‘Ðại gia’ chứng khoán bị tố lừa 3,900 tỉ đồng
Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012 by: Lý Tưởng Người ViệtSÀI GÒN (NV) - Nếu không có đơn tố giác, cựu cán bộ ngân hàng Thương Mại Công Thương Việt Nam (Vietinbank) Huỳnh Thị Huyền Như có thể nắm giữ chiếc ghế thành viên Hội Ðồng Quản Trị công ty chứng khoán Phương Ðông (ORS).
Thị trường chứng khoán Việt Nam chấn động vì tin nữ "đại gia" Huyền Như bị tố lừa 3,900 tỉ đồng, tương đương 195 triệu đô. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images) |
Người phụ nữ này nổi danh như cồn từ ba năm trước trong giới kinh doanh chứng khoán. Có người cho rằng trị giá chứng khoán mà bà Huyền Như nắm giữ lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Nhờ tiếng tăm vang dội, bà Huyền Như vay vốn của rất nhiều đại gia để kinh doanh. Chấp nhận trả lãi 5-7%/tháng và trả đúng hạn, bà Huyền Như khiến giới làm ăn nể "sát đất." Ðáng nể hơn, chủ nợ của bà Huyền Như toàn các ngân hàng thương mại. Giá trị các thương vụ giao dịch hàng tháng của bà không bao giờ dưới 200 tỉ đồng, tương đương 10 triệu đô.
Bà Huyền Như cũng như rất nhiều đại gia phất lên như diều nhờ vay vốn trả lãi cao để làm ăn, cuối cùng không thu hồi được vốn, không trả được lãi. Cuối cùng, bà lẩn quẩn trong tình cảnh vay nợ mới trả nợ cũ. Khi không vay nợ được nữa thì bà đành bỏ trốn.
Báo mạng VNExpress trích phúc trình của Bộ Công An cho hay đã hoàn tất hồ sơ khởi tố bà Huyền Như về tội lừa đảo tổng cộng 3,900 tỉ đồng, tương đương 195 triệu đô. Bà này còn bị công an tố làm giả 8 con dấu ngân hàng và 7 công ty để vay vốn chỉ trong vòng một năm, từ tháng 3 năm 2010 đến tháng 9 năm 2011.
Phúc trình này cho rằng bà Huyền Như có dính líu đến hàng loạt cán bộ lãnh đạo ngân hàng ACB như ông phó chủ tịch hội đồng sáng lập Nguyễn Ðức Kiên tức Kiên "đầu bạc;" Trần Xuân Giá-Chủ tịch; Lý Xuân Hải-tổng giám đốc; Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang đều là phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị.
Cũng theo phúc trình này, ông bầu Kiên đã chỉ thị 19 nhân viên ACB chuyển vào Vietinbank-chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh Sài Gòn khoảng 720 tỉ đồng, tương đương 36 triệu đô để cho bà Huyền Như, lúc đó là cán bộ Vietinbank, chiếm đoạt "trọn gói."
Hiện các ông Nguyễn Ðức Kiên, Lý Xuân Hải đã bị tống giam để tiếp tục điều tra về tội "cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và kinh doanh tài chính bất hợp pháp, lừa đảo. Ông cựu Bộ Trưởng Trần Xuân Giá (chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị ACB) cũng bị truy tố nhưng vì bệnh ung thư nghiêm trọng, được tại ngoại.
Vụ bắt giữ Nguyễn Ðức Kiên (phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng thương mại Á Châu-ACB) ngày 20 tháng 8, 2012 và Lý Xuân Hải bị bắt ngày 23 tháng 8, 2012 gây rúng động thị trường tài chính tại Việt Nam.
Các người có nhiều tiền gửi ở hệ thống ngân hàng thương mại hối hả rút tiền, sợ bị mất. Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đã phải bơm tới tấp khoảng 23 ngàn tỉ đồng, giúp các ngân hàng giải quyết thanh khoản, chi trả khách hàng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị vạ lây. Tin tức cho hay chỉ trong ba ngày từ 21 đến 23 tháng 8, các loại cổ phiếu, đặc biệt là của các ngân hàng dính líu tới tai tiếng, đã mất trị giá tổng cộng khoảng $5.6 tỉ USD.
Riêng tài sản chứng khoán của gia đình ông Nguyễn Ðức Kiên đã sụt mất 164 tỉ đồng (hay khoảng $8.2 triệu USD) chỉ trong mấy ngày này.
Từ bà Huỳnh Thị Huyền Như, các ông Nguyễn Ðức Kiên, Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá ở ACB đến những lình xình tai tiếng trong vụ thâu tóm ngân hàng Sacombank đang diễn ra là một phần của búi bòng bong thị trường tài chính Việt Nam mà chế độ Hà Nội đang bị các nhà tài trợ quốc tế thúc hối phải giải quyết gấp rút nếu không muốn rơi vào khủng hoảng.