Tại Sao Mường Nhé?

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011 by: LTSA


Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, vừa xảy ra một cuộc biểu tình lớn nhiều ngàn người. Mục tiêu chính thức, theo thông tin từ các hội nhân quyền bản doanh ở Hoa Kỳ, là xin thêm quyền tự trị và xin tự do tôn giáo. Trong khi đó, các bản tin chính phủ VN nói rằng dân tộc Hmong bị xúi giục để đòi ly khai lập vương quốc Hmong, và vì bị mê hoặc với các lời tiên tri “về miền đất hứa” của Đạo Vàng Chứ (một phiên bản điạ phương của Đạo Tin Lành).
Bản tin từ thông tấn nhà nước Úc nói rằng người biểu tình tới 5,000 người, đã bắt nhiều cán bộ huyện Mường Nhé trong khi biểu tình; nhưng cơ quan bất vụ lợi Center for Public Policy Analysis (viết tắt CPCA, trụ sở ở Washington DC, Hoa Kỳ) nói rằng biểu tình này là ôn hòa, không bạo động.
CPCA nói, nhà nước VN đã đưa quân đội tới giải tán biểu tình, hạ sát 28 người, làm bị thương 33 người, với hàng trăm người mất tích (hoặc là đã trốn vào rừng, hoặc là đã bị bắt giam). Hiện nay, toàn vùng đã được niêm phong, cấm phóng viên quốc tế vào lấy tin. Trong khi đó, các bản tin quốc nội đều được lọc qua thông tấn nhà nước TTXVN.
Sự thật như thế nào? Có phải Mường Nhé đòi ly khai lập quốc? Có phải Trung Quốc muốn bẻ gãy từng chiếc đũa của đất nước Việt Nam?
Nguy hiểm cho Việt Nam là: Huyện này giáp giới với Lào và với Trung Quốc, lâu dài sẽ liên tục bị nhiều thế lực quốc tế vào dễ dàng, và vì vùng này quá nghèo nên dân cũng dễ bị mua chuộc, và vì dân thất học nhiều nên cũng dễ bị hứa hẹn mê hoặc. Có ai, hoặc chính phủ quốc tế nào, tính dàn dựng cho Mường Nhé ly khai lập quốc, kiểu như vùng Đông Timor đã tách ra khỏi Indonesia để lập quốc gia mới hồi năm 2002?
Hầu như các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam đều giữ im lặng. Một phần, có lẽ vì không tìm được thông tin chính xác, phần vì sợ có một ai, hay một nhóm nào trong cuộc biểu tình Mường Nhé, thực sự là có liên hệ tới một âm mưu ly khai nào... như thế, chính nghĩa dân chủ hóa cho đất nước Việt Nam sẽ bị nghi ngờ.
Hoặc, có thể chỉ đơn giản hơn, bên cạnh yếu tố tôn giáo, chỉ là vì dân chúng Mường Nhé quá đói, và vì đất rừng bị phá sạch, thế là trở thành dân oan... nên phải biểu tình? Nghĩa là, cũng y hệt như dân oan ở Sài Gòn, Hà Nội, Bình Thuận... khi mất đất sống? Và cũng có thể là tổng hợp tất cả các lý do: tôn giáó (coi chừng mê tín Đón Lên Nước Trời…), đất sống (coi chừng lâm tặc, cán bộ chiếm đất…), quốc tế (cần coi chừng Trung Quốc…) xui giục?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa, người nổi tiếng vì các hoạt động chống tiêu cực, trên trang blog của ông ngày 4-5-2011, viết vài dòng mở đầu trước khi trích BBC:
“Có tin trên BBC về vụ việc này. Không thấy báo ta đề cập. Vụ việc liên quan đến việc bị lôi kéo theo “đạo Vàng Chứ” của người Hmong. Đọc kỹ thông tin thấy đó là đạo do Vàng Pao viết ra để lôi kéo người Hmong. Câu chuyện về phỉ Vàng Pao thì có từ rất lâu, sau 1975.
Năm 2007 có giáo viên ở Chua Ta-Mường Nhé lặn lội xuống tận Bộ GD ĐT kêu cứu. Sau đó gv này có xuống nhà tôi nói chuyện về tình hình trường trên đó, khẳng định sự tham nhũng của lãnh đạo trường và sự bao che của huyện. Sự việc đó khiến tôi nhớ đến cái tên Mường Nhé.”(hết trích)
Như thế, theo nhà giáo Đỗ Việt Khoa, lý do có thể thấy: tôn giáo, quốc tế xúi giục, cán bộ tham nhũng... Nhưng có đúng sự thật đơn giản như thế không?
Điều thấy rõ rằng, dân quá nghèo, vì đất sống bị tàn phá thê thảm. Baó Lao Động ngày 3-11-2009 trong bản tin “Choáng váng với rừng ở Mường Nhé” đã kể rằng, trích:
“Từ năm 2004 đến nay, chưa một ngày nào tôi thôi bị ám ảnh bởi chuyến đi bộ 15 ngày "ăn rừng, ngủ bản", ròng rã khám phá cộng đồng dân cư trong khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam ấy: Mường Nhé.
Cả nước biết đến khu bảo tồn có diện tích hơn 300.000ha đó. Khi có thiên tai, đói khát, bà con nơi này đã quen với hình ảnh những chiếc trực thăng cứu trợ đậu như chú đại bàng xám ngoài đầu bản, chứ chưa bao giờ biết đến cái bánh tròn của ôtô, xe máy hay xe đạp. Cái tình của bà con vùng phên giậu, vẻ đẹp tuyệt kỹ của những tàng cây cổ thụ, của thác cao, suối sâu đã làm tôi thổn thức nghĩ tới cái giá của sự hoang sơ...
Bây giờ, cuối năm 2009, trở lại Mường Nhé, tôi liên tục choáng váng vì thảm cảnh miền "rừng vàng" sắp biến mất, vì những con số không thể tưởng tượng nổi của nạn phá rừng, di dân tự do....
...Vì làm những cái việc tối thiểu, sơ giản đó quá muộn màng, nên hậu quả rừng bị tàn sát đến choáng váng kia không còn làm ai thấy ngạc nhiên nữa. Đến nay, diện tích chính thức được bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chỉ còn có 45.000ha. Trừ một số diện tích bị cắt sang Mường Tè (do quá trình tách huyện), số còn lại: Cả trăm nghìn hécta rừng đã bị phá, nói đúng hơn, vì khu bảo tồn hơn ba trăm nghìn hécta kia bị rỗng ruột từ rất lâu, nay đang tiếp tục bị xẻ thịt trên diện rộng...”(hết trích)
Như thế, có nghĩa là cán bộ tham nhũng, móc nối lâm tặc, kết hợp với tình hình dân chúng đói nghèo, di dân tự do tràn ngập...
Bản tin Reuters hôm 6-5-2011 tập trung vào khía cạnh tôn giáo. Bản tin nhan đề “Rare rally tests Vietnam's religious tolerance” (Cuộc biểu tình hiếm hoi thăm dò sự bao dung tôn giaó của chính phủ VN).
Bản tin nói, quân đội tiến vào giải tán cuộc biểu tình của 7,000 người. Có ít nhất một cán bộ nhà nước bị người biểu tình bắt giữ trong khi thương thuyết.
Bản tin Reuters ghi lời một linh mục Công Giáo gần khu vực này, dẫn lời giáo dân nói như trên.
Nhưng Daniel Mont, chuyên gia kinh tế tại World Bank, nói có lẽ vì dân chúng quá nghèo khổ, và dân vùng này không hội nhập nhiều với xã hội VN, và không có nhiều người nói tiếng Việt thông thạo.
Carlyle Thayer, chuyên gia về VN tại đại học Úc Châu University of New South Wales, nói vùng này quá xa và không gây nguy hiểm gì cho chế độ.
Reuters nói, linh mục Phạm Thanh Bình, một lãnh tụ Công Giáo ở thị trấn Sapa, nơi có liên lạc tới Mường Nhé, nói quân đội đã niêm phong toàn vùng, và cắt hết điện và viễn thông.
Linh mục nói, có một cán bộ bị người biểu tình bắt giữ.
Bách Khoa Tự Điển Wikipedia ghi về huyện này:
“Mường Nhé là một huyện miền núi, nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Lào. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Phía Tây và Tây Nam giáp Lào. Phía Nam giáp huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên. Phía Đông và Đông Bắc giáp huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu. Điểm cực Tây của Việt Nam là A Pa Chải-Tá Miếu, chính là ngã ba biên giới, nằm tại xã Sín Thầu, có tọa độ địa lý kinh độ 102°8' Đông, vĩ độ 22°44' Bắc. Diện tích tự nhiên ở đây chủ yếu là rừng chiếm 55%.
Mường Nhé được thành lập theo Nghị định 08/2002/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2002 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hai huyện Mường Tè và Mường Lay (cũ) của tỉnh Lai Châu cũ.
Tại thời điểm tháng 4 năm 2009, huyện Mường Nhé có 249.950,43 ha diện tích tự nhiên và 49.835 nhân khẩu, có 16 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Chà Cang, Pa Tần, Nà Hỳ, Nà Khoa, Nà Bủng, Chung Chải, Mường Nhé (trụ sở huyện lỵ), Mường Toong, Quảng Lâm, Nậm Kè, Sín Thầu, Nậm Vì, Na Cô Sa, Pá Mỳ, Sen Thượng, Leng Su Sìn.
Vào đầu những năm 1980, rừng Mường Nhé giữ kỷ lục trên cả nước ta, với diện tích được khoanh đếm bảo vệ hơn 310.000ha. Cán bộ bảo tồn từng ước tính những đàn voi đi rinh rợp, đi nườm nượp khắp Mường Nhé, là khoảng 250 con; đàn bò tót khoảng 300 cá thể; nai, hoẵng, sơn dương, cầy cáo thì rất nhiều.
Thế nhưng, đến nay, kho báu thiên nhiên ở khu bảo tồn Mường Nhé và vùng lân cận đã và đang bị tàn sát đến khó tin.
Đến năm 2009, diện tích chính thức được bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chỉ còn có 45.000ha. Trừ một số diện tích bị cắt sang Mường Tè (do quá trình tách huyện), số còn lại: Cả trăm nghìn hécta rừng đã bị phá, nói đúng hơn, vì khu bảo tồn hơn ba trăm nghìn hécta kia bị rỗng ruột từ rất lâu, nay đang tiếp tục bị xẻ thịt trên diện rộng...”(hết trích)
Có thực là không nguy hiểm như giáó sư Đại Học ở Úc Thayer nói?
Có phải Đông Timor ly khai thì sẽ không nguy hiểm gì cho Indonesia (hay phải chăng, Úc từng nói rằng Đông Timor sẽ không hại gì Indonesia...)? Có phảỉ Trường Sa và Hoàng Sa (giả sử) ly khai thì sẽ không nguy hiểm cho Việt Nam?
Nhưng nếu cho thêm quyền tự trị thì sao? Nếu không, hẳn là phải làm cho dân chúng vùng naỳ giàu hơn, trẻ em đi học vấn cao hơn, và hội nhập với xã hội VN rộng hơn, đồng thời các nhân quyền căn bản phải nới rộng...
Không có cách nào khác, để có một xã hội tốt đẹp hơn.


Trần Khải

Filed under: