Người Lính Cuối Cùng Của Một Trung Đội Chiến Đoàn 52 Bộ Binh

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

Trích từ tuyển tập "NHỮNG UẤT HẬN TRONG TRẬN CHIẾN MẤT NƯỚC 1975" của Phạm Huấn

Trên Phòng Tuyến Ngã Ba Dầu Giây

          "6 giờ chiều ngày 13-4-1975, sau 15 phút Cộng quân bắc loa kêu gọi đầu hàng tại Ngã Ba Dầu Giây, Long Khánh, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52 Bộ binh còn khoảng 50 tay súng, cùng bố trí sau những gốc cây cao su chờ giặc đến.  Tôi liếc nhìn Trung đội 3 của mình còn đúng 12 người.  Những đạn đại pháo, súng cối đủ loại của Bắc quân rót vào.  Tiếng lựu đạn nổ chát chúa, tiếng la thét hãi hùng, tiếng rên siết đau noun và rồi "tiếng hô sóng vỗ" của biển người.  Tôi gục xuống trên xác một bạn đồng đội, người đầy máu..."

         Đó là một trận chiến tồi tệ.  Một trận đánh bi thảm mà những người lính cuối cùng của Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52, Sư đoàn 18 Bộ binh phải chấp nhận, gánh chịu.  Chiến đấu không yểm trợ, không tản thương, không hy vọng, và trong trạng thái hoang mang, hỗn loạn đến thảm não.  Đứng lên một lần cuối cùng trực diện với quân thù, để rồi ngã xuống như những người khác, hay nếu có một may mắn nào đó, sẽ thoát được bàn tay tử thần ở trong họng súng của những kẻ xâm lăng, khát máu.  Đời lính, chết là chuyện thường tình.  Vấn đề chỉ là bao giờ đến lượt mình?  Trong chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến được coi là thảm khốc, dã man nhất của nhân loại từ 30 năm nay, đã có biết bao nhiêu những người lính của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, nếu được chết cách đây 2 năm, trước khi Hiệp định Ba Lê đầu hàng Cộng sản được ký kết, đó là một niềm hãnh diện, chết cho Đất Nước, chết cho sự tự do của những người khác.  Trong trận chiến cuối cùng năm 1975, với tôi, nếu bị chết, chỉ là một cái chết tức tưởi, oan khiên.  Tôi tiếp tục cầm súng chiến đấu vì cấp chỉ huy của tôi chưa bỏ chạy, và vì không muốn thấy 12 người lính còn lại dưới quyền khinh thường.  Do đó, bỗng nhiên tôi trở thành "người lính cuối cùng" của Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52, Sư doàn 18 Bộ binh!

         Đó cũng là điều thành thật nhất tôi muốn được nói ra, để giải thích một cách lương thiện rằng tôi không phải là một Trung đội Trưởng anh hùng.  Xin hãy dành từ ngữ anh hùng để vinh danh những chiến sĩ can đảm, xứng đáng khác của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

         Đầu tháng 4, 1975, sau khi các mặt trận Quân đoàn I và Quân đoàn II lần lượt tan vỡ, chiến tuyến Long Khánh được thiết lập ngày 8-4-1975 để chận sức tiến của các Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt trên đà đánh chiếm Sài Gòn.  Chiến đoàn 52 Bộ binh được lệnh rời bỏ tuyến đầu của Quân đoàn III, vùng Núi Đốt, phía Nam Định Quán, dọc theo Quốc lộ 20, đường đi Đà Lạt, di chuyển về Ngã Ba Dầu Giây.  Phòng tuyến mới của Sư đoàn 18 Bộ binh bây giờ bắt đầu từ Dầu Giây, dọc theo Quốc lộ 1, khoảng 18 cây số chiều dài, và 7 cây số chiều rộng (trên Quốc lộ 20, đoạn Ngã Ba Dầu Giây).

         Trước khi có lệnh co rút về phòng thủ tuyến Ngã Ba Dầu Giây, Chiến đoàn 52 với những Chi đội Thiết giáp tăng cường trong tuần lễ cuối cùng của tháng 3, 1975 lên thay thế vùng trách nhiệm của Trung đoàn 43 Bộ binh, trấn đóng phía Nam quận Định Quán, dọc theo Quốc lộ 20, "Tuyến đầu Tổ Quốc" trên đường lên Đà Lạt thơ mộng, thành phố của hoa anh đào và những chiếc "Alpha" mầu đỏ, trong những ngày cuối tháng 3, 1975, thật buồn thảm.  Từng đoàn người lếch thếch, lũ lượt gồng gánh đi xuống.  Ngược lên, kể cả những chiếc quân xa chạy vội vã, không có xe cộ nào vượt khỏi địa điểm đóng quân của Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52 Bộ binh.  Ban đêm từ Núi Đốt, đỉnh cao nhất, phía Tây Nam Định Quán khoảng 15 cây số, có thể quan sát thấy những xe tăng và những đoàn Molotova chở quân của Bắc Việt chạy khơi khơi trên Quốc lộ 20.  Bộ Chỉ huy Hành quân Chiến đoàn 52 xin phản lực lên đánh, nhưng chỉ thấy máy bay quan sát gởi tới bay lượn một hồi rồi bay luôn.

         Lần không yểm cuối cùng cho tuyến Núi Đốt, Định Quán, 2 trái bom 500 cân Anh rớt trúng xuống Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 43, khiến gần 200 thương vong.  Các Tiểu đoàn 2/43 và 1/52 là những Tiểu đoàn ưu tú, vũ bão nhất của Sư đoàn 18 Bộ binh.  Những đơn vị đã nổi danh với những chiến thắng lẫy lừng tại Chiến khu D, và vùng Bến Cát trong năm 1974.  Hai chiếc thiết giáp T-54 và PT-76 do Tiểu đoàn 1/52 "bắt sống" cách đây mấy tháng đã được lính Sư đoàn 18 chạy thẳng về Dinh Độc Lập, Sài Gòn để Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chiều chiều ... thưởng lãm.  Chính các đơn vị này làm cho những người lính của Sư đoàn 18 ngẩng mặt cao lên, quên đi cái mặc cảm là lính của "Sư đoàn 10 số bù" trước đây, đa số là "lính ma, lính kiểng" và được chỉ huy bởi một ông Tướng tham nhũng nhất quân đội thời đó.  Và "rửa mặt" cho Tướng Lê Minh Đảo, vị Tư lệnh cuối cùng và anh hùng của Sư đoàn 18 Bộ binh, dập tắt những lời tố cáo dựng đứng của những con buôn chính trị bất lương, đã nói rằng chức vụ này được mua với giá 20 triệu đồng, qua "đường giây Bà Thiệu"!

Vị Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2/43 là một sĩ quan thuộc binh chủng Mũ Nâu trước đây.  Ông nổi tiếng với lối đánh ào ạt, thần tốc trong đêm tối.  Ban ngày nhẩy vào vùng địch, nhưng chỉ là đánh "nhứ" để quan sát địa thế, và ước lượng tình hình, khả năng thật sự của địch, tối đến mới là đánh thật.  Và đã đánh đêm là phải thắng.  Đó cũng là quy luật của đơn vị này!  Hai trái bom 500 cân Anh thả lầm xuống Tiểu đoàn 2/43 là một đại bất hạnh, một thiệt hại lớn lao chung cho tất cả các đơn vị thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh.  Vị Tiểu đoàn Trưởng tài ba, anh hùng nếu còn sống, chắc chắn sẽ điên loạn; vì ông thương yêu chiến hữu, lo cho những người lính nhiều khi còn hơn cả cho bản thân ông!

         Chiến đoàn 52 Bộ binh về tới tuyến mới, Ngã Ba Dầu Giây tối ngày 8-4-1975, thì ngay sáng hôm sau, mặt trận Long Khánh đồng loạt bùng nổ cả 3 nơi:  Xuân Lộc, Ngã Ba Dầu Giây và vùng giáp ranh tỉnh Bình Tuy.

         Cả hai Sư đoàn 6 và 7 Chủ lực quân, các Trung đoàn Pháo thuộc Sư đoàn 75 Pháo binh Cộng sản Bắc Việt từ An Lộc kéo về, mở những cuộc tấn kích vào các vị trí của quân ta ngay giữa ban ngày.  Chiến thuật của chúng tại mỗi nơi vẫn là tiền pháo, hậu xung và phục kích chận viện.  Ngày đầu tiên, 10-3-1975, áp lực nặng nề nhất là Bắc Xuân Lộc và vùng núi Chứa Chan, nằm ở phía Đông Xuân Lộc chừng 12 cây số, gần với ranh giới tỉnh Bình Tuy.  Lực lượng bên ta, tại Xuân Lộc trong ngày đầu, ngoài những đơn vị Địa Phương quân của Tiểu khu Long Khánh, có Trung đoàn 43 và Trung đoàn 48 Bộ binh.  Trung đoàn 48 Bộ binh đang nghỉ dưỡng quân tại Long Bình, trước đó đã được lệnh tới tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc, và phòng tuyến phía Đông của thị trấn này.

         Cuộc chuyển quân thần tốc của Trung đoàn 48 Bộ binh cùng với tinh thần chiến đấu cao đọâ cuả đơn vị này, đã làm cho địch quân không thể tràn ngập được phòng tuyến phía Đông Xuân Lộc, vùng núi Chứa Chan trong ngày đầu như chúng đã dự định.

         Tuyến phòng thủ của Chiến đoàn 52 Bộ binh dọc theo Quốc lô 20, khoảng 6 cây số về phía Bắc, và 2 cây số về phiá Nam từ Ngã Ba Dầu Giây.  Khoảng từ Dầu Giây về Xuân Lộc trên Quốc lộ 1 chừng 10 cây số vẫn còn là một  trục lộ an toàn.  Bộ Chỉ huy Chiến đoàn, các Pháo đội đại bác 155 ly va 105 ly, các Chi đoàn M-41 và Thiết vận xa M-113 trấn đóng tại ấp Nguyễn Thái Học, cách Dầu Giây 3 cây số về phía Bắc.  Tiểu đoàn 3/52 đóng chốt trên núi Sóc Lu và những cao điểm khác, làm thành vòng đai ngoài cùng.  Phòng tuyến của Tiểu đoàn 1/52 ở phía Nam Dầu Giây chừng hơn một cây số.  Vùng đóng quân của Chiến đoàn 52 Bộ binh trong những ngày cuối, trừ Tiểu đoàn 3, có nhiệm vụ đóng tiền đồn, đóng chốt trên các đỉnh cao, phía Bắc và Đông Bắc của Dầu Giây, tất cả đều nằm trong những đồn điền cao su bát ngát.

         Chiều ngày 11-4-1975, Tiểu đoàn 2/52 được lệnh về tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc.  Vị sĩ quan Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2/52, Đại úy Uùt, với kinh nghiệm chiến trường, và nổi tiếng bén nhậy trong những ước tính đối với sự việc có thể xẩy ra, nên ông đã để lại dọc đường 2 Đại đội "ngủ đêm" trong vườn cao su.  Trận phục kích tuyệt vời của Tiểu đoàn 2/52 đêm 11-4-1975, tiêu diệt, đốt cháy cả một đoàn xe chở quân và chở đạn của Việt cộng tại ấùp Cái Răng cách Xuân Lộc 6 cây số về phiá Tây Bắc, đã là chiến thắng cuối cùng của Chiến đoàn 52, Sư đoàn 18 Bộ binh trước khi bị tan hàng!

NHỮNG NGƯỜI LÍNH BẤT HẠNH

         Đơn vị tôi thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 đóng tại ấp Nguyễn Thái Học, tuyến ngoài cùng của Chiến đoàn, mặt phía Nam Ngã Ba Dầu Giây.  Một đại đội, nhưng chỉ còn khoảng 50 người, quân số chưa được một nửa theo quân số lý thuyết.  Sĩ quan có đúng 2 người, một Trung úy Đại đội Trưởng, và tôi, chỉ huy Trung đội 3 với 12 tay súng.  Ngay đêm đầu tiên, sau những trận mưa pháo của Bắc quân, những đơn vị pháo binh của Sư đoàn 75 Pháo Cộng sản Bắc Việt từ An Lộc kéo về, "tuyến đầu" ở phía sau khu vực đóng quân của Chiến đoàn 52 Bộ binh đã co rút lại gần 1 cây số.  Chúng tôi lui về phòng thủ sát xã Dầu Giây và Quốc lộ 1.  Vẫn là những rừng cao su dầy đặc.

         Tôi nhìn những chiến hữu trong đơn vị, rồi nghĩ đến mình mà lòng thấy sót sa, đau đớn.  Trận chiến cuối cùng này đã vượt khỏi tầm tay của mọi người.  Không còn tin tưởng, hy vọng, hay tính toán gì được nữa.  Bị bao vây, nguy khốn, bị thương chờ chết, bắn hết đạn, hãy tự giải quyết lấy.  Những người gục xuống, đó là cách giải quyết tốt đẹp nhất cho chính họ, và cả những người còn sống.

         Pháo cuả địch rót vào chiến tuyến của ta giờ này qua giờ khác, ngày cũng như đêm.  Những đại đội, trung đội đóng chốt, đóng tiền đồn của Tiểu đoàn 3 trên núi Sóc Lu và những cao điểm phía Bắc Dầu Giây.  Khi còn sử dụng được máy móc liên lạc, họ gọi kêu cứu liên tục.  Các khẩu đại bác từ Bộ Chỉ huy Hành quâïn của Chiến đoàn bắn đi yểm trợ cầm chừng.  Cứ điểm nào sắp bị tràn ngập, nghe tiếng phản lực xé không gian bay tới, hay tiếng gầm thét của chiến xa ào ạt đến, đó là cứu tinh, là hy vọng, là mong ước cho sự sống được kéo dài thêm của những người lính bộ binh khốn khổ, bất hạnh.  Nhưng khi đã thấy một phản lực cơ nổ trên không trung, một chiến xa bốc cháy rồi thì niềm hy vọng và cuộc sống của họ tiêu tan, dẫy chết.

         Ngày thứ tư của trận chiến Xuân Lộc, Long Khánh, tuyến ngoài cùng của Chiến đoàn 52 Bộ binh tại mặt trận phía Tây Xuân Lộc, cả Tiểu đoàn 3 với quân số hơn 300 người, đóng trên các cao điểm phía Bắc Dầu Giây chừng 5 cây số, không còn liên lạc, vết tích gì nữa.  Họ đã chết thật tức tưởi, phi lý và trong uất hận, đau đớn.

         Trước khi vào lính, tôi không biết nhiều về đời sống quân đội.  Cuộc đời quân ngũ của tôi cũng thật ngắn ngủi, 2 năm, 2 tháng, 20 ngày.  Và tôi chỉ phục vụ tại một đơn vị, giữ một chức vụ duy nhất là Trung đội Trưởng Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52 Bộ binh.

         Tôi bị động viên theo học khóa Sĩ quan Trừ bị 2-73, dù thời gian đó Hiệp định Paris đã được ký kết.  Cũng trong thời gian này, tôi đã mất đi một người bạn thân nhất.  Đó là Chuẩn úy Lương Đức Hậu, người bạn học từ thuở nhỏ, cùng khóa 2-73 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, và cùng một đơn vị khi ra trường.

         Cái chết của Lương Đức Hậu đã làm tôi day dứt, đau đớn nhiều ngày, và hận thù những người đang lãnh đạo Đất Nước, chỉ huy cuộc chiến này.  Tại sao lại bắt chúng tôi, những người không thích đời sống quân đội phải vào lính, để thay thế những người yêu võ nghiệp, có khả năng chiến đấu, và cuộc đời họ đã gắn liền với trận mạc từ nhiều năm nay?  Cuối năm 1974, Tiểu đoàn của tôi toàn những sĩ quan "non choẹt" mới ra trường như tôi, giữ các chức vụ Trung đội Trưởng, Đại đội Phó, trong khi đó quân đội cho giải ngũ một số sĩ quan và hạ sĩ quan có kinh nghiệm chiến đấu, với một lý do rất mơ hồ là "lý do kỷ luậtï", khiến họ rất căm phẫn, bất mãn.

         Tôi nhớ cuối tháng 8 năm 1974, Hậu và tôi được tham dự "một trò chơi lớn".  Sau hào quang chiến thắng của Sư đoàn 18 "bắt sống"  được xe tăng của Việt cộng tại Bến Cát, vị Tư lệnh Quân đoàn lúc bấy giờ muốn chúng tôi "thừa thắng xông lên".  Oâng ra lệnh thẳng cho Đại tá Chiến đoàn Trưởng Chiến đoàn 52 thả Tiểu đoàn 1/52 vào giữa lòng Chiến khu D, "lùng và diệt" một Trung đoàn Việt cộng.  Rừng rậm và địa thế gai góc, hiểm trở, chỉ một đêm, chúng tôi bị địch pháo, thiệt hại hơn 100 người.  Lương Đức Hậu, Trung đội Trưởng Trung đội 1 chết tan xác cùng với hàng chục người lính thuộc trung đội anh, cách tôi chừng 20 thước.  Hậu chết khi tuổi lính mới được vừa 1 tuổi, và tuổi đời chưa tới 20.

 Cũng may trận đó vị Đại tá Chiến đoàn Trưởng, dù phải nghe lệnh của ông Tướng Tư lệnh Quân đoàn, nhưng biết trước chúng tôi sẽ "ôm đầu máu", nên đã tập trung sẵn những thiết giáp M-48 và một tiểu đoàn khác vào giải vây khi trận chiến xẩy ra.

         Những cảm nghĩ chân thành của tôi, có thể không đúng với những người cùng lứa tuổi, đã chọn võ nghiệp như cái nghề cao quý của mình.  Nhưng tôi tin rằng đó là tâm trạng chung của một số lớn sinh viên và học sinh, đã bị ném vào các quân trường, các trung tâm huấn luyện trong những năm sau cùng của chiến tranh Việt Nam.

         Tại một số quốc gia có chiến tranh, nhất là trong cuộc chiến đấu sinh tử với cộng sản để sống còn như Việt Nam Cộng Hòa, luật Tổng Động Viên là một đạo luật cần thiết va hợp lý.  Tuy nhiên, đạo luật này đã không đưọc thi hành một cách công bằng như ở các quốc gia khác.  Những người lãnh đạo Đất Nước, những tướng lãnh giữ những chức vụ quan trọng tại Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Quân Huấn, Nha Động Viên, v.v... chính là những người đã dung dưỡng, bao che cho con cháu, người thân, tạo ra sự bất công nhiều nhất.

         Thật đau lòng khi nhìn thấy những sự thật xẩy ra trước mắt.  Trước năm 1954, khi người Pháp còn chỉ huy cuộc chiến tại Đông Dương, Tướng De Lattre được bổ nhiệm làm Tổng Tư lệnh Quân đội Viễn chinh Pháp, và các lực lượng Việt-Miên-Lào năm 1950, thì đứa con trai duy nhất của ông là Trung uý Bernard De Lattre, đóng tại đền Non Nước, Ninh Bình.  Khi De Lattre sang Việt Nam, phương vị của Bernard vẫn không thay đổi, tiếp tục chiến đấu ngoài mặt trận, cho đến khi chết tại đó, vào tháng 5 năm 1951.

         Một tấm gương khác, khi Mỹ khởi sự ném bom Bắc Việt năm 1965, con trai của Đô đốc Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, Hải quân Thiếu tá McCain, là một trong những phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rớt tại Bắc Việt.

         Trong khi đó, suốt cuộc chiến 21 năm sau cùng tại Việt Nam, chắc chắn không thể tìm thấy bất cứ con một ông Tướng nào chiến đấu ngoài mặt trận.  Em trai bà Thủ tướng đến tuổi đi lính, ngay lập tức được "tuyển" để đi theo xách bóp cho bà chị.  Tất nhiên sự tuyển dụng này không qua một thủ tục nào, vì ông Thủ tướng còn là một đại tướng 4 sao, quyền uy coi như vô địch.  Con những ông tướng khác thì cứ gần đến tuổi động viên, đã bằng cách này, cách khác, được xuất ngoại du học.  Chung qui chỉ có những sinh viên, học sinh con nhà nghèo, và không thế lực, sẽ bị thi hành lệnh Tổng Động Viên một cách rất kỹ lưỡng.  Ngoài ra, vì không có tiền bạc để chạy chọt, chắc chắn không bao giờ họ được phục vụ tại những "chỗ ngon, chỗ bở" ở Sài Gòn hay các tỉnh.

         Điều đáng buồn hơn nũa là trước khi được gọi nhập ngũ, và khi học ở các quân trường, các trung tâm huấn luyện quân sự, họ không nhận được các tài liệu, hoặc sự giải thích một cách minh bạch, hợp lý của các cán bộ trong quân đội, đối với nhiệm vụ, quyền lợi và thời gian thi hành lệnh động viên.  Với cuộc chiến ác liệt trong những năm sau cùng, nhiều khi sau một trận giao tranh, một tiểu đoàn tác chiến, với quân số hành quân khoảng 400 người, có khi bị thiệt hại 1/3 hay nhiều hơn nữa.  Và trong trường hợp ấy, ít nhất 50 phần trăm sĩ quan trung đội trưởng, cấp chuẩn úy, thiếu úy bị hy sinh.

         Một bức hình chụp 9 người khi nhập học khóa 2/73 sĩ quan trừ bị Thủ Đức, hình như chỉ có tôi và một người nữa sống sót.

         Thật tình tôi đã không hiểu nổi, tại sao những người làm việc tại Nha Động Viên thời gian đó đã tiếp tục gọi nhập ngũ chúng tôi sau khi Hiệp định Ba Lê 27-1-1973 được ký kết?  Tôi không muốn nói đến cái "văn kiện đầu hàng" không có một chút xíu giá trị này, vì bọn cộng sản không bao giờ tôn trọng những điều chúng cam kết, và không bao giờ chúng thay đổi chính sách sắt máu, xâm lăng miền Nam bằng võ lực, nếu chưa nhuộm đỏ được miền Nam Việt Nam.

         Tôi chỉ muốn nói đến sự giải kết, bỏ chạy của người Mỹ khi ký hiệp định này với cộng sản Bắc Việt.  Vì vấn đề tù binh Mỹ, chắc chắn Mỹ sẽ ép Việt Nam Cộng Hòa trên nhiều lãnh vực, và tôn trọng những mật ước đối với cộng sản Bắc Việt.

         Sau Hiệp định Ba Lê 1973, viện trợ quân sự bị Mỹ cắt xuống rất nhiều.  Do đó, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải giảm bớt quân số, chiến cụ, phi cơ, và đạn dược sử dụng bị hạn chế.

         Để đối phó với vấn đề giảm bớt quân số, những giới chức quân sự cao cấp đã hành động để có biện pháp như thế nào?  Họ cho giải ngũ một số sĩ quan và hạ sĩ quan có kinh nghiệm chiến đấu, và cuộc đời họ hầu như đã gắn liền với trận mạc từ nhiều năm nay.  Những người này bị cho giải ngũ, vì lý do kỷ luật, và dù họ không muốn bị giải ngũ.  Trong khi đó, chúng tôi, những sĩ quan "non choẹt", ra trường mới được mấy tháng, nếu sống sót, được "đẩy" lên làm đại đội phó, hay đại đội trưởng, dù kinh nghiệm chỉ huy và chiến đấu chưa có bao nhiêu. Sự làm việc không có kế hoạch, chương trình của những cơ quan phụ trách về động viên và giải ngũ đã gây sựï oán hận cho rất nhiều người, và hủy hoại tiềm năng của Quốc Gia, của quân đội không ít, trong 2 năm chót, trước khi chiến tranh chấm dứt.

Ngày 8 tháng 4 năm 1975, khi trung đội của tôi lui về phòng thủ tại xã Dầu Giây, với quân số chiến đấu vỏn vẹn còn 12 người, đi nằm tiền đồn, bố trí chờ địch đến, hay tránh pháo kích, chúng tôi đều dàn hàng ngang, sau những gốc cao su.  Tôi cũng không còn khe khắt bắt anh em binh sĩ đào hố cá nhân như trước kia nữa.  Bởi vì, những hố đó cũng sẽ chẳng ích lợi gì khi Việt cộng tràn đến. Lúc tôi trúng mảnh pháo của địch, người đầy máu té xuống, tôi đã nghe thấy tiếng rên la trong đêm tối của Trung sĩ Hoan, người Trung đội Phó gan dạ, anh hùng.  Hoan người gốc Tầu vùng Chợ Lớn, lầm lì, ít nói, nhưng can đảm và tháo vát.  Trận đánh tại Bến Cát cách đây mấy tháng, khi tôi chỉ huy 2 khinh binh bò lên đánh lựu đạn vào một cái hầm có Việt cộng trú ẩn, một trái B-40 của địch "thổi" trúng, "chém" đứt đôi 2 người lính, Hạ sĩ Lê Sen và Binh nhất Hòa.  Tôi thoát chết trong gang tấc, nhờ Hoan kẹp khẩu đại liên vào đùi, đứng bắn che cho tôi bò ngược trở lại.

         Hạ sĩ Sen và Binh nhất Hòa đều là "những người lính bất hạnh" mà tôi thương mến họ.  Tôi gọi Sen là "người lính gương mẫu" và Hoà là "đứa bất hiếu".  Sen là người tằn tiện, mực thước, tiền lương hàng tháng thường dành dụm gởi về cho vợ con.  Còn Hòa ăn tiêu hoang phí, rượu chè, nhiều khi bà mẹ già chờ đầu tháng lên vùng hành quân xin tiền con, Hòa không có, phải trốn mẹ, bị tôi rầy la hoài.  Trận trước, Hạ sĩ Sen và Hòa đã ra đi.  Hôm nay đến lượt tôi và Hoan!  Hoan có người vợ trẻ mới cưới từ 2 tháng trước, định "dù" về Chợ Lớn thăm vợ, nhưng thấy trung đội chỉ còn có mình tôi là cấp chỉ huy, nên không nỡ bỏ đi.  Tự nhiên tôi mong ước Hoan sẽ thoát được bàn tay tử thần đêm nay để về thăm vợ anh, dù đó là lần cuối cùng!

         Tôi tỉnh dậy sáng hôm sau, một sĩ quan đã cho biết tôi được cứu sống nhờ 3 người lính thay nhau dìu về, những người lính của Trung đội 1, trung đội do cố Thiếu úy Lương Đức Hậu chỉ huy trước đây.  Còn 12 quân nhân trong Trung đội 3 của tôi vĩnh viễn ra đi, không một người nào về được.                   Ngày 14-4-1975, phòng tuyến của Chiến đoàn 52 Bộ binh co lại thêm nữa.  Đồng bào từ Đà Lạt, Lâm Đồng, Bình Tuy, Long Khánh... khắp nơi đổ tới Ngã Ba Dầu Giây để tìm đường về Sài Gòn.  Việt cộng nã pháo vào khắp các vị trí của quân ta ngay từ sáng sớm.  Đồng bào chiến nạn trở thành nạn nhân sau những trận mưa pháo của địch.  Tiếng kêu khóc thảm thiết.  Cảnh chết chóc, hỗn loạn dài hàng cây số trên Quốc lộ 20 và Quốc lộ 1 thật khủng khiếp, đau thương.

         Vị Tư lệnh mặt trận, Đại tá Chiến đoàn Trưởng Chiến đoàn 52 lồng lộn như một con hổ ở trong chuồng, ra lệnh tổ chức phòng tuyến cuối cùng, không lùi thêm nữa.  Nhưng cố gắng của ông và của những người lính Chiến đoàn 52 Bộ binh cũng chỉ giữ được phòng tuyến này thêm một ngày nữa, rồi tan hàng.

         9 giờ đêm 15-4-1975, đại bác cộng quân bắn sập hầm chỉ huy của Đại tá Chiến đoàn Trưởng, các hệ thống truyền tin, liên lạc bị hủy diệt, ông thoát chết nhờ đang ở bên ngoài.  Và lúc đó, ông mới quyết định cho mở đường máu rút lui về hướng Long Bình.  Tổng cộng chỉ có 200 người thoát về được đêm 15-4-1975.  Khoảng 1500 quân thuộc Chiến đoàn 52 Bộ binh bị thiệt hại, bị đánh tan tác trong 6 ngày cuối cùng tại mặt trận Dầu Giây, Long Khánh.

GHI CHÚ:  Viết theo lời tường thuật của Thiếu Úy Phạm Văn Trung, Trung đội Trưởng Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52, Sư đoàn 18 Bộ binh.

Toquocghion


Chút ít về Phạm Huấn: Trước năm 1975, ký giả Trung tá Phạm Huấn từng ở trong bộ biên tập tạp chí Diều Hâu và là chủ tịch Hội Phóng Viên Chiến Tranh Việt Nam. Ông cũng phục vụ trong tư cách thành viên Ban Liên Hiệp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên, đặc trách về báo chí sau khi Hiệp Định Ba-lê được ký kết vào năm 1973, và sau thực hiện chuyến đi Hà Nội về vấn đề trao trả tù binh các bên. Trong cuốn hồi ký "Một Ngày ở Hà Nội", ông viết về chuyến ra Hà Nội trong đợt giao trả tù binh giữa hai phía Hoa Kỳ và Bắc Việt vào năm 1973.

Ký giả Phạm Huấn tốt nghiệp Khóa 13 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt năm 1956 và Trường Đại Học Quân Sự năm 1963. Ông cũng từng theo học các trường quân sự tại Hoa Kỳ như Infantry School ở Fort Benning, Georgia năm 1958, Fort Gordon, Georgia năm 1962, và Special Warfare School tại Fort Braggs, North Carolina năm 1965. Bút ký Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975 của Phạm Huấn là một trong những quyển sách được bán chạy nhất tại hải ngoại.

Ký giả Phạm Huấn, một nhà báo quân đội kỳ cựu thời Việt Nam Cộng Hòa, đã qua đời ngày 21 tháng 10 năm 2005 tại San José, California, USA, hưởng thọ 68 tuổi, để lại nhiều tiếc thương trong làng báo người Việt hải ngoại.

Filed under: