Việt Nam đối mặt với khủng hoảng nợ nước ngoài
Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtHÀ NỘI (NV) - Cách nay hai tuần, Bộ Tài chính của chính quyền CSVN loan báo, tính đến hết năm 2011, Việt Nam đang nợ nước ngoài (nợ công) 66,8 tỉ USD. Khoản nợ này tương đương 55% GDP và nằm trong ngưỡng an toàn.
Một ngôi trường ở Tây Bắc, Việt Nam. Nợ công tăng vừa nhanh, vừa cao nhưng đầu tư công cho giáo dục thì giảm. (Hình: Chương trình "Cơm có thịt". Đây là một nhóm từ thiện, chuyên quyên góp để giúp trẻ con miền núi không phải ăn cơm trắng với muối)
Thế nhưng tại hội thảo về chủ đề "Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và những vấn đề gợi mở đối với Việt Nam", mới diễn ra hôm 25 tháng 4 thì các chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ công của Việt Nam đã lên đến 128 tỉ USD, tương đương 106% GDP của năm 2011.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính quyền CSVN đã tìm mọi cách để che giấu nợ công. Trong khi thế giới có tiêu chí chung về cách tính nợ công với năm thành tố thì khi tính nợ công, Việt Nam loại đi hai thành tố, đó là nợ của doanh nghiệp nhà nước và khoản nhà nước vay từ quỹ hưu trí. Thành ra nợ công mà chính quyền CSVN loan báo chỉ bằng một nửa so với khoản nợ thực.
Một tiến sĩ kinh tế tên là Nguyễn Trọng Hậu, giảng viên của một đại học ở Ba Lan, còn lưu ý rằng, rất nhiều khoản nợ tư cũng có thể biến thành nợ công. Vào lúc này, có rất nhiều "đại gia" bất động sản vay nợ nước ngoài. Tuy đây không phải nợ công nhưng khi sự nghiệp của các "đại gia" lớn đến mức mà nếu nó đổ vỡ, sự đổ vỡ đó có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy nguy hại cho nền kinh tế thì Nhà nước sẽ phải đứng ra cứu và vì vậy, nợ công có thể "phình" lên rất nhanh.
Một chuyên viên kinh tế đang làm việc tại Vụ Tổng hợp thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, tên là Đinh Mai Long, xác nhận, trong 10 năm qua, nợ công của Việt Nam tăng đáng lo ngại và cơ cấu kém bền vững, bị tác động mạnh từ những cú sốc kinh tế thế giới, đặc biệt là các cú sốc tỉ giá. Gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ đang tăng với tốc độ chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.Ông Long còn tiết lộ thêm là trong vài năm gần đây, các khoản vay từ Trung Quốc đã tăng đến 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, tốc độ tăng nợ công ở mức 15%/năm sắp bằng tốc độ tăng từ thu ngân sách (khoảng 17%-21%), điều đó có nghĩa là vài ba năm tới nguồn tăng từ thu ngân sách sẽ chỉ đủ để bù vào chuyện trả nợ.
Giới chuyên gia kinh tế tỏ ra đặc biệt lo ngại khi nợ công rất cao, tăng rất nhanh nhưng hiệu quả của việc sử dụng các khoản nợ này lại rất thấp. Ông Nguyễn An Hà, làm việc tại Viện Nghiên cứu châu Âu, cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có một số đặc điểm giống với các quốc gia châu Âu có tỉ lệ nợ cao như: Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý khi lâm vào khủng hoảng nợ công. Đó là tăng trưởng GDP giảm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2007 đến nay, lạm phát luôn có xu hướng tăng mạnh, ... Do vậy, cần phải có giải pháp hợp lý trước khi quá muộn.
Giới chuyên gia kinh tế cùng cho rằng, khó khăn lớn nhất khi đề cập đến thực trạng nợ công của Việt Nam là thiếu số liệu và số liệu không đủ tin cậy. Trong khi các quốc gia cập nhật nợ công theo qúy thì Việt Nam mới chỉ công bố nợ công đến năm 2010 và ước tính nợ công của năm 2011. Theo họ, khi tính toán nợ công, nếu Việt Nam không theo các thông lệ quốc tế trong tính toán nợ công, không minh bạch, rõ ràng thì rất dễ gặp nguy hiểm.
Bảng so sánh nợ công do chính quyền CSVN công bố với nợ thực, tính toán theo thông lệ quốc tế. (Hình: Tuổi Trẻ)
Đáng lưu ý là dù nợ công tăng vọt trong vài năm qua nhưng đầu tư công dành cho nông nghiệp, giáo dục, y tế, trợ cấp xã hội vốn đã rất ít lại liên tục giảm. Tại một hội thảo nhằm đánh giá về hiệu quả đầu tư công, diễn ra cùng ngày với hội thảo về nợ công, các chuyên gia kinh tế cho biết, đầu tư công vào nông nghiệp, dù chỉ chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn từ 2006-2010, sang năm 2011 đã giảm xuống chỉ còn 5,6%.
Tương tự, đầu tư công cho giáo dục, trước đây dù chỉ chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư, sang năm 2011 đã giảm xuống chỉ còn 2,9%. Đầu tư công cho y tế và trợ cấp xã hội, dù chỉ chiếm 4,6% tổng vốn đầu tư, sang năm 2011 đã giảm xuống chỉ còn 4%. (G.Đ)