thiết vừa gần gủi. Huyền xé bao giấy, lấy một xấp để lên bàn: “Giấy đây, Ba tha hồ viết; viết nháp, viết thật gì cũng được.” Ông Dư lại tần ngần, ai nỡ viết nháp trên những tờ giấy trắng phau như vậy chứ!
Nhìn những tờ giấy trắng, Bà Dư chíp miệng: “Xứ này sao mà giàu sang quá mứt; còn xứ mình sao nghèo ‘mạc rệp’, cơm không có mà ăn!” Ông Dư nhìn bà Dư: “Trước 75 bên mình đâu có tệ như vậy, bà. Bởi vậy, khi đợi máy bay tại Tân-Sơn-Nhất tôi đã dặn lòng là sẽ không bao giờ trở lại nơi đã đày đọa con người ngang với thú vật.”Giọng bà Dư buồn buồn: “Ông thì vậy, còn tôi, sống thì không về chứ chết tôi phải về.” Huyền không hiểu: “Má nói như vậy nghĩa là sao?” Bà Dư cười cười: “Nghĩa là sau khi chết Má muốn được chôn tại Việt-Nam chứ Má không muốn chôn ở đây.” Ông Dư xen vào: “Bà... sao! Không dưng lại đem chuyện chết chóc ra nói, làm con nó lo. Bà cứ an tâm sống cái đã, khi nào đến đó rồi tính.” Bà Dư nguýt ông Dư: “Ông nói hay dữ! Tới đó mình nằm ‘ngay đơ’ rồi, làm sao mà tính?” Huyền nhìn bà Dư: “Như vậy nghĩa là Má không nói đùa?” Bà Dư nghiêm giọng:“Đùa sao được mà đùa, con. Tiện đây, Má yêu cầu con như vậy, con nghĩ sao?” Huyền lúng túng: “Con nghĩ Má nên nghe lời Ba. Trời cho ngày nào, Ba Má cứ an vui ngày đó. Còn chuyện kia tính sau.” Bà Dư cương quyết: “Má muốn tính ngay bây giờ cho Má yên lòng.” Ông Dư nhìn Huyền với vẻ lo ngại, vì Ông hiểu, chuyên chở quan tài từ Hoa-Kỳ về Việt-Nam không phải là điều dễ giải quyết. Huyền cúi xuống, tránh ánh mắt của ông Dư. Một lúc sau Huyền hỏi: “Má xác định lại cho con một lần nữa là: sau khi Má mãn phần, Má muốn được chôn cất tại Mỹ hay Việt-Nam?” Giọng bà Dư rất bình thản: “Má muốn được chôn cất tại Việt-Nam.” Huyền lại hỏi: “Má muốn như vậy thì con và các cháu sẽ lo cho Má.” Bà Dư vui, nắm tay Huyền lắc mạnh: “Con hứa với Má, nghen, con.” Huyền gật đầu, đáp, giọng buồn buồn: “Dạ, con hứa.” Nói xong tự dưng Huyền cảm thấy buồn quá, vì nàng chợt ý thức được rằng ông bà Dư quả thật không còn trẻ nữa. Sau khi nén tiếng thở dài, Huyền tiếp: “Mà Má muốn quan tài của Má đưa về tỉnh nào?” Bà Dư ngạc nhiên: “Thì về kinh tế mới Xuân-Hưng chứ về đâu, con?” Huyền kinh ngạc:“Kinh tế mới Xuân-Hưng? Tại sao Huế, quê Ngoại và cũng là nơi Má được sinh ra, Má không về? Dalat, nơi Má lớn lên, Má không về? Nhatrang, quê Nội, Má không về mà lại đòi về Xuân-Hưng, nơi nghèo khổ cùng cực, nơi Má và các em phải sống những tháng ngày khốn khó, nơi chôn dấu nhiều kỷ niệm buồn thảm nhất của gia đình mình?”Bà Dư cười xuề xòa: “Má biết, xã Xuân-Hưng nghèo, những ngày cơ cực và buồn khổ tại Xuân-Hưng không bao giờ Má quên. Nhưng người dân ở Xuân-Hưng có tình lắm, con. Những người đầu tiên đến Xuân-Hưng là những người cùng giai tầng xã hội với mình ngày xưa, rồi cũng bị đày ải như mình cho nên họ cảm thương và giúp đỡ, đùm bọc nhau. Con thử tưởng tượng, vào một buổi chiều chạng vạng của năm 1976, Má và mấy em gái rời chiếc xe đò cuối cùng, từ Nhatrang vào, đang đứng tần ngần trước khung cảnh u tịch, lạ huơ lạ hoắc, chưa biết phải ngủ nhờ nơi đâu thì nhiều người xuất hiện, đon đả ‘Mới hả? Vô đây, vô đây. Vô kiếm chút gì ăn tạm rồi tìm chỗ ngủ, mai tính.’ Sau đó, họ thấy nhà không có con trai, không có đàn ông nên họ phụ nhau giúp Má che được cái...chòi. Đó, con thấy, ở đời, quý nhau là quý cái tình, quý tấm lòng. Má chỉ có hai điều ước nguyện. Thứ nhất, nếu Má có tiền, Má sẽ giúp tất cả những người ở Xuân-Hưng; thứ hai, khi Má chết, Má được chôn cạnh những người cùng cảnh ngộ, cùng có những tấm lòng mà tiền của mua không được.”
Ước nguyện của bà Dư là như vậy. Nhưng khi quan tài của Bà đưa về đến Xuân-Hưng thì sự việc xảy ra ngoài dự tưởng của cả ông Dư và Phiêu.
Ngoài những người ngày xưa quen biết đến viếng linh cữu của bà Dư, Phiêu còn thấy vô số người đứng quanh nhà, hết nhóm này đến nhóm khác, ai cũng trầm trồ về chiếc quan tài đẹp đẽ mà họ chưa bao giờ thấy. Vài người thân với Phiêu, đưa Phiêu ra ngoài, khuyên Phiêu phải cẩn thận vì rất nhiều đám tang Việt-Kiều, sau khi chôn, mộ bị đào lên, xác vất cạnh mộ còn quan tài và quần áo tẩm liệm...biến mất.
Sau khi hội ý với gia đình, đến ngày an táng bà Dư, Phiêu quyết định thuê người đổ một lớp xi-măng thật dày ngay trên nắp và chung quanh quan tài của bà Dư!
Tuy đã đồng ý với giải pháp này lúc gia đình bàn tính, nhưng khi thấy quan tài của bà Dư bị khuất dần dưới lớp xi-măng, ông Dư chịu không được, bật khóc, nói với Phiêu: “Má con là một con cá Hồi khốn khổ!” Ngưng một chốc, Ông tiếp: “Con đừng nên cho chị con biết gì về sự việc này, chị con buồn, tội nghiệp”.
Trong khi ông Dư và Phiêu còn bị xúc động mạnh về phần việc an táng cho bà Dư thì một người đàn ông gầy gò từ đâu bước nhanh đến, quỳ ngay trước mặt ông Dư rồi sụp xuống...lạy! Phiêu giật mình khi nhận ra người đàn ông đó là Sơn, một cựu chiến binh của sư đoàn Sao Vàng.
Lúc mới cùng thằng cu Toản từ Bắc vào Xuân-Hưng tìm kế sinh nhai, Sơn nhận ra ngay sự thiếu hiện cảm của mọi người, nhất là những gia đình có chồng, cha, hoặc con bị tù đày. Có thể nói, không ai muốn kết bạn với Sơn, nhưng những chi tiết về đời tư của Sơn lại được nhiều người truyền miệng. Do đó Phiêu biết Sơn chứ không quen.
Phiêu ngăn, không cho Sơn lạy, rồi nhẹ nhàng kéo Sơn đi: “Đi ra đây.” Sơn không hề kháng cự. Vừa bước theo Phiêu Sơn vừa xoay lại phía ông Dư, lập đi lập lại: “Ông ơi! Xin Ông thứ lỗi cho con. Xin Ông giúp con...” Phiêu kéo Sơn ra khỏi những người dự đám tang và xa nhóm người tò mò: “Tại sao anh làm như vậy?Anh có biết hôm nay là ngày trọng đại nhất trong gia đình tôi hay không?” Sơn chắp tay như muốn lạy: “Bẩm quan, con biết. Xin quan tha tội cho con.” Phiêu đưa tay ngăn Sơn: “Khổ quá! Giờ này mà quan với quyền! Thôi, anh đi về đi.” Sơn lại sụp lạy: “Xin quan giúp cho thằng con của con, quan ơi!” Phiêu ngạc nhiên: “Con của anh cần gì?” Sơn gục xuống đất, gào lên: “Con của con nó chết rồi, quan ơi!” Phiêu giật mình: “Tại sao vậy?Hồi nào?” Sơn kêu khóc thảm thiết: “Nó chết mấy hôm nay rồi, quan ơi! Lúc nó ốm, con tìm quan để xin thuốc, vì nhiều người bảo quan có thân nhân ở nước ngoài gửi quà về thường xuyên. Nhưng không may cho con, mấy hôm đó quan phải vào Saigon đón quan tài của cụ Bà. Mấy hôm nay nhà quan lại có đám tang nên con không dám đến. Nhưng hôm nay, con đánh liều, vì con không có tiền chôn cất nó mà cũng không có tiền cho Mẹ và các em nó từ Bắc vào nhìn mặt nó lần cuối...” Phiêu đỡ Sơn đứng lên: “Anh bình tĩnh. Mình là đàn ông. Anh ở đây chờ tôi. Tôi sẽ trở lại”.
Sau khi nghe Phiêu trình bày ngắn gọn sự việc, ông Dư kín đáo trao cho Phiêu một số tiền kha khá để biếu Sơn.
Phiêu kể đến đây, Huyền lại thở dài và thoáng thấy hình dáng gầy guộc của ông Dư hiện về trên con đường mòn giữa hai rẫy bắp:
- Ông Già tạo được nghiệp tốt.
Phiêu mỉm nụ cười đầy cay đắng:
- Ông Già tạo nghiệp tốt mà Ông Già nhận được quả ung không hà.
- Phiêu nói gì vậy?
- Chị nhớ, sau đám tang Má, sức khỏe của Ba sa sút, Ba không thể ngồi lâu trên máy bay cho nên Ba không trở qua Mỹ được. Đúng không?
Huyền gật đầu. Phiêu tiếp:
- Vậy là Ông Già bị công an “xúc” về tội cư trú bất hợp pháp. Ông Già phải “xì” ra mấy “ông Jackson” thì mới yên.
Huyền tròn mắt nhìn Phiêu. Phiêu cười khẩy, tiếp:
- Nhưng đến khi Ông Già mất, cũng chính bọn công an đó đến thắp nhang, khấn lạy để được một chầu ăn nhậu.
Huyền giật mình:
- Tôi đã điện thoại về, dặn cậu là chỉ cúng chay thôi mà.
Phiêu cười ngất:
- Bên ngoài ai biết được điều đó. Cứ thấy đám tang Việt-Kiều là nghĩ có thức ăn sang cho nên “cha con nó” mới tới. Đến khi thấy thức ăn chỉ toàn cơm chay và trái cây thì “cha con nó” chửi thề, bỏ đi.
Huyền chán nản lắc đầu, tay vân vê phiến đá mài trên thành mộ của ông Dư, mắt nhìn về phía quê Nội xa xăm.
Trong bóng hoàng hôn u tịch Huyền lại thấy hình ảnh đứa bé gái chờn vờn. Cùng lúc ấy, từ tâm thức của Huyền, tiếng hát xưa vọng về:
“... Chiều đến đìu hiu mang cả niềm thương nhớ,
Sương mờ thoáng rơi trên đồi Thu trầm mơ.
Ly hương, kiếp tha phương nhuộm vết tang bồng.
Chiều nay tôi thấy thoáng bóng mờ mờ trắng, đi ngoài xa xa,
Lòng bâng khuâng tôi nhớ đến người Mẹ già miền Nam, ôi xót xa!
Tủi thân người lữ thứ ôm mối sầu ly hương.
Đến đây một chiều Thu sương Thu buồn ôm khói trắng.
Mòn mỏi dừng chân sau những ngày mưa gió.
Phong trần xóa tan chuỗi ngày xanh đời tôi
Nghe chăng, tiếng thiết tha buồn nhớ quê nhà!...”
Một lúc lâu lắm Huyền mới nhận ra, đó là bản Bến-Thu mà ông Dư, biệt hiệu Điệp-Linh, đã sáng tác trong thời gian tản cư!
Thời đó, Ông Dư bị Việt-Minh tẩy não từng đêm vì tinh thần ủy mị và tư tưởng lãng mạn; vậy mà ông Dư cũng không sợ, vẫn gửi về Mẹ và quê hương tất cả tình thương yêu nồng nàn và tha thiết nhất của Ông.
Còn Huyền, chỉ vì chút định kiến nhỏ nhoi về chính trị mà Huyền đã đành đoạn không tiễn đưa di hài của Mẹ về và cũng không về quê nhìn mặt Cha lần cuối! Ý nghĩ này khiến Huyền ân hận ngập lòng, rồi nước mắt lặng lẽ rơi. Huyền cúi mặt, từng giọt nước mắt ăn năn thấm xuống mộ phần người Cha khổ hạnh!
ĐIỆP-MỸ-LINH