Đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh : Thủ tướng Nhật lại thăm Đông Nam Á

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

abe

Mai Vân - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã rời Tokyo vào hôm nay 25/07/2013, để đến Malaysia trong vòng công du Đông Nam Á lần thứ ba từ ngày ông nhậm chức cách nay 7 tháng. Sau Malaysia, ông sẽ ghé Singapore và Philippines. Mục tiêu của ông Abe rất rõ : Tăng cường uy thế của Tokyo tại Đông Nam Á để hạn chế ảnh hưởng ngày càng nặng của Bắc Kinh, không chỉ về kinh tế, mà cả về quân sự, ngoại giao.

Đặt chân xuống Kuala Lumpur, Thủ tướng Nhật Bản đã hội đàm ngay với đồng nhiệm Malaysia Najib Razak. Phát  biểu trong một cuộc họp báo chung, ông Abe xác nhận là Tokyo đã đồng ý cung cấp cho đối tác công nghệ cần thiết để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc trị giá nhiều triệu đô la và một số cơ sở hạ tầng khác.

Tháng Hai vừa qua, Singapore và Malaysia đã loan báo kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt nối liền Singapore với thủ đô Malaysia, cho phép giảm một nửa thời gian đi lại xuống còn vỏn vẹn 90 phút, trên một đoạn đường dài khoảng 350 km.

Ngoài vấn đề kinh tế, hai ông Abe và Najib cũng cam kết sẽ hợp tác trong các lĩnh vực khác như tài chính và an ninh ở eo biển Malacca, tuyến đường thủy đi ngang qua Malaysia, Indonesia và Singapore từng là nơi cướp biển hoành hành.

Hơn 85% dầu thô của Nhật Bản nhập từ Trung Đông đi qua eo biển này. Các vụ cướp biển đã giảm đáng kể trong những năm gần đây kể từ khi các nước dọc theo tuyến hàng hải này tăng cường tuần tra.

Thủ tướng Nhật cũng xác định trở lại ý muốn phấn đấu cho « hòa bình và ổn định chung » và thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với vùng Đông Nam Á, một trọng tâm mới của Tokyo.

Tuyên bố với phóng viên báo chí trước lúc lên máy bay, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết : « Chúng tôi hy vọng tranh thủ được sự năng động của Đông Nam Á để khôi phục nền kinh tế Nhật Bản ». Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản mong muốn chiêu dụ tầng lớp trung lưu của một khu vực đang trỗi dậy, có tầm quan trọng chiến lược đối với các công ty Nhật Bản.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Toru Nishihama, một nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life ghi nhận là « chính phủ Nhật Bản đang rất tích cực » trong việc khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư vào Đông Nam Á.

Một ví dụ điển hình là chuyến công du Miến Điện của ông Abe vào tháng Năm vừa qua, cùng với 40 người đứng đầu doanh nghiệp Nhật Bản. Tại đấy, Thủ tướng Nhật đã công bố một kế hoạch viện trợ phát triển, bao gồm hàng trăm triệu đô la tài trợ không hoàn lại hay tín dụng ưu đãi để tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản. Ông Abe cũng hủy bỏ một khoản nợ 1,8 tỷ đô la.

Theo chuyên gia Nishihama : « Đầu tư vào Đông Nam Á đã trở nên hấp dẫn đối với các công ty Nhật Bản, nhờ vào các khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ Nhật ». Trong thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư ồ ạt vào khu vực Đông Nam Á, dần dần rời bỏ Trung Quốc bị họ coi là kém an toàn.

Theo hãng thống kê Dealogic, các công ty Nhật Bản đã bỏ ra ít nhất 8,2 tỷ đô la cho các thương vụ sáp nhập và mua lại trong năm 2013, một kỷ lục mới tính trong một năm, cho dù hiện nay mới là tháng Bảy.

Ngân hàng Mitsubishi UFJ chẳng hạn, đã loan báo việc mua lại 75% phần hùn của Ngân hàng đối tác Thái Lan Ayudhya với $ 5,6 tỷ đô la, trong khi Ngân hàng Sumitomo Mitsui cũng công bố ý định mua 40 % của Ngân hàng Indonesia PT Tabungan Pensiunan Nasional với giá 1,5 tỷ đô la.

Việt Nam dĩ nhiên cũng được quan tâm với việc Ngân hàng Mitsubishi UFJ gần đây đã đồng ý khoảng 743 triệu đô la để mua lại 20% phần hùn của Ngân hàng Việt Tín (VietinBank). Đây là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay vào lãnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Ngoài việc sáp nhập hay mua lại, các công ty Nhật Bản cũng đang đầu tư sản xuất.  Chỉ mới đây thôi, vào hôm qua, Toyota, tập đoàn chế tạo ô tô lớn nhất thế giới, đã loan báo việc dành khoảng 230 triệu đô la để xây dựng một nhà máy động cơ thứ hai ở Indonesia. Trong tháng ba, tập đoàn này cũng đã khánh thành một nhà máy lắp ráp xe hơi thứ hai tại quốc gia này, nơi mà ngưỡng một triệu xe bán ra (tất cả các thương hiệu) đã bị vượt qua vào năm ngoái.

Giải thích về làn sóng đầu tư kể trên, ông Nishihama cho biết : « Các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm các điểm đến khác hơn là Trung Quốc để đầu tư. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm hay mười năm tới đây ».

Quan hệ Trung-Nhật trở nên căng thẳng kể từ tháng 9 năm 2012, do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngoài biển Hoa Đông.  Các công ty Nhật Bản hiện diện rất đông đảo ở Trung Quốc, nhưng hiện đang lo ngại trước các rủi ro tiềm tàng, và không muốn tái đầu tư vào nước này, nhất là khi chi phí sản xuất không còn hấp dẫn so với trước đây.

Filed under: