Tập Cận Bình tuyên chiến với blogger
Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Lê Phước - Gần đây, Internet đã trở thành một nơi để người dân Trung Quốc tố cáo tiêu cực. Công cuộc chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình khởi xướng đã thu được một số kết quả, mà trong đó có phần đóng góp đáng kể của giới blogger. Thế nhưng, nhà cầm quyền Trung Quốc đã không ngừng tăng cường kiểm soát Internet. Ngay như ông Tập Cận Bình cũng vừa có động thái này. Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng bài nhận định : « Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình tuyên chiến với giới blogger ».
Tờ báo cho biết, trong một bài phát biểu hồi tháng 8 vừa qua, theo lời lẽ ghi nhận của tờ báo Hồng Kong South China Morning Post, ông Tập Cận Bình đã đề nghị cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và giới truyền thông nhà nước « xây dựng một đội quân đủ mạnh để kiểm soát » « tin đồn thất thiệt » trên mạng.
Thật ra, cộng đồng mạng cũng đã giúp nhà nước Trung Quốc phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực trong thời gian qua. Le Figaro nhắc lại, hồi mùa xuân rồi, truyền thông nhà nước còn dựa vào các tố cáo trên mạng để đưa ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực động trời.
Thế nhưng, trước làn sóng tố cáo bất công ngày càng rầm rộ trên các trang mạng, Đảng cầm quyền cũng cảm thấy bị nguy hiểm. Vì thế, lấy cớ chống các tin đồn thất thiệt, từ mùa hè này, Bắc Kinh đã cho bắt hàng trăm blogger. Giới truyền thông nhà nước cũng được chỉ đạo tập trung chống « tung tin đồn thất thiệt ».
Le Figaro nhấn mạnh, nhiều nhà quan sát cho rằng, chiến dịch nói trên nằm trong ý đồ khóa miệng các blogger, mà trọng tâm là các blogger có lập trường tự do nhất, những blogger được nhiều người theo dõi nhất.
Tờ báo còn trích dẫn lời của giám đốc Tân Hoa Xã cho rằng : Một số lực lượng và một số cơ quan truyền thông phương Tây không muốn nhìn thấy Trung Quốc phát triển thịnh vượng nên đã điều khiển từ xa các tin đồn thất thiệt nhầm gây bất ổn cho Trung Quốc.
Le Figaro tóm lược : lực lượng kiểm duyệt tại Trung Quốc đã và đang hoạt động rầm rộ, thế nhưng nó còn chưa đủ sức để kiểm soát đến 500 triệu cư dân mạng và 300 triệu blogger ; bởi thế ông Tập Cận Bình lo sợ những « mầm móng nổi dậy » tiếp tục được gieo trồng trên Internet, nên ông đã toan huy động toàn Đảng và toàn giới truyền thông nhà nước tăng cường cuộc chiến chống blogger.
Ai Cập : bạo lực tiếp nối bạo lực
Nhìn sang đất nước Ai Cập, Le Figaro có bài cho biết, hai tháng sau khi tổng thống Morsi bị lật đổ, Ai Cập vẫn ở trong cái cảnh : Bạo lực tiếp nối bạo lực.
Số là hôm qua, một chiếc xe hơi có cài bom đã phát nổ khi đoàn xe của bộ trưởng nội vụ của chính phủ lâm thời Ai Cập đi qua. Kết quả là có khoảng 20 người thiệt mạng, còn ông bộ trưởng thì tai qua nạn khỏi. Đây không phải là vụ tấn công duy nhất ở Ai Cập, mà mấy ngày qua, bất ổn không còn bị giới hạn ở khu vực Sinai, mà đã lan ra khắp Ai Cập với nhiều vụ tấn công ở các nhà ga hoặc tấn công cả trụ sở cảnh sát.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, làn sóng bạo lực này là kết quả của việc dùng vũ lực lật đổ một tổng thống dân cử, và của việc chính quyền lâm thời dùng vũ lực giải tán biểu tình ủng hộ tổng thống bị lật đổ Morsi gây thiệt mạng gần 1000 người. Trong bối cảnh đó thì tình hình buôn bán vũ khí từ Libya tại Ai Cập ngày càng phức tạp. Các phần tử Hồi Giáo cực đoan vì thế dễ dàng tậu được vũ khí để tiến hành các cuộc tấn công theo kiểu khủng bố.
Sức mạnh tiền tệ Châu Á ?
Trên thị trường tài chính thế giới, đồng nội tệ của các nước mới nổi ngày càng lớn mạnh. Đó là thông tin được đăng trên tờ nhật báo kinh tế Les Echos.
Tờ báo cho biết, theo nghiên cứu ba năm một lần vừa được công bố của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS-một tổ chức quốc tế huy tụ các ngân hàng trung ương trên thế giới), mỗi năm, có đến 5.300 tỷ đô la được giao dịch trên thị trường tài chính thế giới, cao gấp hai lần GDP của Pháp. Con số này đã tăng 30% so với nghiên cứu năm 2010, và tăng 60% so với năm 2007.
Đô la Mỹ vẫn chiếm giữ vị trí số một trong giao dịch tài chính thế giới, chiếm đến 87%. Đồng euro tuy vẫn giữ vị trí số 2, nhưng đã giảm thị phần : năm 2010 là 39%, giảm xuống còn 33% trong năm 2013.
Nhìn sang Châu Á, đồng yên Nhật Bản và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đều lớn mạnh. Đồng yên chiếm 23% thị phần giao dịch thế giới, tăng hơn rất nhiều so với năm 2010. Đồng nhân dân tệ hiện tại được xếp thứ 9 trong top 10 các đồng ngoại tệ mạnh nhất thế giới. Năm 2010, thị phần đồng tiền này chỉ có 0,9%, nhưng hiện tại đã leo lên 2,2%. Les Echos nhấn mạnh, chính sách tiền tệ của Bắc Kinh là tăng cường quốc tế hóa đồng nhân dân tệ để hạn chế lệ thuộc vào đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, đồng nội tệ một số nước mới nổi khác cũng có bước phát triển. Như đô la Canada đã chiếm 4,6%, và đồng Peso Mehicô chiếm 2,5% giao dịch tài chính thế giới, tức nằm trong top 10 các đồng tiền mạnh nhất thế giới, đứng trước đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Người già nên chơi điện tử ?
Trong hồ sơ y tế, nhật báo Le Figaro đăng bài : « Khả năng tập trung của người già được kích thích bởi trò chơi video ».
Tờ báo cho biết, một nhóm chuyên gia của Trường đại học California vừa tiến hành một nghiên cứu bằng cách cho các cụ già tuổi từ 60 đến 85 chơi trò chơi điện tử. Trò chơi được đưa ra là các cụ lái xe hơi trên con đường gồ ghề và thỉnh thoảng có những đèn báo hiệu xuất hiện bất chợt hai bên đường. Như vậy, các cụ sẽ phải tập trung tối đa để thực hiện hai công việc cùng một lúc : lái xe trên đường gồ ghề và chú ý đến các hệ thống báo hiệu hai bên đường. Các cụ chơi trò chơi này 12 buổi/tháng, mỗi buổi là 60 phút.
Kết quả sau một tháng cho thấy, các cụ được « huấn luyện » nói trên có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc tốt hơn các cụ cùng trang lứa, và có khi còn hơn cả các thanh niên tuổi 20 không có chơi những trò chơi tương tự như trên. Đặc biệt, khả năng tập trung làm nhiều việc cùng một lúc này của các cụ còn kéo dài đến 6 tháng sau.
Hồ sơ Syria : phe chủ chiến đang yếu thế
Thượng đỉnh G20 đã khai mạc vào hôm qua tại Saint-Pétersbourg. Mỹ và Pháp dự định tranh thủ diễn đàn này để tìm kiếm ủng hộ cho giải pháp quân sự trên hồ sơ Syria. Nhưng thực tế cho thấy, hai nước này có vẽ đang bị « cô lập ». Đó là nhận định chung của báo chí Pháp hôm nay.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất : «Các nước Châu Âu bỏ rơi ông François Hollande », nhật báo cánh tả Libération cũng chạy tựa lớn trên trang nhất : «Hồ sơ Syria tại thượng đỉnh G20 : cuộc chiến giữa các lập trường », nhật báo Cộng sản L'Humanité đăng trên trang nhất ảnh tổng thống Mỹ Barack Obama và tổng thống Pháp François Hollande kèm theo hàng tựa : « Obama và Hollande bị tách biệt khỏi thế giới », nhật báo Công Giáo La Croix cũng dành trang nhất cho hàng tựa : « Huy động cho giải pháp hòa bình », nhật báo kinh tế Les Echos thì đăng bài : « Obama và Hollande vất vả thuyết phục G20 về hồ sơ Syria ».
Tất cả các tờ báo đều thuật lại rằng, chủ đề Syria đã trở thành ưu tiên số một tại thượng đỉnh G20 lần này, đẩy xuống vị trí số hai mọi chủ đề về khủng hoảng kinh tế.
Các tờ báo cho hay, trong số các nước tham dự, có đến 13 nước phản đối biện pháp can thiệp quân sự vào Syria. Năm nước đầu tàu trong nhóm tân hưng là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã ra tuyên bố chung cảnh báo về « hậu quả vô cùng nguy hại đối với nền kinh tế thế giới » nếu tiến hành can thiệp quân sự vào Syria. Ngay cả đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã gửi thư kêu gọi các nước G20 tránh biện pháp can thiệp quân sự cho hồ sơ Syria.
Mỹ thì đang chờ quốc hội bỏ phiếu. Pháp thì đã mang câu chuyện Syria ra bàn trước quốc hội nhưng không bỏ phiếu. Còn Anh thì đã chính thức rút lui vì quốc hội nước này đã bỏ phiếu bác giải pháp quân sự.
Trong khi đó, ngày hôm qua, thủ tướng Đức, Angela Merkel đã tuyên bố : « Cuộc chiến (tại Syria) phải kết thúc, và nó phải được kết thúc bằng giải pháp chính trị. Đức sẽ không tham gia vào bất kỳ một hành động quân sự nào». Thế thì đã rõ, Đức thẳng thừng phản đối giải pháp quân sự của Mỹ và Pháp.
Trên bình diện Châu Âu, chủ tịch hội đồng Châu Âu, ông Herman Van Rompuy, cũng đã tuyên bố phản đối việc can thiệp quân sự, và ủng hộ giải pháp hòa bình trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Như vậy, ngay cả người đứng đầu tổ chức 28 nước Châu Âu còn coi trọng Liên Hiệp Quốc thì không lý do gì mà Pháp hay Mỹ với tư cách là một quốc gia mà lại phớt lờ Liên Hiệp Quốc. Quan điểm này của người đứng đầu EU dường như được tổng thống Nga Putin chia sẻ khi ông không ngần ngại tuyên bố : Trên bình diện luật pháp quốc tế, quốc hội Mỹ không có « một tính chính danh nào » để có cái quyền cho phép một cuộc can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền.
Trong tình hình đó, tờ báo cánh hữu Le Figaro cho rằng, Liên Hiệp Châu Âu đã « bỏ rơi » ông Hollande. Tờ báo này còn dành bài xã luận nhấn mạnh rằng, đó là « một sự rạn nứt » giữa các nước phương Tây. Bài xã luận cũng ủng hộ giải pháp hòa bình, khi cho rằng : « Ngoại giao không phải là câu chuyện của cảm xúc. Ai cũng cảm thấy phẫn nộ trước một tội ác mang rợ, thế nhưng điều đó chưa đủ để biện minh cho một giải pháp quân sự trong bối cảnh giải pháp quân sự đó chưa đủ tính thuyết phục ».
Quan điểm này của Le Figaro được tờ báo cánh tả Libération chia sẻ. Trong bài xã luận mang tên « Sự cân bằng », tờ báo dẫn lại quan điểm của một số trí thức ở các nước Hồi Giáo, theo đó, họ không chắc về hiệu quả của giải pháp quân sự, vì cái thời hậu Assad có thể lập lại kichj bản bất ổn như ở Libya hay Irak. Họ lo sợ bất ổn sẽ lan tràn trong khu vực, Hồi Giáo cực đoan sẽ nhân việc ông Assad bị lật đổ mà nổi lên. Tờ báo kêu gọi một giải pháp hòa bình với sự tham gia của tất cả các bên để tạo ra cái thế cân bằng, không gây ra những đảo lộn vượt tầm kiểm soát.
Hồ sơ Syria phủ bóng lên đời sống chính trị Pháp
Chưa tấn công Syria, mà hồ sơ này đã làm chia rẽ sâu sắc nội bộ nước Pháp, đến mức mà có người còn muốn chấm dứt nền Đệ ngũ cộng hòa hiện hành. Nhật báo cộng sản L'Humanité có bài đáng chú ý : « Nền Đệ ngũ cộng hòa bị hất ngã bởi việc không bỏ phiếu về hồ sơ Syria ».
Số là hôm qua, quốc hội Pháp tiến hành bàn luận về chủ trương can thiệp quân sự vào Syria của tổng thống Pháp François Hollande. Thế nhưng, chỉ là bàn thảo chứ không bỏ phiếu, và cũng như lời của thủ tướng Pháp, Jean-Marc Ayrault tuyên bố trước quốc hội là : « Quyết định cuối cùng là ở tổng thống ».
Tờ báo nhắc lại rằng, thủ tướng Anh David Cameron đã từ bỏ quyết định can thiệp quân sự vào Syria sau khi quốc hội nước này bỏ phiếu phản đối. Tổng thống Mỹ Obama cũng đã đề nghị quốc hội bỏ phiếu về chủ trương tấn công Syria.
Tờ báo lấy làm tiếc là, tại Pháp, ngành hành pháp lại không làm được như Anh và Mỹ. Tờ báo nhấn mạnh, việc ngành hành pháp lấn át ngành lập pháp thì rõ ràng là biểu hiện thiếu dân chủ. Tờ báo tỏ ra bất mãn khi nhấn mạnh rằng : Chỉ một cá nhân của một chế độ mà lại có cái quyền đẩy nước Pháp vào cuộc phiêu lưu quân sự trong khi đa phần người Pháp lại phản đối.
L'Humanité cho biết thêm, nhiều chính khách ở cả hai phe tả, hữu đã yêu cầu đưa hồ sơ Syria ra bỏ phiếu chính thức trước quốc hội để thể hiện tính dân chủ của một chế độ dân chủ. Các đảng cực tả còn đi xa hơn khi cho rằng, nền Đệ ngũ cộng hòa được thành lập hồi năm 1958 đến nay đã có nhiều điểm lỗi thời, bởi thế cần thiết xây dựng một nền Đệ lục cộng hòa với mục tiêu là « tái lập ưu thế của quyền lập pháp đối với quyền hành pháp ».