Chuyện Mùa Hè xứ Pháp: Le Tour de France – Đua xe Đạp Vòng xứ Pháp — Kỷ niệm 100 năm Phương Pháp Cou
Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Chuyện Mùa Hè xứ Pháp:
Le Tour de France – Đua xe Đạp Vòng xứ Pháp Kỷ niệm 100 năm Phương Pháp Coué
Sáng nay 3 tháng 7, ngồi chờ Vòng Đua quanh Nước Pháp – Tour de France sẽ chạy qua dưới chân đồi cạnh bao lơn trước phòng ngủ của căn nhà thuê ở nghỉ hè. Số là từ đầu tháng nay, hai vợ chống chúng tôi đi thăm thằng cu thứ hai đang làm việc tại cái xứ xinh đẹp và thơ mộng nầy của xứ Pháp đa tình của chúng tôi. Với cái tên quốc tế là Riviera hay tên Pháp là Côte d'Azur- Bờ Biển Xanh, với hai thành phố nỗi tiềng mà người Việt ta thường biết đến là Nice, và đặc biệt Cannes nơi một thời gian Cựu Hoàng Bảo Đại có một biệt thự và nơi có cái Festival về Điện ảnh hằng năm ; và với sát cạnh Nice là tiểu quốc Monaco, nỗi tiếng với sòng bài, với ông Hoàng Rainier và nay ông Hoàng Albert, với bà Hoàng Grace một thời là cựu nữ tài tử Grace Kelly… và với bà Hoàng ngày một cựu vô địch bơi lội Nam Phi.
Cháu mướn cho chúng tôi một appartement ở lầu 1, trên một ngọn đồi, trong một cư xá sang trọng. Tình cờ hay cố ý, con đường dưới chơn đồi dọc theo sân cù của thành phố Biot sẽ là con đường đoàn xe đua sẽ chạy qua. Và ngồi ngay bao lơn trưa nay khoản 12 giờ chúng tôi có thể nhìn đoàn xe đua chạy qua. Xem đua xe đạp ư ? Chán lắm ! mặc dù anh mặc áo vàng hôm nay, vừa chiếm áo hôm qua, là Simon Gerrans, công dân của xứ Đại Thử, của quý độc giả Việt Luận, của Úc Châu, và équipe Úc châu của anh, cũng là toán dẫn đầu này hôm nay, sau khi đã thắng chặng hôm qua. Và đây cũng là lần đầu tiên trong Vòng Đua nước Pháp, có một đoàn của Úc châu, Đoàn Oreca.
Xin nhắc lại lần nữa là xem đua xe đạp trên đường trường chán lắm ! nhứt là những đoạn đường trường như chặng thứ 5 của ngày hôm nay (Cagnes /Mer – Marseille), vì chờ suốt cả buổi, dãi nắng ( hay dầm mưa) chỉ thoáng, chỉ vụt một cái, đoàn xe qua cái vù không kịp thấy ai cả. ( tốc độ chạy đường trường vào cở 40 cây số/1 giờ). Cá nhơn tôi chỉ thích xem vòng đua xe đạp khi lên núi, vì khi các tay đua leo núi, ta chậm rãi thưởng thức, cái tài nghệ, từ cú đạp, từ cái lắt xe, cách dùng tay để kéo xe, những cái khó khăn, những hơi thở, nhịp thở… ta có đủ thì giờ ngắm, theo dõi những khuôn mặt các yên hùng ngựa sắt ta ngưỡng mộ.
Nhưng muốn lên núi Pyrennées hay núi Alpes để xem những đoạn leo núi thì cả một công trình. Phải đi truớc đoàn xe đua, đêm hôm trước, phải lên đoạn đường chạy ngày mai, lựa chổ ngủ đêm, cắm trại, nếu đi xe bình thường, hay đi bằng caravane – trailer, hay bằng «mobile home», chờ sẳn đón đoàn xe đua qua. Khi đoàn đua qua rồi, lại phải lật đật thu xếp hành lý vật dụng để đi chực chặng ngày mai. Nhưng vui lắm, làm quen, nói dóc bạn bè mới, toàn là dân ghiền, toàn là dân cùng một thú đam mê, … ngày qua chưa quen, ngày nay đã chén chú chén anh, mầy tao chi tớ, thân nhau vì xe đạp, ăn nhậu vì xe đạp,… cả một không khí cả một bầu trời xe đạp, quen nhau, thân nhau chỉ vì xe đạp. Dân Pháp, dân Bỉ, dân Anh, tứ xứ… nói tóm lại không còn quốc gia nữa, chỉ còn có một quốc gia là …quốc gia yêu xe đạp. Trong giới yêu xe đạp, dù có ủng hộ tay đua, dù mỗi người đều có gà nhà, nhưng không cãi nhau ỏm tỏi, không bênh gà nhà, nói tóm lại không chauvin lắm ! Dân yêu xe đạp, rất chịu chơi, gà mình thua, gà người khác thắng, vẫn vỗ tay cổ võ chấp nhận. Khác với dân yêu đá banh !. Những hiện tượng chauvin, ủng hộ gà nhà quá khích đánh lộn, thâm chí chém nhau chỉ nhìn thấy trong giới đá banh thôi – tôi muốn nói foot ball hay soccer ! Hiện tượng ấy không hề xảy ra trong các môn thể thao khác !!
Đi theo đoàn xe đạp Tour de France là cả một hành trình, cả một tổ chức như đã nói trên. Cách đây gần 10 năm, tôi được anh láng giềng Bác sĩ mời, vì vợ anh chán cái nghề theo ông chồng mỗi năm đóng cửa phòng mạch đi theo đoàn xe đạp. Bà theo chồng mỗi năm, từ 10 năm có lẻ, tuy mỗi năm, bà mỗi càm ràm suốt thời gian cuộc đua, tự thề là năm tới không đi nữa, nhưng năm tới vì thương chồng, chiều chồng vẫn phải lọt bẩy. Phải nói như vậy, nàng lọt bẩy vào cái đam mê của anh chồng mình, vì chẳng những không thích gì cái môn thể thao nầy, mà còn phải nấu ăn, rửa chén, hầu bạn ăn bạn nhậu qua đường vừa quen nhau, và …dọn dẹp cái Van Transporter VW thiếu tiện nghi – mà anh chàng Bác sĩ lập dị năm ấy, dù đủ khả năng sắm một chiếc xe Van tiện nghi hơn vẫn tiếp tục dùng chiếc VW để nhớ cái thuở ban đầu mình đồng da sắt, ngủ rừng ngủ bụi ấy !
Và cuối cùng năm ấy, nàng cương quyết đình công, phản đối, vì … sau nầy, khi đi về, tôi mới biết thêm, vì tôi khổ sở với anh bạn suốt kỳ đi chơi ấy – là ngoài cái việc phải nội trợ phục vụ đức quân phu của mình, âu đấy cũng là chuyện thường tình của Tạo hóa, nhiều khi – bà còn phải vực chàng về khi chàng quá say, và … lái xe đi đến chặng đường sau, vì anh chàng suốt năm làm bác sĩ, giữ mình, giữ thể, ăn uống dè dặt, hợp vệ sanh, giữ nghề. Thế nhưng… khi hè đến, cuộc vui đến, khi mùa xe đạp đến, là … chàng quên nghề Bác sĩ. Và anh chàng thả giàn, …và thả giàn quá độ, nên hể có dịp … là chàng say và …hết lái xe. Cũng may là đua xe đạp bao giờ khởi hành khá trưa, nên sáng hôm sau, chàng có thì giờ ngủ muộn, để dự phần ủng hộ và cứ thế, mỗi năm gần hai tuần, chàng đóng phòng mạch chạy theo Tour de France.
Năm ấy, vợ hắn làm reo, 10 năm phục vụ trong yên lặng, thầm kín, hôm ấy nàng nhứt định không là không, và còn muốn hưởng nguyên thời gian ấy được tự do thoải mái, không chông không con. Những năm trước hắn được cái phước là có ông bà mẹ vợ sẳn sàng rước hai đứa con để «hai vợ chồng tụi bây thoải mái với cái đam mê của tụi bây». Kỳ nầy Tarzan nỗi giận, gởi con cho mẹ, nàng chu du thiên hạ, độc thân. Thế là chàng chạy qua rủ tôi đi cùng, chẳng những rủ, mà còn mời bao ăn bao ở… dỉ nhiên phải xin phép bà vợ mình, cho đúng hệ thống quân giai, vì để bà vợ ở nhà với ba thằng cu tụi tui lúc ấy. Nhưng thằng Út cũng 10 tuổi rồi, bà xã tui chả thấy chi là cực khổ ! nên ký giấy phép ngay.
Anh chàng ta thuở nhỏ có một thời làm anh hùng ngựa sắt, PVS người viết cũng một thì amateur 'chơi' xe đạp, nhưng PVS chỉ thích đạp chung, có anh có tôi. Nhưng một Chúa Nhựt, cả bọn điên rồ rủ nhau đạp leo núi. Vùng Toulouse cũng chả núi non hiểm trở gì cho lắm, chỉ có cái thị trấn Revel, nằm ngay chơn núi Montagne Noire – Rặng Hắc Sơn, độ cao vào khoảng trên 200 mét cao (400 m tối đa) hơn Toulouse (150 mét tối đa) thôi, nhưng đường đi khá chập chùng, khi lên khi xuống không ngừng – tây nó dùng cái từ faux-plat, mặt bằng giả. Dân chơi xe đạp mới hiểu, nghĩa là mình tưởng nó phẳng, nó bằng, nhưng thực sự là nó dốc, sang số lung tung, không số nào vừa ý cả, mais il coupe les jambes, và cuối cùng đạp cứng giò, mờ con mắt. Nhưng với giấc mơ làm một Phượng Hoàng Lê Thành Cát vượt Đèo Hải Vân còn in trong ký ức, nên sáng sớm tinh sương, anh em ta phấn khởi lên đường – Lạ quá, tại sao phải dậy sớm ?Mãi tới ngày nay, với tuổi già, tôi vẫn còn cái thắc mắc là tại sao, dân Việt Nam ta lúc nào, cũng hể có sanh hoạt là phải bắt đầu từ sáng sớm tinh sương ? Thật là :
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương Cùng
Thầy Me dậy sớm…
(Nguyễn Nhược Pháp).
Dậy sớm, sửa soạn, bi đông, nước, kẹo, đường… hẹn nhau ở quán rượu trung tâm của Revel để ăn trưa. Chuyện dọc đường không dám kể bà con, vì thằng tui quá yếu, lúc nào cũng lẻo đẻo theo sau các bạn. Nhưng nhờ hẹn quán nên lay hoay trưa mình cũng đến. Dỉ nhiên anh em đã đến từ khuya rồi, có kẻ có thì giờ đi dạo thăm làng, cả có thằng còn ra hồ Revel lội nữa. Toulouse-Revel chỉ 60 cây số. Nhưng chiều về, chẳng ai chờ ai, mạnh ai nấy chạy, về sớm, nghỉ sớm, vì mai còn đi làm. Vì vậy, thằng tui lủi thủi đạp mình ên. Trời ơi đường về nó dài làm sao ? Về đến phòng cư xá, bạn bè không một thằng. Lại lủi thủi mình ên, cất xe, cuốn đồ nghề, hai cẳng rả rời, vọt bẻ, đói bụng, tủi thân…và từ đó tôi giải nghệ xe đạp, vỡ mộng Phượng Hoàng! Hôm sau tôi rao bán xe đạp và mua…một chiếc VéloSolex! để trả thù dân tộc.
Trở lại chuyện ông bạn Bác sĩ láng giềng. Chàng, còn hai năm nữa nghỉ hưu. Khi viết những giòng nầy, vợ chồng chàng đang sửa soạn đi núi Pyrennées để đón Tour de France vào núi. Từ sau lần đi với tôi về, năm sau, chàng mua một chiếc Van to hơn, cáu cạnh, tiện nghi hơn. Đến ngày hôm nay, chàng đã thay đổi ba chiếc khác nhau, mỗi chiếc mỗi tiện nghi, sang trọng hơn chiếc trước. Nhưng chiếc Transporter VW vẫn để trong garage trùm mền kỷ niệm. Và nàng ? sau năm ấy, nàng vẫn tiếp tục mỗi năm một lần chở chàng đi theo Tour de France ( phải nói chở hay đưa chàng đi mới đúng nghĩa). Nàng có thích, có yêu xe đạp hơn không ? Tôi không dám hỏi, mặc dù hằng tuần ít nhứt một lần, hai cặp vợ chồng tụi nầy gặp nhau, khi một ly rượu khi một tách càphê trong cái tình láng giềng với nhau. Nhưng cái chắc chắn là nàng rất yêu …Chàng.
Phương pháp Coué:
Ở Pháp, khi chúng ta đang ở trong những tình trạng bế tắc, chúng ta thường dùng từ "nên xài phương pháp Coué". Từ chuyện thường ngày, đến chuyện chánh trị đất nước, dân Pháp thường dùng méthode Coué. Tổng thống Hollande của nước Pháp ngày nay, biêt rằng khủng hoảng khó khăn, bế tắc, nhưng Tổng thống Hollande vẫn nói, vẫn tin tưởng rằng cuối năm 2013, tình hình sẽ ổn định, kinh tế sẽ phục hồi. Thất nghiệp đăng tăng Tổng thống vẫn tin tưởng việc làm sẽ phục hồi. Đó là phương pháp Coué. Người việt ta, nhứt là dân Nam kỳ tụi tui, thường xài phương pháp Coué một cách thông dụng, xài phương pháp mặc dù không biết tên. Chiều nay, ta chỉ còn đủ tiền ăn một bữa, ăn xong không biết ngày mai ra sao, nhưng vẫn ăn xả láng không dè xẻn, không lo lắng. Lo cho lắm tắm cũng ở truồng! [tục ngữ ta].
Méthode Coué – Phương Pháp Coué nói như vậy có vẽ không khoa học lắm. Phương Pháp nầy không biết chữa bịnh được không? nhưng với một tư tưởng vô tư, một tâm hồn bình thản bịnh có thể không dứt hẳn nhưng chắc chăn sẽ không nặng hơn.
Xin kề cùng quý vị một câu chuyện để nói vế cái lòng tin, cái bình thản, cái thả, cái vô tư có thể chữa bệnh. Câu chuyện Chiếc Lá Cuối Cùng. Chuyện một cô bé bị bịnh nan y, thuốc men bất lực. Ở bệnh viện, cô bé nằm cạnh một cửa sổ, cạnh cửa sổ không xa một cây đầy lá. Đầu mùa đông, lá cây bắt đầu rụng. Cố nhìn qua khung cửa sổ và đếm lá vàng rơi. Cô nói với cô Y tá, "chừng nào chiếc lá cuối cùng rụng, tôi sẽ từ giả cô". Lá của cây trước cửa sổ rụng dần dần, theo ngày, bé theo dõi và bắt đầu đếm, còn 20, còn 10 ….rồi còn lại 5 chiếc; hôm sau, 4, rồi 3, rồi 2, nhưng khi còn một chiếc, …chờ mãi, một ngày qua, hai ngày qua, ba ngày qua, nhưng chiếc lá cuối cùng không rụng, và cô bé chờ, và …lành bệnh, xuất viện. Sáu tháng trôi qua, khi chắc chắn rằng bệnh cô bé đã khỏi hẳn, cô bé trở lại thăm và cám ơn các cô Y tá bệnh viện. Khi ra về cô Bé nhận được một chiếc hộp gói giấy hoa rất đẹp các Y tá tặng. Mở ra: một chiếc lá vàng với ngay cuống một cây kim, các cô y tá đã dùng kim gắn chặt lá vào cành để lá không rụng. Nhờ lòng tin, sức phần đấu, cô Bé đã thắng bệnh.
Coué:
Coué tên thiệt là Émile Coué de La Châtaigneraie, sanh ngày 26 tháng 2 năm 1857 tại Troyes, mất ngày 2 tháng 7 1926 tại Nancy. Émile Coué là một dược sĩ và cũng là một mhà tâm lý học.
Phương pháp Coué do ông nghĩ ra, là một phương pháp chủ yếu trị bệnh bằng tinh thần, tự vận động để tự chữa lấy. Sau một thời gian học và tập sự tại một tiệm Dược tại Paris, ông tốt nghiệp năm ông 26 tuổi. Dưọc sĩ Coué mở tiệm Dược ngay tại Troyes. Khi hành nghề, ông thường có thói quen là mỗi khi phát thuốc cho khách, thường kèm theo những lời khuyên, khuyến khích. Và ông nhận xét rằng nếu bệnh nhơn có lòng tin vào thuốc, có lòng tin vào bác sĩ, dược sĩ là cho đúng thuốc, mát tay, thì chóng lành bịnh. Và từ từ ông tìm ra cái phản ứng mà đời sau gọi là phản ứng placebo – effet placebo. Lộng giả thành chân.
Sức mạnh của lòng tin có thể thay thế được liệu.
« ông, bà hãy uống thuốc nầy sẽ khỏi ngay, bắt đầu tuần sau, ông, bà sẽ cảm thầy khoẻ trở lại »… Và lần lần ông nỗi tiếng, thuốc ông bán là thần dược
Ông nghiên cứu, ghi ghép suốt những năm đầu nghề nghiệp rằng tự tin, tự chủ tinh thần và cả sự tưởng tượng đều có vai trò trong chương trình chữa trị. Coué bắt đầu có một ý niệm một phương pháp, dựng một quan niệm phương pháp trị liệu. Ông nghĩ rằng mỗi người bệnh, ngoài thân thể còn có tinh thần. Tinh thần vững, tinh thần mạnh có thể trị bệnh. Nếu chúng ta hướng tinh thần vào hướng tích cực, chúng ta sẽ giúp nhiều vào chương trình chữa trị. Ông nghĩ rằng nếu một người bệnh nghĩ rằng, tưởng tượng rằng mình sẽ lành bệnh, người bênh có thể lành bệnh.
Năm 1886, ông tìm gặp Bác sĩ Ambroise Auguste Liébeault, đang mở phòng mạch ở Nancy, chuyên chữa bệnh bằng thôi miên và rất thành công. Ông bèn học nghề và nghiên cứu thêm về tâm lý học. với Giáo sư Hippolyte Bernheim cũng của trường phái Nancy.
Năm 1901, ông cộng tác hẳn với trường phái Nancy, và ông đi đến kết luận rằng với ý chí, với tinh thần chúng ta có thể điều khiển được thể xác.
Năm 1913, cùng với học trò, Charles Baudoin, vừa tốt nghiệp cử nhơn Triết, ông soạn thảo cái phương pháp sau nầy nỗi tiếng mang tên ông. Cùng với Baudouin, người đệ tử đầu tiên, ông thành lập Trường Tâm lý thực dụng vùng Lorraine – École Lorraine de psychologie appliquée. Năm ấy ông phát hành cuốn sách Tự điều khiển bản thân bằng ý chí – La Maitrise de soi par l'autosuggestion. Thành công vượt bực, sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ quốc tế.
Từ đó, ông chu du thiên hạ, đi thuyết giảng nhiều nơi: Anh, Bỉ, Thụy sĩ. Huê kỳ năm 1923, tại New York ông gặt hái rất nhiều thành công và ngưởng mộ. Ông được Tổng thống Huê Kỳ đương thời là Tổng thông Calvin Coolidge mời vào nói chuyện tại Bạch Cung. Một cuốn film, một dỉa nhựa kể đời ông, thâu những lời giảng của ông. Những năm sau, mặc dù sức khỏe có phần suy giảm ông vẫn không ngừng tiếp tục những cuộc hành trình để quảng bá những lời khuyên và phương pháp của ông trên toàn âu châu, hay nhận gặp những người ái mộ càng ngày càng đông.
Ông là những nhà tiên phuông trong ngành Tâm lý học thực dụng Psychologie appliquée, và đã khai phá môn Tâm lý qua những hành động – Psychologie Comportementale. Cùng với nhiều nhà Tâm lý Học ông đã khai sanh ra ngành Tâm lý phân tách Psychologie analytique. Người đời gọi ông là Bác sĩ Coué – Docteur Coué. Có thể ông có bằng Tiến sĩ Tâm lý học ?
Émile Coué de la Chataigneraie, Docteur Coué mất ngày 2 tháng 7 năm 1926 vì bị viêm phổi, nhưng thật sự vì làm việc quá sức.
Hè 2013, kỷ niệm 100 năm Phương Pháp Coué
TS. Phan Văn Song
www.vietthuc.org