Nạn đói Thanh Hóa (kỳ 2): Căn bếp lạnh dưới mái nhà rách nát

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011 by: LTSA


LTS: Truyền thông Việt Nam cho hay, có khoảng 250 ngàn người trong 7 huyện của tỉnh Thanh Hóa đang đối mặt với cái đói. Ðó là các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân và Như Xuân. Cái đói đang hiện diện và rình rập 1/4 triệu người là bởi hạn hán làm thất mùa, nhưng nguyên nhân chính vẫn là người nông dân đang mất dần đất canh tác. Cộng tác viên Liêu Thái của Người Việt vừa có chuyến đi đến các địa phương bị đói của tỉnh Thanh Hóa và gởi về loạt phóng sự này.

THANH HÓA - Như Xuân là một huyện nằm dọc theo đường Trường Sơn, có thể nói, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái nghèo, cái đói đến độ tả tơi, rách nát như ở đây.

Giữa cái nắng gay gắt, gió Lào táp mặt, những mái nhà tranh liêu xiêu, cũ mốc và thấp lè tè cứ như một người mất sức đang cúi rạp mình bám vào đất để tránh cơn lốc lửa. Thỉnh thoảng, vài người già mang gùi nặng nhọc lê bước dọc theo con đường đầy nắng gió, lốc bụi và tiếng còi hơi xe tải rúc lên từng hồi.

Nhìn đâu cũng thấy đói nghèo

Ba giờ chiều, chúng tôi đến thôn Xuân Thượng, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân. Ðến đây, có thể nói một câu ngắn gọn: Bốn bề, nhìn đâu cũng thấy đói nghèo!

Nhìn thấy hai đứa nhỏ đang ngồi trước mái hiên nhà tranh rách tươm, ủ rũ nhìn ra đường, chúng tôi ghé vào thăm. Hai đứa nhỏ nhìn thấy người lạ, chúng hốt hoảng chạy vào nhà, chừng vài phút sau, một người phụ nữ xuất hiện, cô mời chúng tôi vào nhà.

Trong nhà trống hoác, nhìn quanh, không thấy gì ngoài một cái bàn ọp ẹp, hai cái ghế cũng ọp ẹp không kém, bốn vách nhà bằng phên nứa đã thủng lổ chổ, một cái giường tre và một cái bếp chỉ bắc trên đó độc nhất một cái ấm nước, bên cạnh bếp là một chai nước mắm loại xoàng nhất và hai cái nồi treo chỏng vơ trên vách.

Như muốn giải thích cho sự nghèo khó của mình, cô gái tên Bùi Thị Lợi, mẹ của hai đứa bé nói: “Anh chị lên lúc này không đúng bữa cơm nên em đã dọn hết bếp rồi, không có chi cho anh chụp hình cả, chứ lúc nãy em có nấu cơm thì nhìn nó đẹp hơn...”

Tôi hỏi: “Anh đi đâu rồi chị?” Lợi nói: “Dạ ảnh đi làm thuê dưới miền xuôi rồi, nhà làm nông, mùa này không có lúa để gặt nên xuống dưới xuôi làm thuê.”

Lợi cười buồn: “Bọn em mới ra riêng được 5 năm nay, chưa có gì cả, xe đạp còn chưa có để đi mà làm gì dám mơ đến xe máy chứ. Cố gắng làm ăn tu bổ lại cái nhà cho bớt dột đã rồi tính tiếp, có làm gì đâu ngoài chuyện ruộng đồng, rồi khoai sắn, rồi lại lên rừng kiếm củi bán lấy tiền đi chợ, tiền đâu mà dám mơ...”

Hỏi thăm mỗi ngày nhà Lợi đi chợ bao nhiêu tiền, Lợi cười: “Tụi em mỗi tháng đi chợ ba lần thôi, chủ yếu là ăn rau rừng, nấu cơm, chan nước mắm và hái một ít rau rừng ăn là qua ngày rồi, lâu lâu xuống chợ mua một bữa cá, một ít thịt cho mấy đứa nhỏ khỏi bị thèm ăn là đủ rồi, mỗi lần đi chợ em mua cả năm, sáu chục ngàn đồng luôn cho mấy đứa nó ăn cho đã thèm đó anh chị à!”

Chưa thấy ký gạo cứu trợ nào...

Tôi hỏi thêm: “Vậy nhà mình đã nhận được gạo cứu trợ chưa?” Lợi lại lắc đầu: “Dạ chưa thấy gì anh ạ, đâu thấy gì đâu. Nghe nói có cứu trợ từ năm ngoái, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thấy gì, nhà em đã nợ gạo của chủ đại lý gần bốn chục ký rồi, đợi tới mùa gặt mới bán lúa cho ông bà ấy mà trừ nợ.”

Lợi cho biết, nhà cô làm ba sào lúa (1,500m2) trên bìa rừng, mỗi năm làm hai vụ, đất khô cằn nên chẳng có bao nhiêu lúa, ngoài lúa, nhà cô còn làm thêm mấy sào khoai mì nhưng bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Ở đây, bà con ai cũng vậy. Ðược chừng ấy đất và cứ quanh quẩn chừng ấy đất rồi lại đi làm thuê, xuống xuôi, vào Nam mà kiếm ăn...

Lang Chánh, cán bộ nuốt gần hết phần cứu trợ

Chúng tôi đến huyện Lang Chánh khi trời xế chiều, hai bên đường là rừng núi vắng hoe, một người đàn bà tay bị tay xách đi ăn xin đang trở về làng sau một tuần hành khất dưới phố. Bà cho biết mình tên Hoa, khai tên theo tiếng Kinh, bà là người dân tộc Tày, đã hơn năm đời bám rừng bám núi ở xã Yên Khương, bỏ hẳn du canh du cư. Nhưng càng bám rừng thì càng đói.

Nhà bà Hoa có ba người con, họ đã bỏ làng đi từ mười năm trước, bà sống một mình, kể từ ngày họ ra đi, bà không nhận được tin tức gì. Bà chỉ biết cày xới trên mấy thửa ruộng bậc thang, tổng cộng diện tích chưa đến 500m2, trước đây thì có nhiều ruộng nhưng do con bà đi hết nên người ta thu hồi đất, chia cho người khác. Mà bây giờ nếu có đất bà làm cũng không nổi, tuổi cao, sức yếu, bà đành mang bị đi ăn xin.

Hai mẹ con bà Hơn và cô Hằng đang cuốc cỏ cái vườn sắn được đầu tư hơn 10 triệu đồng bởi nguồn tiền xóa đói giảm nghèo. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)




Bà Hoa bảo rằng, có nhiều người đi ăn xin nhưng không phải cả làng. Nhưng với đà này, lúa gạo làm không ra, đất thì không có, nhà nước nói là cứu trợ nhưng thật ra khi về đến tay dân thì không còn gì nữa...”

“Nói cho có vậy, mấy mươi năm sống ở đây, tôi kinh nghiệm lắm rồi. Nói là cho mỗi người một bịch muối, gửi tiền về, nhưng thay vì tính một bịch muối trị giá ba ngàn đồng theo giá ngoài chợ thì lại tính lên bảy ngàn đồng. Khi nói thì cho con bò, nhưng nhận thì còn bằng cái đuôi bò, thì kệ, cứ có mùi bò cũng được!” Nói xong, bà Hoa lắc đầu, thở dài.

Bà con huyện Lang Chánh tuy gặp thời tiết hạn hán, không được mùa, trúng vụ, nhưng vẫn chưa có chuyện mất trắng mùa nào, ít ra thì cũng gặt được một ít lúa đắp đổi qua ngày. Nhưng kể từ ngày đất rừng không còn được tự do khai thác, đất rừng đã qui hoạch thành vườn, thành trang trại của các cán bộ về hưu, cán bộ xã, huyện... thì đời sống của bà con lâm vào khó khăn, đói kém bởi không còn đất để canh tác.

Và khi bà con mất hết mọi thói quen sinh hoạt thường nhật, mất thói quen khai phá nương rẫy, vào rừng săn bắt, cái đói cận kề thì nhà nước hô hào cứu trợ. Nhưng chuyện cứu trợ nghe to tát, bà con nhận được chẳng bao giờ đủ sống qua mươi ngày, nửa tháng.

Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt

Filed under: