CSVN Tự Nhìn Nhận: Trung Ương Bất Tài
Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011 by: LTSA
Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ chỉ trích...
HANOI (VB) -- Đảng CSVN thú nhận rằng suy thoái về đạo đức phẩm chất đã lan rộng trong giới cán bộ đảng viên, kể cả trong cấp Trung ương, thiếu năng lực, trình độ và phẩm chất, và vì tiêu cực đã phổ biến, nên niềm tin của dân đốâi với Đảng CSVN bị giảm sút nghiêm trọng, trong khi đó, nội bộ Đảng CSVN bị phân hoá, bè phái, cục bộ, quan liêu.
Đặc biệt chú ý trong bài viết là lời đánh giá chưa biết điều gì sẽ xảy ra đối với Đảng ta.
Lời tiết lộ hiếm hoi này đăng trên báo Người Cao Tuổi, nằm trong bài bình luận nhan đề Đảng ta đông mà không mạnh của ông Nguyễn Đình Hương, được giới thiệu là Nguyên Uỷ viên TW Đảng, Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.
Bài viết của ông Hương trên tờ Người Cao Tuổi có những lời nói thẳng thắn về tình hình nội bộ Đảng CSVN, trích như sau:
Đảng ta đông mà không mạnh
Đại hội Đảng lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn ra nhiều vấn đề phức tạp, trong nước đã trải qua 25 năm đổi mới, tuy đạt được những thành tựu quan trọng đáng khích lệ, song còn nhiều thử thách phải vượt qua.
Công tác tổ chức và cán bộ đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, giữa tích cực và tiêu cực đang tác động đan xen, nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng thực trạng tình hình nội bộ Đảng thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra đối với Đảng ta...(...)
Hiện nay, Đảng ta đang đứng trước 3 thử thách.
1.Tình hình suy thoái về đạo đức phẩm chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngày càng sa sút nghiêm trọng, không chỉ là trường hợp cá biệt ở một địa phương, một ngành mà mang tính phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, cả địa phương và cả cấp Trung ương. Đảng ta đông mà không mạnh là như vậy.
2. Do tình hình tiêu cực trong nội bộ Đảng đang ngày càng diễn ra mang tính phổ biến, phức tạp, dẫn đến niềm tin của đảng viên chân chính và nhân dân đối với Đảng đang bị giảm sút nghiêm trọng.
3. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, kể cả trong đội ngũ cán bộ đương chức đang bị phân hoá, bè phái, cục bộ, quan liêu, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là: Do công tác sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ chủ chốt chưa được sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổ chức cấp trên đề bạt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn cả đức và tài vào cấp ủy, giao trọng trách lớn trong bộ máy quản lí Nhà nước, nhưng không tương xứng về năng lực, trình độ và phẩm chất, nhân cách...(...)
Bài học từ thực tế của các Đại hội Đảng trước đây cho thấy, việc chọn lựa cán bộ tham gia vào cấp uỷ phải bảo đảm thực sự dân chủ, lắng nghe tiếng nói nhiều chiều, kể cả những ý kiến của quần chúng, của cán bộ lão thành, tránh tình cảm cá nhân, áp đặt để đưa cả con, cháu mình không đủ tiêu chuẩn vào cấp uỷ (đứng đầu ở địa phương, ở ngành Trung ương), hình thành một bộ phận cán bộ nhu nhược không dám đấu tranh, không có chính kiến, kiến thức kém, năng lực yếu, thiếu trí tuệ, nói nhiều làm ít, lợi dụng chức quyền để vụ lợi, làm giàu cho cá nhân, gia đình, cho vợ con mình...(hết trích)
Cũng cần nhắc rằng, tuy từng nắm những chuưc vụ lớn trong Đảng, tiếng nói của ông Nguyễn Đình Hương không được lắng nghe bao nhiêu.
Trên tờ Tuần Việt Nam năm ngoáí, có ghi lời ông Hương bàn về việc nhân sự của Đại hội Đảng XI, và đòi hỏi phải bầu trực tiếp chức Tổng bí thư Đảng, hiểu ngầm là để khỏi xảy ra kiểu móc nối, sắp xếp, chia phần, nhưng kết quả là chẳng ai nghe lời ông.
Bản tin Vua Hùng sợ ngày giỗ của mình và đội ơn ông Nghị ở... Hà Nội lúc đó có ghi: Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban tổ chức Trung ương có ý kiến về việc Đại hội bầu trực tiếp Tổng bí thư: Dân chủ, không áp đặt, không cơ cấu vùng miền. Đây có lẽ là phương án tối ưu và đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn của nhân sự hiện nay.