PHÁT SÚNG ÂN HUỆ CHO THẦN TƯỢNG HỒ CHÍ MINH CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011 by: LTSA


Để chuẩn bị cho đại hội đảng cộng sản khóa XI, Việtcộng đã ra sức đánh bóng lại ‘thần tượng’ Hồ Chí Minh, bắt toàn đảng, toàn dân phải học tập ‘đạo đức’, ‘tư tưởng’ của họ Hồ và chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong khi đó, một cuộc hội họp ở Hànội ngày 07/10/2010 của 20 đảng viên trí thức kỳ cựu, từng ở hàng lãnh đạo đảng, chính phủ, quân đội đã công khai góp ý với đảng rằng: “Đường lối kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin là sai lầm, giả dối, nguy hiểm…Kiên định Chủ Nghĩa Xã Hội cũng là sai lầm giả dối…đã thất bại phá sản hiển nhiên. Chủ Nghiã Xã Hội trước mắt và tương lai, gắn liền với Kinh Tế Thị Trường thì chưa ai hình dung ra sao, làm sao thực hiện được!? Đây là một quan niệm ảo tưởng viển vông, lừa dối, không khoa học”.Nhưng hầu như tất cả đều không đả động gì tới ông Hồ Chí Minh. Thế rồi đại hội XI của cộng đảng Việtnam vẫn kiên định chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội tại Việtnam.

Hiện nay, trước sự bừng lên phong trào chống Trungcộng xâm lăng trong quân đội và dân chúng, Việtcộng đã tung ra một luận điểm cho rằng: “Trungcộng đã không còn trung thành với chủ nghiã Mác-Lênin nữa, mà chỉ nêu lên chủ trương “Xã Hội Chủ Nghĩa đặc thù Trungquốc”. Nên Việtnam mới đề cao “Chủ Nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” trong nghị quyết nhằm khẳng định độc lập tính giữa 2 đảng và 2 dân tộc”. Nhưng thật là trớ trêu, ngày 15/04/11, trong buổi gặp giữa Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư Việtcộng với Quách Bá Hùng phó chủ tịch quân ủy trung ương Trungcộng, họ Quách đã đề cao chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong thông cáo viết: “Trungquốc và Việtnam sẽ luôn trân trọng tinh thần hữu nghị truyền thống giữa hai bên, được các cố lãnh đạo cộng sản Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác của hai nước ở các thế hệ sau vun đắp”.

Nói về cái gọi là ‘tư tưởng Hồ Chí Minh’ thì trong VIẾT CHO MẸ VÀ QUỐC HỘI của Nguyển Văn Trấn có đoạn: “Trong Báo Cáo Chính Trị của Hồ Chí Minh (ở đại hội đảng khóa II) có câu: “Về lý luận Đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam”. Nguyễn Văn Trấn phản ảnh riêng với Hồ Chí Minh: “Có đồng chí còn nói: Hay ta viết ‘tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh có phải hay không!”. Hồ Chí Minh vội vàng gạt phắt đi: “Không, tôi không có tư tưởng ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin”. Rõ ràng là họ Hồ đã thú nhận mình là người không có tư tưởng, và cũng không dám nhận đứng ngang hàng với Mao Trạch Đông, mà chỉ nhận: “Tôi chỉ có phương pháp để giải quyết thỏa đáng từng vấn đề của ta. Như tôi thường nói ‘lạt mềm buộc chặt’ đó là phương pháp cột cái gì đó của tôi. Mà cho đến phương pháp như vậy thì cũng do sự chỉ biểu của phương pháp biện chứng. Chớ còn tư tưởng là quan niệm về vũ trụ, về thế giới, về xã hội con người thì tôi chỉ là học trò của Mác, Angghen, Lênin, chớ làm gì tôi có tư tưởng ngoài triết học Mác”.

Đối với trật tự của quốc tế cộng sản thì Hồ Chí Minh tỏ ra cung kính là thế, nhưng đối với các đàn em và người Việtnam thì họ Hồ lại ra sức đánh bóng mình, kể cả việc công khai cầm nhầm tác phẩm của người khác. Dưới bút hiệu Trần Dân Tiên do Hồ Chí Minh viết, tự ca tụng mình, tự nhận là tác giả của tác phẩm BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP- Le procès de la colonisation Francaise, xuất bản năm 1925-1926 tại Paris Pháp, dưới bút hiệu Nguyễn Ái Quốc, vốn là 3 tác giả họ Nguyễn Yêu Nước cùng viết. Đó là các ông Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Đắc Lộc, trong nhóm Le Patriot của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường. Họ là trụ cột của tờ báo VIỆT NAM HỒN. Khi bút hiệu Nguyễn Ái Quốc được nhiều người biết tiếng, nhiều tổ chức yêu nước của các dân tộc thuộc điạ muốn gặp. Theo cụ Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc chủ nhiệm tờ tuần báo Tân Dân ở Saigon trước đây kể lại: “Vì không muốn để cho những người cốt cán bị mật thám Pháp theo rõi, cụ Phan Châu Trinh quyết định để cho Nguyễn Tất Thành, thợ chụp ảnh, nhận là Nguyễn Ái Quốc đi giao dịch”. Từ đó Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau này, mới có dịp bỏ hàng ngũ dân tộc chạy theo quốc tế cộng sản. Rồi vẫn cứ nhận mình là tác giả Nguyễn Ái Quốc của Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp.

Gần đây, trên các diễn đàn đã phổ biến rộng rãi một tài liệu video của INA – Viện Quốc Gia Pháp còn lưu trữ tài liệu âm thanh, hình ảnh về: Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn bằng tiếng Pháp, tháng 06/1964. Được ông Nguyễn Ngọc Quỳ khám phá ra vô số những lỗi sơ đẳng về văn phạm Pháp ngữ. Chỉ trả lời có 6 câu hỏi ngắn gọn, mà Hồ Chí Minh đã phạm 9 lỗi văn phạm. Ông Nguyễn Ngọc Quỳ đặt câu hỏi: “Làm sao với khả năng chừng đó mà có thể viết được cuốn Le procès de la colonisation francaise?”. Nhà văn Thụy Khuê đã sưu khảo cùng nội dung và kết luận là: “Hồ Chí Minh chưa đọc quyển Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp, nói gì đến là tác giả”. Thực ra, một người lang bạt giang hồ như Hồ Chí Minh, xuất thân từ bồi tàu, thợ chụp ảnh, học ngoài đường phố, học trong đấu tranh, học trong các lớp huấn luyện cán bộ cộng sản quốc tế, không xuất thân từ học đường, khoa bảng thì dù có thông minh cách mấy, cũng không thể viết được tác phẩm bằng tiếng Pháp, mà có thể chỉ nói được ‘tiếng bồi’, đúng với tầm mức như ông đã trả lời cuộc phỏng vấn sai văn phạm nêu trên .

Thế nhưng điều đáng nói ở đây, là các nhà trí thức, học giả, ký giả Pháp, và sau này, kể cả Mỹ nữa, đã từng tiếp xúc với Hồ Chí Minh lại cố tình quên đi cái quá khứ cộng sản đặc sệt của ông ta, mà cứ cột chặt ông ta vào với cái tên Nguyễn Ái Quốc, để rồi ca tụng ông ta là một ‘nhà ái quốc chân chính’. Phải chăng trong thời điểm chiến tranh lạnh, người Pháp không muốn nhận mình thua trước phong trào cộng sản quốc tế, mà chỉ nhận mình thua trước cuộc Kháng Chiến Dân Tộc của Việtnam do Hồ Chí Minh, một nhà ‘yêu nước’ lãnh đạo. Mặc dù, thực tế, khi Hồ Chí Minh được chia một nửa nước Việtnam đã triệt để áp dụng chủ nghĩa cộng sản tại Miền Bắc. Nhận lệnh Liênxô, Trungcộng thực thi cuộc Cải Cách Ruộng Đất, tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần, cơ cấu Làng Xã Tự Chủ truyền thống của dân tộc Việtnam. Rồi phân công ra, đích thân Hồ Chí Minh luồn cúi Tầucộng, Lê Duẩn làm đầy tớ Liênxô để nhận viện trợ tiến đánh Miền Nam Việtnam, trong khi Liênxô, Trungcộng đang ở thế chống nhau. Rồi phản chiến Mỹ cũng thổi ông Hồ lên tận mây xanh. Chính vì thế mà khi Mỹ bắt tay xong với Trungcộng. Chiến tranh Việtnam đối với Mỹ hết tác dụng. Khi đó Hồ Chí Minh đã chết. Việtcộng chiếm trọn Việtnam. Lê Duẩn cầm quyền, đương nhiên Việtnam lọt vào ảnh hưởng của Liênxô chống lại Trungcộng. Liênxô sụp đổ, bọn Việtcộng lại quay sang thần phục Tầucộng. Từ đó ‘thần tượng Hồ Chí Minh’ lại được phục hồi. Vậy, khi khám phá ra việc Hồ Chí Minh ‘chôm’ tác phẩm Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp, đúng là phát súng ân huệ cho ‘thần tượng Hồ Chí Minh’ của cộng sản Việtnam.

LÝ ĐẠI NGUYÊN – Little Saigòn ngày 19/04/2011.

Filed under: