'Bỏ quên' trường tiểu học và 19 hộ dân giữa lòng hồ thủy điện

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

Trong khi hàng nghìn người đang gấp rút chuyển đến nơi ở mới để dự án thủy điện Đăkđrinh dâng nước phát điện vào tháng 8 thì 19 hộ dân và trường Tiểu học Ramanh vẫn nằm "ngoài qui hoạch" vì chưa có phương án di dời.

 

21-7-Anh-2-Thuy-dien-Dakdrinh-1374468736

Đến 31/8, công trình thủy điện Đăkđrinh tích nước, phát điện nhưng 19 hộ dân và trường Tiểu học vùng lòng hồ bị "bỏ quên" chưa được di dời. Ảnh: Trí Tín.

Theo kế hoạch, đến 31/8, Ban quản lý dự án thủy điện Đăkđrinh dâng nước lên đến 410m nên hiện tại hơn 421 hộ với hơn 1.300 người dân ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Konplong (Kon Tum) vùng lòng hồ đang gấp rút di dời đến vùng an toàn.

Trong khi đó, anh Đinh Văn Lanh (ngụ thôn Nước Lang, xã Sơn Dung) bày tỏ lo lắng khi gia đình anh và nhiều gia đình ở lại giữa vùng lòng hồ không thấy cơ quan chức năng hối thúc chuyển chỗ ở. "Tháng tới khi công trình thủy điện dâng nước thì cuộc sống của chúng tôi chẳng khác nào bị cô lập giữa hồ nước rộng lớn, phải chịu cảnh không đường đi, không điện, không nước sinh hoạt, con cái học hành chưa biết tính thế nào", anh Lanh than thở.

Ông Lê Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây lý giải, sở dĩ 19 hộ dân với 100 nhân khẩu (thuộc hai xã Sơn Dung và Sơn Long) vẫn còn nằm trong lòng hồ thủy điện vì họ không thuộc diện qui hoạch di dời, tái định cư. "Để di dời số hộ dân này ra khỏi lòng hồ thì cần một dự án tái định cư khác với số tiền hơn 20 tỷ đồng ngoài khả năng của huyện", ông Tùng nói.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của các hộ dân nói trên, Huyện ủy Sơn Tây đã đề nghị Ban quản lý dự án thủy điện Đăkđrinh xem xét hỗ trợ di dời khẩn cấp đến nơi ở an toàn trước mùa mưa lũ năm nay. "Do nằm ngoài qui hoạch tái định cư, Huyện ủy đã làm việc với Ban quản lý dự án thủy điện hỗ trợ di dời cho các hộ dân 9 triệu đồng/hộ (không hỗ trợ đền bù); đồng thời xem xét, bố trí mặt bằng tái định cư thời gian tới", Bí thư Huyện ủy Đinh Kà Để cho biết.

Không chỉ "bỏ quên" 19 hộ dân vùng lòng hồ ngoài qui hoạch tái định cư, hiện Ban quản lý dự án thủy điện Đăkđrinh và huyện Sơn Tây vẫn chưa tính toán di dời trường Tiểu học Ramanh, xã Sơn Long. Ông Phan Tấn Thanh, Hiệu phó trường Tiểu học Ramanh tỏ ra sốt ruột khi cho hay, mặc dù địa phương đã thông báo khi công trình thủy điện dâng nước hồ chứa đến cao trình 410m thì trường Tiểu học sẽ bị nhấn chìm đến nóc nhưng hiện tại ngôi trường này vẫn chưa có phương án di dời.

"Trường có 69 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, chưa đầy 3 tuần nữa là khai giảng năm học mới nhưng chúng tôi chưa nghe Ban quản lý dự án thủy điện bàn bạc gì về việc di dời trường. Ban giám hiệu nhà trường như ngồi trên đống lửa vì chưa biết tính sao", thầy Thanh nói.

21-7-Anh-1-Thuy-dien-Dakdrinh-1374468736

Khu tái định cư dự án thủy điện Đăkđrinh ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên, huyện miền núi Sơn Tây. Ảnh: Trí Tín.

Riêng trường Tiểu học Ramanh, xã Sơn Long, Bí thư huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để cho rằng, do trường nằm trên vùng ngập nước lòng hồ nên Ban quản lý dự án thủy điện Đăkđrinh không đưa vào phương án di dời, tái định cư.

"Tôi chưa nghe ngành giáo dục huyện và Ban quản lý dự án thủy điện Đăkđrinh đề cập gì về việc di dời trường Tiểu học này. Nếu trường nằm dưới cao trình ngập nước lòng hồ thì huyện sẽ đề nghị Ban quản lý dự án phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện khẩn trương tính toán di dời đảm bảo học tập cho con em vào năm học mới sắp tới", ông Để quả quyết.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Khuyến, Chủ tịch UBND xã Sơn Long xác nhận, chính quyền địa phương cũng không nghe Ban quản lý dự án thủy điện Đăkđrinh bàn bạc chuyện di dời trường Tiểu học Ramanh. Trong tình thế cấp bách cho năm học mới cận kề, xã dự tính đưa toàn bộ học sinh về học ghép ở trường Tiểu học ở trung tâm xã và ăn ở nội trú.

Tuy nhiên, lãnh đạo trường Tiểu học Ramanh cho rằng, phương án di dời này chỉ khả thi đối với học sinh lớp 4-5, còn học sinh ở lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 thì quá nhỏ không thể ở nội trú để học tập xa nhà đến 7 km với đường sá lầy lội, cách trở. Ngành giáo dục huyện Sơn Tây đang chuẩn bị phương án, trong tình thế cấp bách, nhiều khả năng năm học mới 69 học sinh của trường tiểu học Ramanh học tạm trong nhà dân.

Thủy điện Đăkđring khởi công vào tháng 1/2011, dự án nằm ở các xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Dung, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện KongPlong tỉnh Kon Tum. Nhà máy có công suất 125MW, tổng mức đầu tư 3.423 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tổ máy 1 sẽ phát điện vào tháng 9/2013 và đến tháng 12/2013 sẽ phát điện tổ máy 2. 
ĐV

Filed under: