Tòa nhà đá không rêu phong ở Đà Lạt
Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtKim Ngân VRNs (14.07.2013) – Lâm Đồng – "Chào chú, chú làm ơn cho cháu hỏi, tại sao nhà thờ bằng đá này có thánh giá rất lớn, lại được gọi là Viện Sinh học Tây Nguyên?"
Người tài xế lắc đầu ngao ngán: "Cháu còn nhỏ tuổi nên chưa biết thôi, Nhà nước tiếp quản thì phải chịu. Họ lấy của các cha Dòng Chúa Cứu Thế để làm cơ sở cho họ đó mà, cũng nghe nói là họ sắp trả cho Nhà Dòng rồi, nhưng hứa vậy thôi. Chú nghĩ vài bữa cũng phải trả cho Nhà Dòng thôi, không sớm thì muộn…"
Chú tài xế tên Hồ Văn Sang, trạc năm mươi mấy tuổi, của đoàn du lịch trường CĐ Sư Phạm Long An chia sẻ chân thành với tôi, chú còn nói: "Cách đây 20 năm, khi chú đến đây, mảnh đất này đẹp tuyệt vời, bây giờ thì không đẹp bằng ngày xưa đâu…"
Sáng ngày 09.07.2013, khoảng 10h, nhóm tập huấn truyền thông chúng tôi đã đến Học Viện DCCT Đà Lạt. Cùng với linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, chúng tôi đi thăm lại Ngôi nhà thân quen của DCCT, nay gọi là Viện sinh học Tây Nguyên. Những cơn gió mát lạnh thổi qua cánh rừng thông bạt ngàn làm se lòng của mọi thành viên trong nhóm. Không gian rộng lớn nhưng gần gũi, dù từ xa đến, nhưng chúng tôi lại cảm thấy rất thân quen, cứ như gặp lại một người thân trong gia đình.
Men theo con đường khoảng 500m uốn quanh cánh rừng thông, trước mặt tôi là tòa nhà đá lớn, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy kiến trúc kiên cố, hiền hòa như thế này. Đường dẫn từ đường chính vào tu viện dài hơn 500m tiếp cận một sân rộng rãi và bằng phẳng, có tầm nhìn thoáng đảng. Công trình theo kiểu kiến trúc mới, mang bố cục hình khối đối xứng, cao 4 tầng với môt tầng hầm ở về phía sườn đồi thấp. Mặt ngoài, phần lớn được xây ốp đá kiểu, tạo cảm giác rất vững chắc và bề thế. Lối vào chính nằm giữa trục chính của toà nhà, được nhấn mạnh bằng khối mái đón vươn hẳn ra ngoài, được đỡ bằng 2 trụ xây đá kiểu vừa to vừa mạnh mẽ. Nổi cao lên ở mặt tiền có cây thánh giá và dòng chữ tiếng La Tinh: "COPIOSA APUD EUM REDEMPTIO", có nghĩa là "Ơn cứu độ chan chứa nơi Người".
Nhà cầm quyền đã cố ý biến khu nhà này thành nơi phục vụ cho khoa học, nhưng tôi vẫn thấy sự linh thánh hiện diện ở đây. Sự linh thánh ấy hiện diện trong từng viên đá, từng bậc thang, trên từng mảng tường, khung cửa sổ. Dường như, thời gian các Tu sĩ DCCT sống trong tu viện đã biến từng thụ tạo trong tòa nhà này thành những vật được thánh hiến cho chính Thiên Chúa. Cho dù nó có rơi vào tay ai sở hữu, cũng không mất đi sự linh thánh thiêng liêng đó.
Cha Thanh và chúng tôi đi xung quanh khu vực triển lãm. Viện sinh học này chỉ sử dụng một tầng trệt để trưng bày những chú thú nhồi bông cao cấp (thiệt ra là bộ lông, da các con thú, các tranh vẽ được tái hiện lại, trong giống như một vườn cổ tích cho các bé hơn là dành cho học tập và nghiên cứu khoa học). Giang đại sảnh, họ đặt 2 vệ sinh thời thập niên 60-70 của Liên Xô cũ, điều đó đâu cần thiết cho một bảo tàng sinh học. Hay là họ muốn lấp đầy các chỗ trống trải…
Chúng tôi xem mình vào nhà của mình. Anh em chúng tôi bước lên trên 2 tầng lầu trên, cảnh vật vẫn còn nguyên vẹn. Tầng đầu tiên dành cho các thầy học Triết học, tầng thứ hai dành cho c1c thầy Thần Học. Ở hai đầu là phòng đọc sách, phòng sinh hoạt chung, và phòng của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, giáo sư Thánh Kinh, và là người đầu tiên ở Việt Nam dịch Thánh Kinh từ nguyên ngữ ra tiếng Việt. Trừ tầng triễn lãm, mọi phòng đều khóa chặt, đã lâu không sử dụng vào bất cứ việc gì. Chúng tôi vào được một phòng riêng của các thầy, mà bây giờ đang bỏ không. Theo cha Thanh, căn phòng ngày xưa được bố trí giản đơn, một chiếc bàn quỳ, một kệ đặt bàn thờ, một chiếc giường nhỏ, một cái bàn đó là tất cả khoảng không gian tối thiểu của một người tu sĩ cần phải có.
Chúng tôi tiến sâu lên các tầng trên cùng, gần mái, nơi ban nhạc Alleluia của cha Thành Tâm năm xưa đã dung làm nơi tập luyện vào thập niên 60. Tất cả những bài ca Vào đời đều do các thầy Học Viện lúc đó sáng tác với nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh, Thánh vịnh và cảm hứng từ một số bản nhạc vào đời của nhóm Alléluia Dòng Chúa Cứu Thế Canada. Nhóm ca vào đời được kết tụ do một số Thầy Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế có giọng hát tốt, biết nhạc và biết chơi nhạc, trong số đó phải kể những gương mặt sáng còn lại trong Dòng và đã trở thành các linh mục: Cha Phêrô Nguyễn Thành Tâm, Cha Giuse Trần Sĩ Tín, Cha Phêrô Nguyễn Đức Mầu (biệt hiệu Hoàng Đức), cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, Cha Giuse Tiến Lộc, cha Stanislas Lê Vĩnh Thủy (chơi trống)…
Chúng tôi đi xuống lại tầng trệt, thăm những góc nhà, vẫn còn nguyên các bảng lớn bằng gỗ ghi tên và các giờ lễ, lịch giảng của các cha.
Bây giờ nơi đây gọi là Viện bảo tàng sinh học Tây nguyên, vì Viện sinh học Tây Nguyên mới được xây dựng mới cũng trên đất DCCT Đà Lạt, ngay phía sau nhà xứ Tùng Lâm và đường vào tu viện cũ. Ngay ở tầng trệt, người ta mở những gian hàng, bán những thứ hỗn hợp để thu hút khách du lịch, ngoài hoa tươi và một vài thứ được sản xuất tại Đà Lạt, thì đa số đồ lưu niệm là hàng được sản xuất từ Trung Quốc. Nhưng dù con người có che giấu cách mấy, thì cũng không ảnh hưởng đến vẻ uy nghi, thánh liêng của tòa nhà đá được.
Sau 60 năm xây dựng, giữa khí hậu Đà Lạt, mà các vách đá của tòa nhà không hề bị rêu phong. Nhiều người cho rằng đá đã được vận chuyển từ ngoại quốc về xây nên mới được thế. Thật ra toàn bộ đá đã được đào từ mỏ đá ngay trong khu vực đất của hơn 30 hecta này.
Tòa nhà đá vẫn sừng sững uy nghi hướng về trời, tôn vinh Thiên Chúa, đợi chờ một ngày CÔNG LÝ được thực hiện.