Thép Tàu Đổ Bộ Việt Nam Với Giá Rẻ, Nhiều Hãng Thép Việt Nam Có Cơ Sụp Đổ

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

sb76

Tin Hà Nội - Nhiều doanh nghiệp thép có nguy cơ phá sản, theo lời báo động của báo chí trong nước. Có nhiều lý do sụp tiệm, trong đó có lý do cạnh tranh không nổi với thép từ Trung Cộng ào ạt vào Việt Nam với giá rẻ. Hậu quả trong năm 2011 là công suất toàn ngành thép giảm tới 30%. Bản tin cho biết nhiều doanh nghiệp thép đang gặp khó khăn lớn do phải sản xuất cầm chừng, hàng tồn kho lớn, chấp nhận bán lỗ có nguy cơ phá sản cao. Lý do được giải thích là thị trường bất động sản đóng băng kéo theo ngành thép rơi vào khó khăn, dù vậy giá thép xây dựng không hề giảm mà lại có xu hướng tăng giá so với năm ngoái vì phụ thuộc nhập cảng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam thì mức tiêu thụ thép từ trong tháng 2 chỉ đạt 360 ngàn tấn, tăng khoảng 130 ngàn tấn so với tháng Giêng, nhưng giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo tiêu thụ trong những tháng tới vẫn ở mức thấp bởi các dự án đầu tư xây dựng cơ bản vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Do vậy lượng thép thành phẩm tồn kho đang ở mức cao gần 400 ngàn tấn, lượng phôi tồn kho trên 500 ngàn tấn. Vẫn theo dự báo của Hiệp hội này năm 2012 lượng tiêu thụ thép cả nước sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 4%, khoảng 9.8 triệu tấn.
Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp thép đang chấp nhận bán lỗ từ 15.4 đến 15.5 triệu đồng một tấn chưa tính thuế, trong khi giá thành sản xuất 1 tấn thép từ 15.8 đến 15.9 triệu đồng. Chưa kể còn phải phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập cảng giá rẻ của Trung Cộng. Bản tin cho biết mặc dù lượng thép tồn kho rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp phải nhập cảng đến 80% sắt thép phế liệu, gần 30% phôi, 100% thép cuộn cán nóng, gần 100% than cốc, than mỡ nên việc phụ thuộc lớn vào giá nguyên liệu của thị trường thế giới. Thêm vào đó, giá điện tăng, giá nguyên vật liệu tăng cao, lãi suất ngân hàng chưa giảm.
Cũng theo Hiệp hội thép Việt Nam, trong năm 2012, giá thép trên thị trường thế giới khó tăng cao do các nước nhập cảng nhiều như Mỹ và Tây Âu sẽ giảm nhập cảng khiến cho lượng thép của các nước xuất cảng lớn như Trung Cộng, Nam Hàn, Nhật Bản dư thừa. Do vậy giá các mặt hàng nguyên liệu như: quặng sắt, than mỡ, than cốc, thép phế, phôi thép cũng khó tiêu thụ được. Năm 2011, đã có hàng chục doanh nghiệp ngành thép phá sản và nhiều doanh nghiệp khác phải tạm ngừng sản xuất, làm giảm công suất của toàn ngành từ 25 đến 30%. Dự tính năm 2012, ngành thép chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 3 đến 4% so với năm 2011 và đây được xem là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành thép so với mức tăng trên 20% một năm trong 5 năm qua.

Filed under: