Nguyễn Tấn Dũng : Người cầm lái Việt Nam
Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011 by: LTSA
Thụy My - Có vẻ như ông Dũng đã thương lượng việc ngồi tiếp trên ghế thủ tướng, để đổi lấy việc ông Trương Tấn Sang làm chủ tịch nước. Việt Nam có tham vọng trở thành nước phát triển vào năm 2020. Và như vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng không thể nào tránh khỏi các cuộc cải cách khó khăn, như trong lãnh vực quốc doanh vốn nhiều nợ nần và thường bị khuấy động bởi các xì-căng-đan tham nhũng.
Tuần báo Le Courrier International trích dịch bài viết trên tờ báo Le Temps của Thụy Sĩ có tựa đề : « Nguyễn Tấn Dũng : Người cầm lái con tàu Việt Nam ». Bài viết được cây cọ David Browley của Úc minh họa bằng hình vẽ thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mặc bộ vét nhưng đội nón cối, phía sau là vịnh Hạ Long.
Bài báo mô tả lại khung cảnh Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11. Ngồi trên chủ tịch đoàn, dưới chân dung của Mác – Lênin, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, áo vét đen, cà-vạt đỏ, vỗ tay chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, tân tổng bí thư. Thế nhưng chính ông Dũng mới là người đại thắng trong Đại hội Đảng lần thứ 11, kết thúc vào ngày 19 tháng giêng. Tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của Đảng, ông Nguyễn Tấn Dũng đầy tham vọng, năm nay 61 tuổi, chắc chắn giữ được chiếc ghế thủ tướng trong năm năm tới, khi Quốc hội sẽ bỏ phiếu một cách tượng trưng vào tháng 5.
Khá tự nhiên với báo chí, người cựu chiến binh – theo như tiểu sử thì ông Nguyễn Tấn Dũng đi chiến đấu chống Mỹ từ năm 12 tuổi – đã là con người quyền uy nhất của chế độ. Phương pháp của ông ? Đó là đặt dấu ấn cá nhân cho quyền lực. Ông Benoît de Tréglodé, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại nhận xét : « Đây là một điểm mới trong đời sống chính trị Việt Nam, lâu nay vốn chú trọng sự kín đáo ».
Việc một con người được một số người đã tiếp xúc nhận xét là « nghiêm khắc », thậm chí « độc đoán », vẫn ngồi tiếp ghế thủ tướng cho thấy vai trò của tổng bí thư đã giảm sút. Một nhà báo viết cho một nhật báo lớn của Việt Nam nhận định : « Từ khoảng 10 năm nay, vai trò của thủ tướng ngày càng trở nên quan trọng hơn, vì nắm kinh tế ».
Thế mà mới hai tháng trước, tương lai của ông Dũng còn có vẻ mờ mịt. Thủ tướng đã phải tự kiểm điểm trước các đại biểu Quốc hội. Ông đã nghiêm túc nhận trách nhiệm về vụ Vinashin, một trong những tập đoàn quốc doanh lớn nhất đang ở trên bờ vực phá sản. Được một trong những người thân cận của ông Dũng điều hành, tập đoàn đóng tàu này đã nợ đến 3 tỉ đô la, tương đương gần 5% tổng sản phẩm nội địa cả nước. Đồng thời, ông Dũng còn bị liên lụy qua việc các đảng viên kỳ cựu đưa kiến nghị yêu cầu ngưng dự án khai thác bauxite do Trung Quốc đầu tư, mà ông Dũng đã phê duyệt. Trong cái thế bất lợi này, các nhà quan sát còn nhận ra những thủ đoạn của đối thủ ông Dũng là ông Trương Tấn Sang, người được trao chức chủ tịch nước, một chức vụ chỉ mang tính tượng trưng.
Trong kỳ đại hội Đảng trước đây vào năm 2006, hai nhân vật này, đều cùng tuổi và cùng là người miền Nam, đã từng đối đầu với nhau để giành chức người đứng đầu chính phủ. Theo ông Benoît de Tréglodé, thì « Lần này xem chừng ông Dũng đã thương lượng việc tiếp tục ngồi ghế thủ tướng, để đổi lấy việc ông Trương Tấn Sang làm chủ tịch nước ». Trong cuộc song đấu này, mỗi người đã thử nghiệm sức mạnh của mạng lưới mình.
Một nhà báo địa phương nhớ lại : « Hồi năm 2006 lúc mới được phong thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm dấy lên nhiều hy vọng ». Hình ảnh năng động của một vị thủ tướng trẻ tuổi nhất kể từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, hứa hẹn một sự hiện đại hóa. Nhưng người ta đã thất vọng.
Việc đàn áp chính trị vẫn tiếp diễn. Khoảng hai chục nhà ly khai đã bị bắt giam hoặc bị truy tố trong năm qua. Và mặc dù có tiếng là ưu ái các nhà đầu tư, ông Dũng vẫn không thành công trong việc kìm chế lạm phát, cũng như hãm lại đà rớt giá của đồng bạc Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ hai này, ông sẽ phải theo đuổi mục tiêu tỉ lệ tăng trưởng từ 7 đến 8%, và tăng tốc phát triển kinh tế. Việt Nam có tham vọng trở thành nước phát triển vào năm 2020. Và như vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng không thể nào tránh khỏi các cuộc cải cách khó khăn, như trong lãnh vực quốc doanh vốn nhiều nợ nần và thường bị khuấy động bởi các xì-căng-đan tham nhũng.