Lại thêm một người chết trong đồn công an
Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011 by: LTSA
THỦ DẦU MỘT 25-4 (TH) - “Gia đình chị Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1976, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân) sửng sốt vì nghe tin anh Nguyễn Công Nhật, làm việc tại công ty TNHH Kumho, chuyên sản xuất lốp ô tô, đóng tại huyện Bến Cát đã chết tại nhà tạm giữ của công an huyện Bến Cát-Bình Dương.”
Bản tin báo Người Lao Ðộng hôm Thứ Hai 25 tháng 4, 2011 cho hay như vậy và thuật tin tiếp rằng “Chị Linh, là chị vợ của anh Nhật, cho biết công an huyện Bến Cát tạm giữ anh Nhật từ 4 ngày trước do liên quan đến vụ công ty anh bị mất trộm một khối lượng lớn lốp xe vào năm ngoái”.
Theo nguồn tin, buổi tối ngày 25 tháng 4 “cơ quan công an đã yêu cầu gia đình chị Linh ký vào biên bản để làm thủ tục khám nghiệm tử thi nhưng gia đình không đồng ý và yêu cầu một cơ quan khám nghiệm độc lập, khách quan. Gia đình chị Linh đã nhiều lần liên hệ bằng điện thoại với lãnh đạo công an huyện Bến Cát nhưng không được.”
Ông Nhật là nạn nhân thứ 5 bị công an đánh chết trong 4 tháng đầu năm nay, không kể những người bị họ đánh gãy tay, dập xương hay vỡ đầu. Riêng tháng 3 có 4 người dân đã bị công an đánh chết.
Trần Văn Dữ, cư dân thị trấn Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng, say rượu đánh mẹ nên bị công an bắt giam và tra tấn dã man hôm 30 tháng 3, 2011. Ðược thả ra vào buổi chiều tối cùng ngày thì ông này nằm chết gục ngay bên ngoài trụ sở công an thị xã.
Ngày 6 tháng 3 năm 2011, Nguyễn Lập Phương, 46 tuổi, chết ở trụ sở công an huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng, vì tội trộm mấy buồng cau của một khu công nghệ.
Ngày 8 tháng 3 năm 2011, Trịnh Xuân Tùng, 54 tuổi, chết ở bệnh viện Việt Ðức, Hà Nội vì bị trung tá công an Vũ Văn Ninh đánh gãy cổ ở bến xe Giáp Bát. Tội của ông này là cò kè đòi giảm số tiền phạt 150,000 đồng “không đội mũ bảo hiểm”.
Ðêm 14 sáng ngày 15 tháng 3 năm 2011, Ðặng Ngọc Trung, 48 tuổi, chết ở trụ sở công an xã Tiến Hưng, thị xã Ðồng Xoài khi bị lôi về đây sau một vụ “cự cãi, ẩu đả” với một cô gái ở quán karaoke trước nhà. Công an nói rằng ông Trung “thắt cổ tự tử” nhưng thân nhân của ông không tin và đòi giảo nghiệm tử thi. Nay không ai biết gì thêm.
Thống kê cho thấy hơn 20 người dân đã chết trong tay công an từ giữa năm 2007 đến nay. Trừ một hai vụ công an phạm tội được đem ra xử án với các bản án nhẹ, còn lại đều cho chìm xuồng.
Bản phúc trình nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thống kê năm 2010 có 9 người dân ở Việt Nam bị công an đánh hoặc bắn chết. Trong số những vụ này, chỉ có một tay trung úy công an đánh chết người ở Bắc Giang là bị kêu án 7 năm tù. Các vụ khác không hề được nói đến.