Nước Chúng Em Nhất Định Nghèo - Hoàng Ngọc Diệp
Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011 by: LTSA
Năm 1987, hơn 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc GDP của Việt Nam là 36,65 tỷ USD trong khi đó của Philippines thậm chí còn thấp hơn của Việt Nam với chỉ 33,19 tỷ USD. Ba năm sau tức vào năm 1990 GDP của ta chỉ còn 6,47 tỷ USD trong khi của Philippines là 44,31 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại thì Philippines đã vượt khá xa Việt Nam. Xuất phát điểm của Việt Nam tính từ năm 1987 hoàn toàn cao hơn Philippines vậy tại sao chúng ta bị tụt lại quá xa? Ta có thể loại bỏ yếu tố chiến tranh tàn phá vì thời gian này Việt Nam đang trên đường tiến lên XHCN, hoàn toàn không có chiến tranh.
Cũng theo tác giả Phan Đình Minh Hùng thì trong bối cảnh chúng ta đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, kinh tế tăng trưởng trung bình 7.26%/ năm trong 10 năm qua thì những câu nói như trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem là hơi lạ.
Tại sao"Lạ" ?:
Một đất nước anh hùng, một đất nước trải qua hai cuộc chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, sau 36 năm: “vẫn là nước nghèo”.
Một đất nước đỉnh cao trí tuệ, một đất nước với chỉ số IQ cao với vô số Tiến sĩ: “vẫn là nước nghèo”.
Một đất nước với rừng vàng biển bạc, con người cần cù, chăm chỉ, thông minh: “vẫn là nước nghèo”.
Và tại sao"Quen"?:
Nước ta là nước nghèo điều này ai cũng biết. Nhưng mỗi lần đem Việt Nam ra so sánh với các nước khác chúng ta thường nghe: Việt Nam chịu nhiều thiệt hại mất mát trong chiến tranh; đạt được những thành tựu như hiện tại là nhờ sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng và Nhà Nước
Nước Nghèo:
Trong khi ADB (Asian Development Bank) đưa chúng ta vào danh sách các nước có thu nhập trung bình thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại khăng khăng “Việt Nam vẫn là nước nghèo”. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng nếu nhìn vào các khoản vay ưu đãi nhận được hàng năm chúng ta có thể hiểu được tại sao Thủ tướng lại hạ thấp mình như vậy. Chịu nhục, chịu bắt bớ chịu tù đày cho sự phát triển của đất nước người ta gọi là kẻ sĩ. Còn cố chịu nhục để duy trì sự lãnh đạo, duy trì một nền kinh tế yếu kém, duy trì một nền hành chánh quan liêu và một xã hội đầy rẫy những bất công thì không biết nên gọi là gì.
Bài đọc suy gẫm: Nước Chúng Em Vẫn Nghèo - Hoàng Ngọc Diệp.
Lòng trắc ẩn và sự hổ thẹn: Hoàng Ngọc Diệp là một người Việt ở nước ngoài. Ông về Việt Nam sống và mong cống hiến tâm sức để xây dựng đất nước đã gần 20 năm nay. Đây là những dòng tâm sự về hiện tình đất nước mà ông viết cho con trai của mình trên facebook.
Chúng tôi thấy sự xác đáng, chân thành và đau đớn trong bài viết này. Xin giới thiệu đến quý độc giả mục Đối Thoại. Tiền Vệ.
LÒNG TRẮC ẨN VÀ SỰ HỔ THẸN
(Những tâm sự gửi đến các con ruột và con nuôi của bố)
Như những lần trước đây, ở những nơi chốn, diễn đàn khác, bố sẽ tâm sự và gửi gắm tới các con những gì bố ưu tư và đau buồn! Bố đưa lên diễn đàn này không những để các con đọc mà còn để các bạn trẻ khác của bố và của các con cũng chia sẻ. Nhân, con giúp bố dịch cho chị Amy của con nhé!
Một câu chuyện nhỏ về lòng trắc ẩn.
Vào các năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, bố có dịp cùng đi hoặc tổ chức đưa các phái đoàn cấp lãnh đạo nhà nước thăm và làm việc ở các nước trong khu vực. Có lần đến Hong Kong cùng một số vị bên Bộ Lao Động và Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, bố cố tình sắp xếp để sáng Chủ Nhật, ngày cuối của chuyến đi, đưa họ đi ăn sáng; để đến nhà hàng, mọi người phải đi bộ qua hai công viên nhỏ từ khách sạn.
Khi đi ngang qua hai công viên này, phái đoàn thấy lạ vì sao có quá nhiều phụ nữ da ngâm đen, như họ đến từ Việt Nam hay Philippines, đang tụ tập tại đó với nhau. Phái đoàn dừng lại chụp hình với những người này, hỏi ra thì quả là họ đến từ Philippines để làm người ở đợ (còn gọi một cách nhẹ nhàng là người giúp việc nhà) cho các gia đình tại Hong Kong.
Trong khi ăn sáng, bố kể cho phái đoàn biết hoàn cảnh của những người đi làm người giúp việc nhà này, bố cho biết họ may mắn hơn những phụ nữ Việt Nam đi làm người ở đợ tại các nước khác, vì Hong Kong, qua gần một thế kỷ dưới sự quản lý của Anh Quốc, đã xây dựng được hệ thống theo dõi và quản lý những người giúp việc tại Hong Kong; tất nhiên vẫn xảy ra một số vụ hành hạ và xâm phạm tình dục, nhưng ít hơn rất nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan. Bố còn cho họ biết, qua nghiên cứu của Hiệp Hội Bảo Vệ Phụ Nữ Thế Giới, thì hầu hết những phụ nữ này sẽ không thể tìm được một gia đình hạnh phúc nếu họ đi ra khỏi nước và trở về khi còn trẻ, và gia đình sẽ đổ vỡ chia ly, hoặc không thể lập gia đình nếu họ đi và về khi ở tuổi trên 30.
Sau đó bố hỏi họ một loạt câu hỏi như “Tại sao chúng ta xuất khẩu những người đi ở đợ mà báo chí ca ngợi các kỷ lục xuất khẩu lao động?, “Quý vị có sẵn sàng đưa chị em gái hay con gái của mình đi làm người giúp việc nhà tại Đài Loan không”, “Nhà nước và quý vị có thấy việc xuất khẩu phụ nữ Việt Nam đi ở đợ là một sự hổ thẹn của đất nước không?” v.v… mọi người đều tỏ ra rất buồn; vài người thì giận dữ với bố vì cho rằng bố không biết gì về hoàn cảnh đất nước và đã xúc phạm họ! Tất nhiên, bữa ăn sáng không còn vui, rồi mọi người ra về trong im lặng.
Mười mấy năm qua, số người đi xuất khẩu lao động theo diện này vẫn cứ tiếp tục, mặc dù những bài báo nói về chuyện này đã giảm, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch gì để bảo vệ cho họ; mặc dù như vậy, bố vẫn hằng mong nhà nước sớm xây dựng được các kế hoạch đào tạo và tìm công việc làm cho họ tại chính đất nước Việt Nam mình.
Cho đến nay bố vẫn cứ lo lắng, băn khoăn, thỉnh thoảng mất ngủ về những số phận này! Bố tin chắc trong mấy trăm ngàn người đang đi ở đợ, hay lao động chân tay cấp thấp nhất, ở nước ngoài, phải có những người bà con của bố và của các con trong số này!
Với bố, đây là một trong vô vàn điều trắc ẩn cần phải có trong mỗi công dân Việt Nam, từ cấp lãnh đạo cao nhất xuống tới ngay những người có số phận đen tối này! Các con có lòng trắc ẩn cho những số phận này hay những số phận khác còn đáng thương hơn nữa đang sống ngay tại đất nước mình không? Có đủ lòng trắc ẩn để chuyển nó thành năng lực để nhắc nhở, thúc đẩy các con phát triển và dấn thân mỗi ngày không? Các con phải luôn nhắc nhở bản thân mình nhé!
Một câu chuyện về sự hổ thẹn
Tại các thành phố lớn trên khắp nước, giờ đây, nơi nào cũng nhiều nhà lầu, nhiều chung cư trung bình hay cao cấp; hầu hết các công chức nhà nước từ cấp trưởng phòng trở lên, nhất là các cấp phó giám đốc sở trở lên, đều có nhà riêng, cho con đi du học nước ngoài, có vài cái nhà hay miếng đất thêm để làm của cho con. Trên đường phố thì đầy xe hơi các loại, trong đó có khá nhiều xe vô cùng đắt tiền, nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn, và vài thành phố lớn khác. Có luôn cả những chiếc xe mà chính các bạn nước ngoài của bố phải ngạc nhiên là người Việt Nam mình làm sao mua nổi, vì ngay cả chính họ, những doanh nhân triệu phú USD, cũng chưa dám nghĩ tới!
Mỗi ngày chi tiêu của rất nhiều “thiếu gia”, “trung gia” hay “đại gia” thường lên đến vài chục triệu đồng, nhưng hình như họ không phải làm gì vất vả hay nặng nhọc hết!
Quả thật đời sống của người dân nói chung ở chừng mức nào đó rất phát triển, nhất là so với thập niên 1980s hay đầu thập niên 1990s. Còn đời sống của các vị lãnh đạo cấp quốc gia thì khỏi phải bàn! Bố đã gặp nhiều trường hợp kinh lắm. Cái cách họ cho con đi học, cách mua sắm nhà cửa, xe hơi để phục vụ cho các con của họ ở nước ngoài, thì các gia đình trung lưu, và ngay cả thượng lưu từ các nước khác cũng gửi con đi du học cùng trường không thể nào sánh nổi!
Mặt khác, nhìn chung xã hội Việt Nam mình thì những người nghèo lại còn quá nhiều! Sự cách biệt giữa những gia đình giàu có, chức quyền và đại đa số người dân còn lại càng ngày càng xa! Chỉ cần một trong những chiếc xe hơi của một gia đình giàu có là dư sức để cho cả một đại gia đình nghèo đang sống trong cùng thành phố có thể có nhà ở và con cái được đi học cả đời! Các con có bao giờ thắc mắc về điều này không? Các con có nhìn thấy sự vô tâm hay vô tình và bất bình đẳng của tầng lớp cao, tầng lớp lãnh đạo, đối với đa số nhân dân không?
Điều làm cho bố hổ thẹn nhất, phẫn nộ nhất, đó là chuyện xảy ra cách đây vài ngày!
Khi có những dấu hiệu thế giới sẽ đưa Việt Nam mình ra khỏi danh sách các nước nghèo, thì ngay lập tức lãnh đạo nhà nước, ông Thủ tướng, đã phát biểu, giải thích với thế giới rằng “Việt Nam vẫn còn là nước nghèo”,[*] nhằm để thế giới tiếp tục giữ nước mình trong danh sách các nước nghèo.
Lý do là vì họ muốn vẫn tiếp tục được nhận viện trợ!
Vài hình ảnh các đại gia chơi siêu xe tại Việt Nam, nguồn internet.
Mỹ, Mễ, Mít...nói chung là cả nước trầm trồ khi thấy Rolls-Roice do một đại gia Việt làm chủ, hiên ngang, hồ hởi, tự hào lăn bánh trên đường phố Hà Nội ?