SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII TN ( C) (Lc 14, 1. 7-14)

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

                                         KHIÊM NHƯỜNG LÀ CHO ĐI

Vâng ! Kính thưa quý vị, Lời Chúa của chúa nhật hôm nay 01/09/2013 (Lc 14,1.7-14) là một chủ đề không xa lạ gì đối với người Công giáo, nhưng thật khó mà thực thi. Nhưng với ai yêu mến Thiên Chúa qua Chúa Giêsu-Kitô, thì chủ đề nêu trên không khó để thực thi.

Vâng, vaì dòng mở đầu xin chia sẻ, để giải thích ngay chủ đề của Lời Chúa hôm nay. Đó là sự khiêm nhường. Vậy khiêm nhường là gì ? Thưa đó là nhìn biết sự thật, để nhận ra sự thật, yêu mến và tôn trọng sự thật. Vì sự thật là chân lý, Chân lý thì thuộc về Thiên Chúa, vì Ngài là Chân lý, tức là nguồn của sự thật. Sở dĩ chúng ta yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa, vì đó là sự thật. Còn ngược lại thì không phải là sự thật.

Khởi đi từ Bài đọc I , cho thấy khiêm nhường là nhân đức vượt trội, vì khiêm nhường càng cao thì Thiên Chúa càng đổ đầy. (Hc 3,20-21)

Bài đọc II ( Dt 12, 18-19. 22-24a), thánh Phaolô cho thấy hoàn toàn là những sự thật: " Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được... ( c18) .Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người...( c23b ). Anh em đã tới cùng Vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu... (c 24a). Như vậy, sự thật không còn là mơ hồ nữa, vì đã sờ tới được và chạm đến được. Vậy muốn chạm đến Thiên Chúa và đến cùng Ngài, thì con người không còn gì để mà tự cao nữa, phải trút bỏ tất cả ,để đón rước được Thiên Chúa. Còn ngược lại, con người không thể nào đón nhận Thiên Chúa đươc.

Dẫn đến Đoạn Phúc Âm hôm nay ( Lc 14, 1. 7-14) có 2 phần rõ nét.

-          Hãy ngồi chổ cuối ( tự hạ )

-          Hãy cho người nghèo

Vâng, tuy hai phần rõ ràng nhưng cùng một ý nghĩa: có nghĩa là khiêm nhường là cho đi.

Phần thứ nhất, Chúa Giêsu nói về dụ ngôn dự tiệc, nhân Người được mời đến dự tiệc ngày Sabat. Qua dụ ngôn : " hãy ngồi chỗ cuối" trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy, có thể nói nhân bản khiêm tốn, tự hạ dẫn đến sự cao thượng của con người qua mọi thời đại, chắc chắn được bắt nguồn từ đoạn Tin Mừng này. Theo đó, nền văn minh của nhân loại được bắt nguồn từ nền văn minh Kitô giáo. Rõ ràng , tự hạ là một sĩ diện tối thiểu cần có trong cách đối nhân xử thế, lòng tự trọng của con người sẽ được đánh giá từ đây. Đã gọi là "chổ nhất", thì phải ít, vì chỉ có một chổ nhất, nhưng ai cũng tranh nhau ngồi, thì không còn là chổ nhất nữa. Lòng tự trọng theo nghĩa đen cũng là một sự nhắc nhớ cho chúng ta biết giữ lễ nghĩa, phép tắc đúng mức. Qua đó, Chúa Giêsu đưa chúng ta đến một ý nghĩa cao siêu hơn, là con người phải biết giữ đúng vị trí của mình là loài thụ tạo. Phải biết tôn thờ Thiên Chúa là Đấng Tạo thành, con người không thể chối bỏ sự thật nầy. Vì " Phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (c11).

Biết bao vị thánh đã am tường Lời Chúa hôm nay và đã trở nên những vị thánh lớn, nhất là Đức Trinh Nữ Maria. Và noi gương Mẹ có biết bao thánh nhân đã nối bước theo câu Lời Chúa nầy. Vị thánh da đen Martino, gần gũi chúng ta nhất đã thực thi sự khiêm hạ nầy đến độ được gọi là " Tấn Lòng Vàng".

Nhưng nếu khiêm hạ chỉ để có lợi cho chúng ta thôi thì chưa đủ, bởi vì khiêm nhường có một đặc tính nữa là "cho đi ". Cho đi chính là đức bác ái, nhưng nếu ai không có đức khiêm nhường thì không thể có bác ái được.Khiêm nhường chính là nhân đức đừng đầu, vì đầu mối cội rễ nhân đức chính là đức khiêm nhường, khiêm nhường sinh ra nhẫn nại, nhẫn nại mới sinh ra bác ái. Chứ không phải bác ái sinh ra khiêm nhường đâu.

Nên chi, phần 2 của đoạn Tin Mừng hôm nay, chính là hệ quả của sự khiêm nhường , đó là " cho đi ". Vì không ai cho đi cái mình không có, và còn khó hơn, nếu lấy cái mình có mà cho đi, một khi không có đức khiêm nhường. Vì vậy, nhân đó Chúa Giêsu nói với người đãi tiệc rằng : "... khi ông đãi tiệc , hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế , ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." ( c 13-14).

Như vậy, sự cho đi vì đức khiêm nhường sẽ không mất công, sẽ không bị quên lãng, trái lại sẽ được trả công xứng đáng. Lời Chúa Giêsu dạy, nếu đem áp dụng vào thời kinh tế thị trường thì chắc chắn lỗ to. Nhưng đem áp dụng vào sự sống vĩnh cửu thì nó sẽ sinh lời vô kể. Vì có ai đem cho người nghèo cái gì mà mong họ đáp trả lại ngay đâu. Nếu vậy, thì họ đâu có nghèo, và như thế, kẻ cho họ đâu được trả lễ vào ngày " kẻ lành sống lại".

Khiêm nhường là sự luôn đón nhận, đón nhận Thiên Chúa, đón nhận tha nhân, đón nhận như Chúa Giêsu đã đón nhận.

Chúa Giêsu đã đón nhận Thiên Chúa Cha bằng sự vâng lời, vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập giá, bằng sự tủi nhục với kiếp phàm nhân và sự xót thương cao cả của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã đón nhận loài người tội lỗi, và đón nhận những phàm nhân như những bạn hữu của Người. Há đây chẳng phải là sự khiêm nhường tột đỉnh sao ?!

Chúa Giêsu cũng sẵn sàng đón nhận những ai chạy đến với Người bất cứ khi nào và ở đâu.

Tất cả những sự đón nhận của Chúa Giêsu như những sự cho đi với sự khiêm nhường của một Vị Thiên Chúa làm Người là một hy lễ tột đỉnh dâng lên Thiên Chúa là Cha để đền bù cho tội lỗi loài người.

Lạy Chúa Giêsu xin thương xót chúng con./. Amen

01/09/2013

P. Trần Đình Phan Tiến.

Filed under: