Trăng Lạnh - ĐIỆP-MỸ-LINH

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt


Chiều nào cũng vậy, sau khi dùng cơm tại phòng Romeo and Juliet, Kiều-Lam thích đợi ánh hoàng hôn về để lên phòng Windjammer Café nơi tầng 9 của du thuyền Legend
of the Seas để nghe anh chàng người Gia-Nã-Đại độc tấu Tây-Ban-Cầm; dù du thuyền
có đến ba khu vực khác nữa để các nghệ sĩ luân phiên trình diễn mỗi đêm.
Tối nay trong phòng Windjammer Café này chỉ còn lác đác vài người và Kiều-Lam,
vì đa số du khách đã đi bờ, (danh từ của Hải-Quân, có nghĩa là rời tàu, rời đơn vị để
đi phố) từ sau khi du thuyền cặp bến. Vậy mà anh chàng Canadian vẫn không để ý,
chỉ say sưa đàn, thỉnh thoảng lại tự tạo những biến âm rất lạ, dễ cuốn hút người hiểu
nhạc.
Vì ít người, thừa bàn nên Kiều-Lam chọn chiếc bàn nơi góc, gần chỗ người nhạc
công tài hoa đang ngồi, để nhìn mái tóc dài màu cát vàng của anh lóng lánh dưới ánh
đèn spotlights. Anh vẫn ngồi trên bục gỗ cao. Đầu anh nghiêng nghiêng, mắt nhìn vào
phím đàn nơi bàn tay trái và mái tóc anh lay động nhẹ theo từng chuỗi âm thanh. Thỉnh
thoảng đôi kính mắt của anh lóe lên vì ánh đèn phản chiếu lúc anh ngẫng lên để hất nhẹ
mái tóc ra phía sau. Đôi khi vai anh cũng lắc nhè nhẹ theo những cung đàn vui. Khi dạo
những đoản khúc buồn, đầu anh hơi cúi xuống để ánh đèn nhạt nhòa từ trên trần cao
tạo nên những nét khắc khổ, rã rời trên khuôn mặt hơi dài của anh. Nếu màu tóc của
anh đậm hơn một tý, Kiều-Lam nghĩ nàng sẽ nhầm anh với John Lennon, một thiên tài
về âm nhạc của The Beatles.
Nhân lúc anh bồi bàn đến mời dùng thức uống, Kiều-Lam nhờ anh yêu cầu anh
chàng Canadian độc tấu bản La Cumbasita(1). Kiều-Lam lắng nghe, tưởng như tiếng
đàn quyện với hồn nàng. Và trong thoáng chốc, nàng cảm thấy hồn nàng vượt cao, cao
hơn hẳn mọi phủ phàng và tệ bạc mà đời đã vùi dập nàng bấy lâu nay. Kiều-Lam vui
và lòng thanh thản như ngày bé thơ, thường lắng nghe người anh họ, Phạm-Đình-Phê,
đệm đàn tập cho nàng hát. Bây giờ nàng không hát được nên nàng chỉ gật gật nhè nhẹ
theo điệu Tango rộn rã.
Khi bản nhạc sắp dứt, Kiều-Lam nhìn anh chàng Canadian. Lúc anh ngẫng lên, vô
tình hướng về phía nàng, nàng khẽ cúi đầu, mỉm cười và đưa bàn tay hơi cao hơn bình
hoa Pansy trên bàn một tý, rồi vẫy nhẹ để tỏ dấu cảm ơn. Anh cũng mỉm cười, nhắp
nháy mắt tỏ dấu nhận hiểu. Sau đó anh chuyển sang điệu Moderato với bản Second
Piano Concerto (2). Từ bản nhạc này anh tiếp luôn bản khác một cách liên tục và tài
tình cho đến nổi phải đến vài phân đoạn Kiều-Lam mới nhận ra được đó là đoản khúc
Melody In F (3). Anh cứ tiếp tục đàn những bản quen cho nên Kiều-Lam vừa ngân nga
theo rất nhỏ, chỉ đủ một mình nàng nghe, vừa lơ đểnh nhìn ngọn núi Mt. Juneau sừng
sững ngang tầm mắt.
Trong thoáng chốc, dáng vẻ hùng vỹ của Mt. Juneau và những ngọn núi xa xa chìm
vào màn đêm; chỉ còn những vùng tuyết ẩn hiện lờ mờ trên đỉnh núi cao, từ xa trông
như những áng mây không di động. Dưới xa, sát chân núi Mt. Juneau là nhà hàng và
cửa hàng bán quà kỷ niệm. Du khách nhàn tản bước dọc theo những cửa hàng bán quà
kỷ niệm. Kiều-Lam nghĩ, nếu không có ánh đèn từ các cửa hàng và của những trụ đèn
đường soi rõ con đường nhựa duy nhất và bãi đậu xe nhỏ nhắn chia cách khu phố và du
thuyền thì nàng khó có thể phân biệt được bên nào là biển và bên nào là núi Mt. Juneau.
Từ sau khi rời tảng băng Hubbard Glacier cho đến bây giờ, Kiều-Lam không thể
nhớ được du thuyền đã len lõi qua bao nhiêu chân núi. Nhưng không hiểu tại sao nơi
chân núi này, với khu phố hẹp mang tên Juneau, nàng lại cảm thấy bồi hồi như nàng
vừa đánh mất hoặc là vừa tìm lại được cái gì rất thân thương, rất gần gủi.
Trong khi Kiều-Lam chưa phân tích được tâm trạng của mình thì nàng chợt nhận ra
tiếng Tây-Ban-Cầm của anh chàng Canadian lại chuyển sang một điệu Tango. Nghe
quen lắm, nhưng nàng không nhớ được tựa đề của bản nhạc. Mãi đến lúc anh ngẫng
lên, mái tóc vàng lay động hơi dồn dập và nét mặt anh phảng phất niềm vui như nét
mặt của một người vừa trở về sau một chuyến viễn du, Kiều-Lam mới nhớ ra, đó là
bản La Paloma (4).
Bản nhạc này, khu phố hẹp và mặt nước lóng lánh ánh đèn dưới xa như gợi lại
trong hồn Kiều-Lam một vùng biển xưa; nơi đó nàng đã để lại những ngày thơ ấu êm
đềm, những mối tình một chiều, một mối tình câm, mà sau này vô tình nàng mới hiểu
được, và chỉ mang theo được một cuộc tình nhiều đắng cay!
Những ngày thơ ấu nơi vùng biển xưa đó, cuối tuần, nhóm bạn cùng lứa thường rủ
Kiều-Lam đạp xe đạp xuống một khu phố hẹp sát chân núi, bên kia con dốc nhỏ, cuối
con đường sát bờ biển để ngắm những chú cá âm thầm bơi lội trong tủ kính của Hải
Học Viện. Nhiều khi các bạn và nàng đạp xe xuống khu phố đó không phải để ngắm
cá trong Hải Học Viện mà chỉ để đi “cà-rơ” dưới mấy cây bàng cằn cỗi dọc theo con
đường nhựa duy nhất chia cách dãy phố buồn hiu và những ghềnh đá chơ vơ của một
vùng biển nghèo.
Một chiều nọ, trong lúc cùng nhóm bạn lựa mua cái kẹp bằng đồi mồi nơi cửa hàng
bán quà kỷ niệm, Kiều-Lam nghe một giọng nam rất êm ái: “Cô ơi, cô! Xin lỗi, cô làm
ơn cho tôi hỏi thăm...” Cả nhóm vội ngẫng lên, vì không biết ông ấy hỏi đứa nào. Kiều-
Lam nhận ra đây là một thanh niên cao, đeo kính cận, dáng vẻ rất chững chạc. Anh nhìn
Kiều-Lam, tiếp: “Có phải cô là người có tấm ảnh chưng trong tủ kính nơi hiệu ảnh Mai-
Ngôn không?” Kiều-Lam thoáng bối rối, chưa biết nên nhận hay nên chối; nếu nhận
thì hơi mắc cỡ mà chối thì khó quá, vì không quen nói dối. Các bạn đều biết tính nàng
nhút nhát, bây giờ thấy rõ nàng đang lúng túng nên vài đứa đáp hộ: “Dạ, nó đó. Nó đó.
Nó là... thủ phạm đó.” Nói xong mấy đứa tựa vai nhau, cười một cách thích thú. Thanh
niên cũng cười. Kiều-Lam chưa kịp làm mặt giận với các bạn thì bà chủ cửa hàng bán
quà kỷ niệm từ ngoài bước vào. Thấy thanh niên đang cười vui với mấy cô học sinh,
bà vồn vả: “Trời, Vũ! Sao con không mời các cô ấy vào trong nhà mà chuyện trò? Ở
ngoài khách khứa ồn ào lắm, con.” Các cô nhìn nhau, không biết thối thoát bằng cách
nào. Thanh niên cũng nhìn các cô rồi cười chứ chưa biết phải đáp lời Mẹ như thế nào.
Xoay sang Các cô, bà tiếp, giọng rất hãnh diện: “Con thứ hai của tôi đấy. Anh ấy học ở
Saigon, thỉng thoảng về thăm Mẹ vài hôm rồi lại trở vào Saigon học. Anh ấy hiền, ít nói
mà lại chăm học lắm nên chẳng quen biết nhiều. Quen được với các cô là quý lắm đó.”
Bà quay sang Vũ, tiếp: “Con mời các cô ấy vào trong xơi nước, đi con.”
Vũ mời nhóm bạn của Kiều-Lam và nàng vào phòng khách, ngay sau bức rèm cửa
được làm bằng giấy của những tấm vé số kiến thiết vo tròn và xâu thành chuỗi. Kiều-
Lam không hiểu vô tình hay cố ý, Vũ ngồi cạnh nàng.
Sau khi mọi người tự giới thiệu, Kiều-Lam mới biết Vũ đang theo học Y-Khoa, năm
thứ tư. Các bạn “láu cá” của nàng hỏi Vũ về sự khác biệt giữa đại học Saigon, Huế và
Dalat; về những phân khoa nào thích hợp cho con gái; về một Saigon mà các cô luôn
luôn ước mơ sẽ có ngày được đặt chân tới. Vũ giải đáp rất tường tận và từ tốn. Thấy
Kiều-Lam không nói gì, Vũ hỏi: “Còn Kiều-Lam? Sao không nói gì hết vậy?” Vũ hỏi
hơi bất ngờ khiến nàng mất bình tĩnh. Để che dấu sự mất bình tĩnh và sự nhút nhát của
mình, Kiều-Lam chỉ guitar trong bọc vải, treo trên tường và hỏi một câu rất lạc đề: “Ai
chơi guitar vậy, anh?” Vũ cười rất hiền hòa: “Tôi, nhưng còn non lắm.” Chỉ vậy, rồi
Kiều-Lam lại ngồi im để các bạn trổ tài ngoại giao. Một lúc sau Vũ lại nói với Kiều-
Lam: “Từ khi gặp Kiều-Lam tôi mới biết tôi không phải là người ít nói như bà cụ của tôi
thường bảo.” Trong khi Kiều-Lam chỉ cười e thẹn thì nhóm bạn nhao nhao lên phá: “Nó
để dành hơi để hát đó.” Vũ cười, nhìn Kiều-Lam. Nàng nhìn xuống đôi guốc Dakao
màu trắng, tay vân vê quai nón màu hồng nhạt.
Khi tiễn các cô ra chỗ dựng xe đạp, Vũ nói nhỏ với Kiều-Lam trong khi nàng đang
loay hoay mở khóa xe: “Ước gì tôi được nghe Kiều-Lam hát, dù chỉ một câu thôi.” Kiều-
Lam chỉ biết cười và lý nhí cảm ơn.
Trên đường về, nhóm bạn gái chia tay nhau trước Grand Hotel. Kiều-Lam đạp xe
chầm chậm dọc con đường sát bờ biển để nhìn những cụm thông im lìm, để thấy lá
bàng bay bay, để nghe tiếng sóng thì thầm hoà với tiếng guitar độc tấu phát ra từ những
máy khuyếch đại âm thanh do đài phát thanh gắn trên mỗi cây bàng. Máy khuyếch đại
âm thanh này thường bị rè nên đã làm giảm đi rất nhiều giá trị nghệ thuật. Nhưng không
hề gì. Đối với Kiều-Lam, lúc đó, giá trị nghệ thuật không cần thiết; nàng chỉ muốn,
cùng một lúc, được nhìn lá bàng bay, được nghe tiếng sóng rì rào để tiếng Tây-Ban-
Cầm-không-đối-thủ của Phạm-Đình-Phê trong những nhạc khúc ngoại quốc, dẫn dắt
hồn nàng đến những bến bờ xa xăm mà khối óc đầy mơ mộng của nàng cứ nghĩ trong
đời có lẽ không bao giờ nàng có thể đến được. Không ngờ, sau khi đến được những
bến bờ mà ngày xưa nàng từng mơ ước thì Kiều-Lam mới ý thức được rằng chỉ có một
nơi không thể nào nàng tìm lại được, đó là bến xưa!
Vì muốn tìm lại bến xưa, Kiều-Lam đã trở về chốn cũ, nhưng không còn gì; có còn
chăng là một eo biển vắng với những gốc cây bàng sần sùi cố bám rễ vào con đường
nhựa lỡ lói trước một dãy phố lụp xụp, tiêu điều. Juneau ơi! Kiều-Lam tự nhủ, nếu
Juneau có được vài cây bàng, nếu ngọn núi mà Juneau tựa lưng vào hơi nhỏ hơn một tý
và nét kiến trúc của Juneau bớt diêm dúa đi thì nàng sẽ quyến luyến Juneau biết dường
nào, vì Jeneau mang được nhiều nét thân thương của một bến xưa mà hồn nàng luôn
luôn trân quý!
Dòng ý tưởng của nàng vừa đến đây, Kiều-Lam chợt nghe một âm điệu rất thiết
tha, rất dạt dào và rồi tiếng hát hơi khàn và đục của anh chàng Canadian: “Feelings,
nothing more than feelings, trying to forget my feelings of love...” (5) Đây là bản nhạc
nàng đã yêu cầu anh chàng Canadian độc tấu ngay đêm đầu tiên khi du thuyền vừa rời
hải cảng Seward. Đêm đó anh chỉ đàn. Đêm nay anh vừa đàn vừa hát. Lời ca quyện với
tiếng đàn khiến hồn nàng chơi vơi trong dòng kỷ niệm ngập ngụa ưu phiền.
Tự dưng Kiều-Lam thảng thốt nhận ra trạng thái tình cảm này dường như cũng
đã đến với nàng, nhưng không nhớ vào thời điểm nào. Phải một lúc khá lâu Kiều-Lam
mới nhớ được, đó là một buổi chiều chủ nhật, khi nàng đang treo máy sưởi trong nhà
ươm lan. Lúc treo xong cái máy sưởi cuối cùng, trong khi nàng đang nhìn khoảng cách
từ máy sưởi đến giò Dendrobium gần nhất để lượng định ảnh hưởng của hơi nóng
từ máy sưởi đến giò lan thì chợt nghe tiếng hát trong suốt, ngọt ngào văng vẳng trong
không gian im vắng: “...Đêm nghe tiếng thở dài. Đêm nghe những ngậm ngùi...” Kiều-
Lam đứng lặng, nhìn ra khoảng sân rộng với cõi lòng rưng rức như cõi lòng của người
vợ trẻ, ngày xưa, thường lên sân thượng, nhìn về phương trời xa mong chờ bóng dáng
một người...Tiếng hát của cô gái vẫn êm ái mượt mà nhưng hồn Kiều-Lam lại giao
động từng hồi. Sau này vô tình nàng mới biết người hát bản nhạc đó là ca sĩ Diễm-Liên,
nhưng Kiều-Lam không nhớ tựa đề của bản nhạc.
Kiều-Lam không nhớ chiều hôm đó nàng có đủ can đảm nghe Diễm-Liên hát hết
bản ấy hay là nàng phải đóng cửa vườn lan để khỏi bị tiếng hát khơi lại nỗi đau xưa;
nhưng bây giờ, trong trạng thái tình cảm này, nàng muốn nghe lại tiếng hát ấy để tìm
lại chút dư vị đắng cay mà nàng không hiểu nghị lực nào đã giúp nàng chịu đựng được
suốt thời gian dài!
Trở về phòng, trong khi tìm cassette, earphone và những cuộn băng có Diễm-Liên
hát, Kiều-Lam thầm nghĩ đến các con, dâu và rể của nàng - những người đã, không
những tặng nàng vé du lịch mỗi năm mà còn sắp sẵn vào va-li những gì nàng cần và
những gì nàng thích.
Vừa rời thang máy Kiều-Lam vừa nghĩ, trời lành lạnh, đi lang thang trên vùng đất
mang nhiều nét thân thương của một vùng đất xưa và lắng nghe giọng ca tha thiết của
Diễm-Liên sẽ là niềm thú vị vô biên. Bằng lòng với niềm vui nhỏ nhoi đó, nàng gắn
earphone vào tai, mở nút “on” nơi cassette rồi cho cassette và hai tay vào túi áo lạnh.
Chưa kịp đặt chân lên tấm thảm đỏ dẫn ra cầu thang, Kiều-Lam nghe ai nói gì đó
rồi một cánh tay lực lưỡng, màu nâu sậm, chận nàng lại. Kiều-Lam vội lấy earphone
ra, nhìn người đã chận nàng: “Xin lỗi, ông nói gì?”Anh chàng Mỹ đen cười vui, chỉ vào
cái máy kiểm soát, pha trò: “Có lẽ bà đang thưởng thức một đoạn nhạc tuyệt vời cho nên
bà quên cho thẻ an ninh của bà vào máy trước khi bà rời du thuyền.” Không bận tâm về
tính đảng trí của mình, Kiều-Lam lý nhí lời xin lỗi rồi làm theo lời nhân viên kiểm soát
an ninh.
Xoay người ra cầu thang, bước ngược chiều với những du khách trở về, Kiều-Lam
nghe loáng thoáng lời chúc của anh chàng kiểm soát an ninh: “Hãy có một buổi tối tuyệt
đẹp” mà không biết anh chúc nàng và những người rời du thuyền hay anh chúc những
người vừa đi bờ về.
Trong khi du khách đi dần về hướng phố thì Kiều-Lam đi dọc theo cầu tàu, nơi du
thuyền đang cập, để được thảnh thơi một mình, lắng hồn vào tiếng hát, lời ca.
Kiều-Lam đến bên chiếc cầu gỗ dẫn xuống bến tàu; nơi đó vài chiếc du thuyền nhỏ
và mấy chiếc canoes đang nhấp nhô như đợi thủy triều dâng. Kiều-Lam nhìn lại hướng
chiếc Legend of the Seas và thấy cả vùng ánh sáng rực rỡ trên du thuyền phản chiếu
trên mặt nước xanh thẫm. Tự dưng nàng cảm thấy nặng nơi lồng ngực và như có điều
gì rưng rức trong hồn nàng! Phải một lúc sau Kiều-Lam mới nhận biết được rằng chính
vùng ánh sáng trên du thuyền phản chiếu lung linh trên mặt nước đã gợi nơi hồn nàng
nỗi cô đơn vô tận của những đêm lang thang một mình trên bến Bạch-Đằng.
Những đêm đó, ánh đèn từ câu-lạc-bộ-nổi của Hải-Quân, từ những chiến hạm đang
cập trước Bộ Tư Lệnh Hải-Quân và từ nhà hàng Mỹ-Cảnh, cũng phản chiếu lung linh
trong dòng nước lặng lờ. Trong khi từng cặp từng cặp sánh bước bên nhau trên bến
Bạch-Đằng thì Kiều-Lam lang thang một mình để gậm nhắm nỗi đau riêng!
Bây giờ, nỗi đau đã rơi vào trạng thái bảo hòa, nhưng tiếng hát thiết tha và giọng
ngân êm ái của Diễm-Liên vẫn gợi lại trong lòng Kiều-Lam nhiều nỗi xót xa: “...Đêm
từng đêm thức trắng nhớ thương cuộc tình chìm trong hoang vắng. Ôi! Tình yêu bay xa
vẫn chưa phai nhòa ...” (6) Kiều-Lam không còn gì để nuối tiếc về một cuộc tình đầy
giông bão ấy nữa; nhưng không hiểu tại sao khi nghe đoạn nhạc này nàng vẫn không
nén được tiếng thở dài!
Kiều-Lam ngồi lên phiến đá nhỏ cạnh chiếc cầu gỗ. Trong trạng thái vô thức, nàng
đưa tay mơn man khóm fireweeds màu hồng nhạt mọc quanh phiến đá. Kiều-Lam hơi
ngạc nhiên tại sao nàng có thể nhận ra màu hồng nhạt của fireweeds khi mà nàng đã đi
xa du thuyền, xa khu phố và mấy ngọn đèn đường. Nhìn quanh, nàng cũng ngạc nhiên
khi thấy được, xa xa, vùng nước xanh mà lúc sáng chiếc tàu nhỏ đưa du khách đi tìm
xem cá voi, hải cẩu và gấu. Khi nhìn lên bầu trời trong vắt Kiều-Lam mới nhận ra là
trăng đã lên.
Nhìn ánh trăng tự dưng Kiều-Lam nhớ đến ánh trăng của đêm họp mặt tại nhà Vũ.
Tối hôm đó, ánh trăng soi rõ khoảng sân rộng có cây ngọc lan và mấy cây mai tứ quý
trong chậu kiễn. Vũ hái mấy đóa ngọc lan và trao tận tay nhóm bạn của Kiều-Lam.
Khi Vũ đến cạnh, Kiều-Lam cũng xòe bàn tay sẵn sàng đón nhận đóa ngọc lan, nhưng
Vũ không để đóa hoa vào lòng bàn tay của nàng mà Vũ lại gắn lên cái kẹp trên mái tóc
nàng. Nhóm bạn hay phá phách của kiều-Lam “ồ” lên cùng một lúc. Vũ chỉ tủm tỉm
cười. Kiều-Lam mắc cở quá, chỉ biết ngồi im, cúi mặt, cười.
Đến phần văn nghệ, nhóm bạn của Vũ đàn và hát rất sôi nổi khiến nhóm bạn của
Kiều-Lam buộc nàng phải “đối phó” để khỏi bị...quê! Sau khi Kiều-Lam miễn cưỡng
nhận lời, mọi người bảo Vũ thiên vị khi tặng hoa, bây giờ phạt Vũ, buộc Vũ phải đàn
cho Kiều-Lam hát. Vũ ôm đàn, nhìn nàng, cười cười, chờ đợi. Kiều-Lam nói nhỏ: “Dạ,
anh dạo cho Do Majeur, slow.” Kiều-Lam cất tiếng hát bản Trăng-Lạnh của Điệp-
Linh: “Trăng lã lướt, biết bao thu mùa ru lá rụng. Chiếc lá vàng rơi trong tối mênh
mang. Cùng thời gian lắng trong tiếng thu tàn. Nhớ lại chăng đêm nào chiếc lá rơi.
Người ơi! Nhẹ bước. Lạnh lùng thân chiếc là vàng khô rơi không tiếng vang...” Khi nghe
Vũ đệm cho nàng hát Kiều-Lam mới biết Vũ là người rất thành thật khi xác nhận chàng
không có ngón đàn Tây-Ban-Cầm điêu luyện. Và sau đó Kiều-Lam cũng hiểu Vũ rất
thành thật khi chàng đột ngột và vụng về tỏ tình với nàng. Kiều-Lam chỉ cúi đầu, câm
lặng.
Mấy mươi năm qua Kiều-Lam vẫn không hiểu nguyên nhân nào nàng câm lặng.
Mấy mươi năm qua Kiều-Lam cũng vẫn không thể hiểu được tại sao nàng không yêu
Vũ! Và cũng mấy mươi năm qua, không biết bao nhiêu lần Kiều-Lam đã niệm và đã
nghe niệm “Gate Gate Paragate, Parasamgate. Bodhi Svaha...” (Hãy qua, hãy qua bên
bờ bên kia...) nhưng nàng cũng không hiểu tại sao nàng vẫn mãi hoài ngụp lặn trong
vũng sầu! Dù chìm ngập trong vũng sầu, Kiều-Lam cũng không hiểu tại sao chưa bao
giờ nàng hối tiếc là nàng đã câm lặng và đã không yêu Vũ mà nàng chỉ hối tiếc là nàng
đã gửi thiệp thành hôn của nàng đến cho Vũ!
Bây giờ, cả vùng không gian miền Bắc bán cầu này nhuốm lạnh trong ánh trăng mơ
thì trong hồn Kiều-Lam niềm hối tiếc về hành động ngây ngô, thiếu suy nghĩ của nàng
ngày xưa cũng ngập tràn! Kiều-Lam thở dài ngẫng nhìn những phiến băng trên đỉnh Mt.
Juneau lấp lánh ánh trăng.
Ánh trăng soi rõ những phiến đá dị hình chia cách những khe núi thâm u. Ánh trăng
soi rõ những vạt sương mong manh ẩn hiện trong rừng thông bạc ngàn. Ánh trăng soi
rõ những tòa buildings nơi vùng thị tứ của Juneau, ở phía xa. Ánh trăng soi rõ mặt nước
xanh thẫm của Gastineau Channel. Ánh trăng soi rõ từng lượn sóng nhấp nhô quanh
mấy chiếc Canoes và du thuyền nhỏ. Ánh trăng soi rõ bóng Kiều-Lam trải nghiêng trên
khóm cỏ fireweeds đẫm sương. Ánh trăng cũng soi rõ niềm cô đơn trong hồn Kiều-Lam.
Kiều-Lam thoáng rùng mình, không hiểu vì lạnh hay là vì sợ hãi niềm cô đơn. Khi
nàng đứng lên, muốn trở lại du thuyền để bớt lẻ loi thì giọng ca sướt mướt của Diễm-
Liên đang nức nỡ ở đoạn: “...Lặng lẽ đi tìm dấu em đêm dài, nhịp nào gõ hồn tôi, cơn
mưa dạt dào, vỗ về. Nhiều khi, tôi tìm trong ký ức muộn phiền bóng hình ai đã tan vào
cõi huyền không...” (7) Kiều-Lam lại thở dài, nhìn bóng nàng soải dài trên nền xi-măng
lạnh lẻo như nhìn vào quá khứ xa xăm để tìm xem tim nàng đã lỗi nhịp ở phân đoạn
nào! Kiều-Lam bước đi, chiếc bóng câm lặng của nàng cũng bước theo; từ đó Kiều-
Lam hiểu rằng dù tim nàng phải chịu thương tổn đến ngần nào đi nữa thì nàng cũng
không thể tách rời cuộc đời còn lại của nàng ra khỏi một dĩ vãng nặng chĩu ưu phiền!
Kiều-Lam nhìn lên triền núi Mt. Juneau. Trong vùng không gian tĩnh mịch, nàng
tưởng như tiếng hát mượt mà, óng chuốt của Diễm-Liên vang xa và trở nên long lanh
như những giọt sương bịn rịn trên cành thông dịu dàng.
ĐIỆP-MỸ-LINH
* Mượn tựa nhạc phẩm Trăng-Lạnh của Điệp-Linh.
1.- Của G.H. Matos Rodriguez.
2.- Của S. Rachmaninoff
3.- Của A. Rubinstein.
4.- Của Sebastian Yradier.
5.- Feelings của Morris Albert
6.- Kỷ Niệm Buồn, cassette không ghi tên tác giả.
7.- Vần Tóc Rối của Mai-Anh-Việt