Việt Nam đối mặt với áp lực phải cải thiện nhân quyền, tự do tôn giáo
Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho công bố phúc trình về tự do tôn giáo trên thế giới năm 2012. Trong phần liên quan tới Việt Nam, phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng mặc dù Hiến Pháp và luật pháp cũng như các chính sách của nhà nước Việt Nam đều có những điều khoản về quyền tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế, nhà nước Việt Nam quản lý và trong một số trường hợp, hạn chế quyền tự do tôn giáo.
Phúc trình này nhận định rằng chiều hướng đó không thay đổi đáng kể trong năm 2012, và đề cập tới những bản tin tường trình về những hành động vi phạm tự do tôn giáo, kể cả nhiều trường hợp bắt bớ, giam cầm và kết án.
Phúc trình này nêu lên một số vấn đề đặc biệt tại cấp tỉnh và làng xã, nơi một số nhóm tôn giáo bị khước từ, không cho đăng ký hoạt động.
Phúc trình về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại một số trường hợp về các hành động ngược đãi và kỳ thị dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng và hành đạo tại Việt Nam. Trong số những trường hợp được đề cập, có trường hợp nhà chức trách ở tỉnh An Giang và Đồng Tháp tiếp tục sách nhiễu các tín đồ của Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo, các vụ đàn áp nhóm của Mục sư Nguyễn Công Chính, Giáo Hội Lutheran, Đạo Cao Đài, Giáo xứ Cồn Dầu vv.. đồng thời nêu tên tuổi của một số người bị bắt giữ và tống giam chỉ vì đã hành sử quyền tự do tôn giáo.
Một số nhóm Ky tô giáo báo cáo các hành vi sách nhiễu hoặc cản trở khi họ tìm cách tổ chức thánh lễ.
Tuy vậy, phúc trình về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ghi nhận một số dấu hiệu tiến bộ, như cho phép một số giáo hội được đăng ký, các hoạt động từ thiện được nới rộng, và cho phép tổ chức những cuộc tụ họp tôn giáo lớn với hơn 100,000 người tham dự.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và lãnh sự quán tại Thành phố HCM vẫn duy trì đối thoại thường xuyên với các giới chức cấp cao và các giới chức khác của chính phủ để cổ vũ cho việc nới rộng quyền tự do tôn giáo.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng duy trì liên lạc thường xuyên với giới lãnh đạo tôn giáo, kể cả các nhà hoạt động tôn giáo đang bị nhà nước giám sát.
Phúc trình này còn cho biết là Bộ trưởng Ngoại giao, đại diện đặc trách tự do tôn giáo quốc tế và các giới chức cao cấp khác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu lên những quan ngại về tự do tôn giáo với các giới chức chính phủ Việt Nam và kêu gọi cải thiện quyền tự do tôn giáo.
Trong khi đó, một bài báo của Epoch Times số hôm qua với sự đóng góp của ký giả của hãng tin AP, cũng nhắc lại Ngày Nhân quyền Việt Nam vừa được tổ chức tại quốc hội Hoa Kỳ hôm 9 tháng Năm.
Bài báo nhận định rằng gần hai thập niên sau khi Tổng Thống Bill Clinton tuyên bố ngày 11 tháng Năm hàng năm là Ngày Nhân Quyền Việt Nam với hy vọng sẽ có thể giảm bớt chính sách đàn áp chính trị, quyền dân sự và tự do tôn giáo ở Việt Nam, bức tranh về nhân quyền của Việt Nam vẫn u ám, khiến nhiều nhà lập pháp Mỹ và các tổ chức bênh vực nhân quyền phải tăng sức ép với Việt Nam.
Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, con số những vụ bắt bớ và kết án những người bất đồng chính kiến, kể cả các lãnh đạo tôn giáo, các blogger và các công dân hoạt động chính trị đã tăng hàng năm liên tiếp trong 4 năm qua, bất chấp sự phát triển của nền kinh tế nội địa.
Bài báo nói với sự phát triển của các trang mạng xã hội, nhà chức trách Việt Nam đã đặc biệt nhắm mục tiêu vào giới blogger và nhà báo.
Hội Ân xá Quốc Tế tường trình về vụ bắt giữ 14 nhà hoạt động cổ vũ cho dân chủ về tội âm mưu lật đổ chính quyền, trong số này có 5 blogger đã tải những bài viết về quyền tự do ngôn luận.
Nguồn: Vietnam 2012 International Religious Freedom Report, Epoch Times