Chủ tịch HÐQT Sacombank bị ‘đảo chánh’?

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

SÀI GÒN 23-11 (NV) - Ông Ðặng Văn Thành, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân Hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), vừa gửi đơn kêu cứu đi khắp nơi tố cáo những khuất tất, trái pháp luật của công an và hội đồng quản trị Sacombank đối với ông và các con ông.

DangVanThanh

Ông Ðặng Văn Thành khi còn là chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank, nơi ông và cả gia đình đã gây dựng trở thành ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam. (Hình: VNExpress)

Trong lá đơn kêu cứu gửi tới các cấp cầm đầu đảng và nhà nước CSVN đề ngày 9 tháng 11 năm 2012, ông Ðặng Văn Thành, 52 tuổi, mở ra cho thấy những gì được toàn bộ hệ thống báo đài nhà nước loan tải về chuyện từ chức chủ tịch HÐQT Sacombank và những gì liên quan đến các cuộc điều tra của Ngân Hàng Nhà Nước là không đúng sự thật.

Ông chỉ ký vào cái đơn "thôi chức" sau khi đã bị "đảo chánh".

Bức thư của ông Thành được báo Bảo Vệ Pháp Luật của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao phổ biến tóm tắt nội dung ngày 23 tháng 11, 2012 dù bức thư đề ngày gửi là 9 tháng 11, 2012 tức chỉ một tuần lễ sau khi có tin ông "thôi chức chủ tịch".

Theo nội dung tóm tắt của báo Bảo Vệ Pháp Luật thuật lại thì "Vào lúc 10 giờ sáng ngày 01 tháng 11 năm 2012, các thành viên trong gia đình ông gồm ông Thành, hai con Ðặng Hồng Anh và Ðặng Huỳnh Ức My (trừ vợ ông là Huỳnh Bích Ngọc bận đi công tác không đến được) đã được cơ quan CSÐT Bộ Công An (C46B) 'mời' đến trụ sở Bộ Công An phía Nam tại số 258 Nguyễn Trãi, quận 1, Sài Gòn".

Khi đến nơi "Ông Thành và hai con hoàn toàn bất ngờ và sửng sốt khi cơ quan CSÐT đề nghị các thành viên trong gia đình ông giải trình một số vấn đề: Quá trình điều hành hoạt động của các thành viên trong gia đình ông với tư cách là các thành viên lãnh đạo trong hội đồng quản trị của Sacombank; Việc mua bán tài sản của Sacombank với các đối tác khác của Sacombank; Làm rõ các khoản dư nợ của các công ty mà đoàn thanh tra đánh giá là gia đình ông có tham gia góp vốn. Trong khi, cha con ông không hề được cơ quan điều tra thông báo trước lý do phải giải trình".

Tức là, cha con ông không phải là nghi can bị bắt trong một vụ điều tra và cũng không phải là nhân chứng cho một vụ gì cả, nên hành động "mời" tới để thẩm vấn được hiểu là trái luật.

Ðiều mờ ám quan trọng ở đây, theo ông Thành được kể lại "Với ý thức tôn trọng pháp luật, ông Thành và các con đã tự nguyện ở lại từ 10 giờ sáng ngày 01 tháng 11, 2012 cho đến 17 giờ ngày 03 tháng 11 năm 2012, nghiêm túc trình bày những vấn đề được cơ quan điều tra mong muốn xác minh làm rõ. Tuy nhiên, trong quá trình ở lại và làm việc tại cơ quan điều tra, HÐQT Sacombank đã tổ chức họp và bãi miễn chức danh chủ tịch HÐQT do ông Thành đảm nhiệm mà không có sự tham gia của ông, sau đó ông Thành mới viết đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HÐQT Sacombank."

Rõ ràng, đây là sự dàn dựng hất cẳng ông khỏi HÐQT của Sacombank có sự toa rập của công an.

"...Bản thân vì quá sốc trước quá trình diễn biến tố tụng hết sức bất ngờ này, ông đã bị bệnh nặng phải cấp cứu tại bệnh viện Pháp-Việt, con ông là Ðặng Hồng Anh đã tiếp tục được mời lên làm việc tại cơ quan điều tra", báo Bảo Vệ Pháp Luật kể.

Trong lá thư, ông trình bày các diễn tiến từ hồi đầu năm các nhóm đầu tư từ các ngân hàng Phương Nam, ngân hàng Eximbank mua một lượng khá lớn lên hơn 51% cổ phần của Sacombank. Sau đó dẫn tới sự thay đổi HÐQT với một số thành viên mới đến từ các ngân hàng kia.

Chuyện không ngừng ở đó. Ðến tháng 7 thì Sacombank bị đoàn thanh tra của Ngân Hàng Nhà Nước đến "làm việc" với các nghi vấn gia đình ông bị cáo buộc "sai phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho Sacombank".

Ông cho rằng ông không hề nhận được bản dự thảo "kết luận thanh tra" và cũng không hề được mời giải trình gì tại cơ quan thanh tra.

Theo ông Thành, "Những vấn đề, nội dung, con số xác định thiệt hại mà hiện nay nhóm cổ đông lớn, ban lãnh đạo hiện hành của Sacombank đang quy buộc gia đình chúng tôi phải chịu trách nhiệm và cơ quan CSÐT đang làm rõ là chưa đảm bảo căn cứ, cơ sở pháp lý: Bởi các vấn đề liên quan đến SBS, các khoản nợ tín dụng tại Sacombank của các công ty bị coi là có liên quan đến gia đình chúng tôi, cũng như việc mua 'lợi thế thương mại' của công ty cổ phần thẩm định giá Thương Tín... là những vấn đề tồn đọng từ các quyết sách của HÐQT và ban điều hành cũ trước đây. Những vấn đề tồn đọng này đã được các nhóm cổ đông lớn ghi nhận tại các thỏa thuận, cam kết, nghị quyết đã nêu trên, cần được xem xét, tìm kiếm các giải pháp hợp tình, hợp lý, trong đó cần xem xét đến thời gian, bối cảnh, nguyên nhân, các yếu tố khách quan tác động đến các xác định bản chất sự việc..."

Những tin tức dồn dập trên hệ thống truyền thông nhà nước hồi đầu tháng 11 đưa ra hình ảnh không mấy đẹp và gián tiếp nêu nhiều nghi vấn về sự giàu có của gia đình cha con ông Thành.

Tờ Doanh Nhân Sài Gòn ngày 7 tháng 9, 2012 từng đặt nghi vấn về số tiền khổng lồ lấy ở đâu ra để thâu tóm ngân hàng Sacombank. Báo này thuật lời ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước trả lời chất vấn ở Quốc Hội trước đó rằng thống đốc NHNN "cam kết sẽ công khai trên trang web của NHNN kết quả để dư luận biết khi cuộc thanh tra kết thúc vào cuối tháng 8". Nay gần hết tháng 11 vẫn chưa thấy gì, chỉ thấy ông Ðặng Văn Thành bị đẩy ra khỏi Sacombank trong một cuộc đảo chánh với sự tiếp tay của công an.

DonDangVanThanh

Ðơn trình bày và nêu nguyện vọng khẩn thiết của ông Ðặng Văn Thành. (Hình: Bảo Vệ Pháp Luật)

Liệu cha con ông, đang nắm giữ khoảng 8% cổ phần Sacombank, có giữ được số tiền này hay không, hoặc sẽ mất hết cùng với tù tội?

Báo SGGP ngày 13 tháng 6, 2012 từng có bài phân tích cáo buộc các thủ đoạn "lách luật" để thâu tóm Sacombank nhờ các trò "sở hữu chéo" bị cấm ở các nước Tây phương nhưng ở Việt Nam thì không.

Filed under: