Hà Nội vẫn nín lặng vụ cựu thống đốc Ngân Hàng ăn hối lộ

Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011 by: LTSA




HÀ NỘI (TH) - Chế độ Hà Nội vẫn nín lặng dù báo chí Úc nêu đích danh ông Lê Ðức Thúy, đương kim chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc gia của Việt Nam, ăn hối lộ của công ty Securency để cho công ty này trúng thầu cung cấp dịch vụ in tiền giấy nhựa polymer cho Việt Nam.

Ngày Thứ Hai vừa qua, báo The Age ở bên Úc đăng tải bài viết nêu đích danh ông Lê Ðức Thúy, khi còn là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, đã cho con đi du học tại Ðại Học Durham, Anh Quốc, bằng một phần tiền mà Securency đã hối lộ qua công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) ở Hà Nội mà Lương Ngọc Anh làm tổng giám đốc.

Từ giữa năm 2009 đến nay, tin tức nói về chuyện công ty Securency (mà Ngân Hàng Quốc Gia Úc làm chủ một nửa) hối lộ cho quan chức Việt Nam chỉ nêu tên Lương Ngọc Anh là người đứng bình phong cầm tiền. Thỉnh thoảng một hai người khác, gồm cả con ông Thúy (Lê Ðức Minh, giám đốc công ty Banktech, công ty con của CFTD) cũng được nêu ra trong bài viết. Nay thì bài báo trên nêu đích danh ông Thúy hưởng một phần tiền “hoa hồng” kếch xù tới $15 triệu đô mà từ đó trả chi phí ăn học đại học cho con ông Thúy có thể lên đến cả trăm ngàn đô la.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài RFA hôm Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011, ký giả Nick McKenzie nói số tiền $15 triệu đô la trả cho Lương Ngọc Anh và công ty AFTD là tiền hoa hồng để cho Securency trúng thầu. Số tiền này được bỏ vào nhiều trương mục khác nhau ở nhiều nơi, kể cả Thụy Sĩ và Hongkong “để bôi trơn lấy được hợp đồng.” Ông nói đó vừa là tiền hoa hồng và tiền hối lộ, trong đó, ngoài ông Thúy, ông Anh, còn có phó giám đốc CFTD (Nguyễn Quang Nam) và Lê Ðức Minh cũng được chia phần.

Ký giả Nick McKenzie là một trong hai người viết loạt bài điều tra về chuyện Securency hối lộ các viên chức ngoại quốc để giành mối thầu in tiền giấy nhựa Polymer tại hơn hai chục nước trên thế giới. Ông đã nêu thắc mắc là tại sao đến nay, chưa thấy nhà cầm quyền Hà Nội điều tra.

Ông cũng cho biết Lương Ngọc Anh cũng là viên chức nhà nước (hiểu ngầm công ty CFTD mà ông làm tổng giám đốc chỉ là bình phong) cần phải điều tra cả bố, bố vợ, họ hàng, anh em gia đình của ông này vì họ có nhiều quan hệ và nằm ở nhiều ngành khác nhau, kể cả bộ Công An mà ông nói “nắm các chức vụ quan trọng.”

Trước khi bắt đầu tung ra loạt bài điều tra, McKenzie cho hay đã bỏ ra 6 tháng để liên lạc với Lương Ngọc Anh, các viên chức chính phủ Việt Nam, Tòa Ðại Sứ Việt Nam, thậm chí cả Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam để phỏng vấn nhưng không đâu cho ông một câu trả lời nào.

Cùng ngày với cuộc trả lời phỏng vấn của ký giả Nick McKenzie với đài RFA, báo Sài Gòn Tiếp Thị ở Sài Gòn có cuộc phỏng vấn ông Mai Quốc Bình, phó tổng Thanh Tra Chính Phủ kiêm cục trưởng Cục Phòng Chống Tham Nhũng của Thanh Tra Chính Phủ.

Khi được hỏi: “Cục Phòng Chống Tham Nhũng của Thanh Tra Chính Phủ có thể chủ động gửi công văn yêu cầu ông Lê Ðức Thúy giải trình vì việc này phù hợp với nhiệm vụ chức năng của cục?” Ông Bình trả lời là: “Chính phủ chưa giao việc nên mình chưa thể tham gia. Việc này không tự nhiên mà làm được, phải theo sự chỉ đạo của chính phủ.”

Khi được hỏi: “Nhưng theo ông, báo chí nước ngoài đăng như vậy mà cơ quan hữu quan trong nước không làm gì thì người dân có băn khoăn về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta không?” ông Bình đã trả lời là: “Dư luận người ta không chịu, nhưng cơ chế là như vậy.”

Filed under: