MÓN QUÀ TRONG NGÀY FATHER'S DAY - Ngô Minh Hằng
Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012 by: Lý Tưởng Người ViệtLời tác giả: Thông thường, trong thơ văn từ xưa đến nay người ta hay nói về Mẹ, viết cho Mẹ bằng tất cả ngôn ngữ người ta có được để cảm tạ và tôn vinh tình mẫu tử. Như thế, không có nghĩa là vị trí và tình cảm của người cha trong cuộc đời của người con không thiết tha và quan trọng bằng. Nhân dịp Father's Day, tôi xin mượn ý của một người bạn trẻ để viết đoản văn này tôn vinh những người cha VIỆT NAM trong những hoàn cảnh trớ trêu mà vẫn hoàn thành trách nhiệm.
************************************************************************
Từ văn phòng du lịch bước ra, Nguyễn cười rạng rỡ. Chàng huýt sáo vài nốt nhạc vui trong khi thò tay vào túi quần tìm chùm chìa khóa và tiến ra bãi đậu xe. Chợt thấy một hòn đá nhỏ trên lối đi, thuận chân, Nguyễn đá mạnh. Hòn đá văng ra xa kèm theo một âm thanh khô và ngắn. Nguyễn nhìn theo, mỉm cười. Nguyễn là thế, trầm tính nhưng khi vui, Nguyễn lại có những hành động vô thức và đôi khi vô nghĩa.
Nhận việc ở tiểu bang này đã được hơn bốn năm và chàng cưới vợ đã hai năm chẵn. Những năm còn độc thân thì chuyện về thăm ông Nghĩa, bố chàng, không có gì khó khăn. Đường bay dài năm tiếng, chỉ cần có một long weekend và lấy thêm một ngày kế tiếp là chàng bay về nhà. Nhưng từ ngày Bích có thai thì bác sĩ khuyên nàng nên ít di chuyển, nhất là đi xa, Nguyễn thương vợ, không đi một mình.
Không về thăm bố thường như trước, chàng nhớ bố và hai em lắm, mặc dù tuần nào cũng điện thoại hỏi thăm. Đợi khi bé Ngọc được ba tháng rưỡi, chàng xin phép nghỉ hai tuần để đưa vợ con về thăm bên nội. Tưởng tượng đến đôi mắt long lanh hạnh phúc của cha lần đầu ôm bé Ngọc vào lòng, chàng thương bố quá. Hai đứa em chàng, Đạt và Nguyện thi nhau kể trong điện thoại là, bố hay cầm hình bé Ngọc ngắm rồi khen là giống chàng. Khen chán, ông lại cầm tấm ảnh đưa ra hỏi:
- Bố nói thế có đúng không hở Đạt, hở Nguyện? Các con xem này, cu Ngọc nhà mình giống thằng anh mày như đúc. Nhìn nó, bố thấy ngay hình ảnh thằng Nguyễn hồi bé.
Và giọng ông lại ngậm ngùi:
- Tội nghiệp mẹ. Giá còn mẹ, được nhìn thằng cu Ngọc thế này, mẹ sẽ vui biết mấy!
Nguyên lại nhớ đến mẹ và kỷ niệm thời thơ ấu hiện về. Mẹ chết khi Nguyễn lên chín, Đạt lên bảy và Nguyện lên năm. Nguyễn còn nhớ khá nhiều về mẹ. Mẹ hay kể chuyện là mẹ sanh Nguyện vào những ngày đầu tháng Tư oan nghiệt. Bố thì biền biệt ngoài chiến trận không tin tức gì về và mẹ lúc nào cũng nguyện cầu nên khi sanh, mẹ đặt tên là Nguyện. Lệnh buông súng ban ra thì chiều hôm sau bố về trong bộ áo quần thương binh bụi bẩn. Lúc đó mẹ mới biết bố bị thương và nằm viện. Ngày 30/4, nghe lệnh đầu hàng, bố bỏ bịnh viện, tìm cách vừa quá giang vừa đi bộ từng chặng đường để về nhà. Không lâu sau bố đi cải tạo. Lúc ấy, mẹ còn trẻ lắm. Tội nghiệp mẹ, là con nhà giàu, chưa từng cực khổ, thế mà từ khi lấy bố, mẹ đảm đang tháo vác. Khi bố đi tù, mẹ phải đương đầu với trăm ngàn nỗi khó khăn. Mẹ đẹp. Vì đẹp và hiền hậu thật thà nên giữa đám sài lang càng thêm cho mẹ nhiều phiền toái. Vì chồng là sĩ quan ngụy, có tội với nhân dân, đang tù cải tạo nên bọn cán bộ phường, công an khu vực luôn tìm cớ đến nhà viện cớ là thăm và động viên tinh thần của mẹ. Sau một thời gian không đạt kết quả mong muốn, chúng kiếm chuyện làm khổ mẹ. Mẹ phải đưa các con về bên ngoại sống với các em để mong được yên thân.
Năm năm sau ngày bố đi tù, mẹ chết. Nguyễn còn nhớ, hôm ấy, sau mấy ngày vất vả nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn, mẹ đi thăm bố. Sáng sớm, mẹ đánh thức Nguyễn dậy, dặn dò Nguyễn là khi các em dậy, nhớ cho em ăn gói xôi mẹ để trên bàn và anh em cùng nhau đi học. Trong cơn mê ngủ, Nguyễn ậm ự dạ thưa nhưng không mở mắt ra nhìn mẹ. Đến ngày thứ năm vẫn không thấy mẹ về. Tối hôm ấy, công an khu vực đến cho hay là trên đường về, xe đò mẹ đang đi thì bị bể bánh, người tài xế không kềm nổi vì xe đi nhanh nên xe mất thăng bằng và đã lao xuống vực. Cậu mợ Tính vừa khóc vừa đi đem xác mẹ về. Anh em Nguyễn mỗi đứa được bác Kim, hàng xóm, quấn cho một chiếc khăn sô trắng trên đầu. Đạt và Nguyện thấy nhà kẻ ra người vào lại được ăn xôi và thịt gà sau khi cúng thì thích lắm. Riêng Nguyễn, hiểu biết chút ít về sự chết nên âm thầm đi theo quan tài mẹ. Nhìn chiếc quan tài bị đất phủ kín từ từ, với trí óc non nớt, Nguyễn cố gắng nhớ lại buổi sáng cuối cùng còn mẹ, Nguyễn cảm thấy tiếc là sao không tỉnh ngủ để ít ra cũng được nhìn mặt mẹ lần cuối. Nguyễn tự giận mãi mình.
Chôn mẹ xong, anh em Nguyễn sống trong sự đùm bọc của cậu mợ Tính và vài người hàng xóm tốt bụng. Hơn một năm sau ông Nghĩa được thả về. Bố chàng sống cảnh gà trống nuôi con từ đó. Bố vừa làm từ mẫu săn sóc các con như một người mẹ tận tụy nhất, vừa làm một người cha xông xáo không từ chối một việc gì để có thể kiếm ra tiền, miễn là lương thiện. Từ ngồi lề đường vá lốp, sửa xe đạp đến sửa nhà, đóng bàn ghế, kèm toán, kèm anh văn và dạy nhạc. Nhiều lúc cậu mợ Tính nhận tiền bố đưa phụ chi phí mà ái ngại.
Trong xóm, nhiều người thương tình cảnh bố, họ mai mối cô Ngoan cho bố nhưng bố chỉ cười buồn. Cô Ngoan, con gái út của bà cụ Chánh. Như tên gọi, rất ngoan. Cô chừng ngoài ba mươi tuổi, chưa lấy chồng. Cô có duyên, buôn bán giỏi và tốt bụng. Không biết cô Ngoan có để ý đến bố hay không nhưng Nguyễn thấy cô hay mua quà và dụng cụ học sinh cho anh em Nguyễn.
Một ngày vào dịp gần tết, bố nói với cậu mợ Tính là cho anh em Nguyễn đi về quê ăn tết với gia đình người bạn. Thế là do sự sắp xếp của gia đình người bạn và cơ may, sau một tuần lễ chiến đấu với hiểm nguy trên biển cả, ông Nghĩa đưa các con vượt biên đến miền đất tự do.
Những ngày đầu ở vùng đất mới Nguyễn chán nản và nhớ nhà vô kể. Nhớ nhất là bé Nga, bé Toản, con cậu mợ Tính, kế đến là thằng Hoàng, thằng Thịnh, bạn thân cùng lớp. Ông Nghĩa biết con nhớ nhà nhưng không an ủi được nhiều vì hơn thế, ông còn có nỗi đau của người vong quốc và trách nhiệm với bày con.
Hội bảo trợ thuê cho bố con Nguyễn một chung cư hai phòng ngủ. Họ đóng cho 4 tháng tiền nhà, đem cho một số nồi soong chén dĩa và quần áo giày vớ cũ. Họ tìm cho ông Nghĩa việc cắt giấy trong một nhà máy in và ghi danh cho anh em Nguyễn nhập học. Năm ấy, Nguyễn học lớp Tám, Đạt lớp Năm và Nguyện lẹt đẹt lớp Hai.
Mọi chuyện như thế cũng tạm yên. Trời tháng Hai, miền Đông Bắc lạnh lùng tuyết phủ. Không có xe, ông Nghĩa phải đón xe bus đi làm. Chặng đường dài khoảng sáu cây số nhưng mỗi sáng, ông phải đi với Đạt và Nguyện đến trường rồi mới yên lòng đến sở. Nguyện lên chín nhưng em bé nhỏ, yếu đuối, cho nên những khi tuyết cao ngập gối, em đi rất vất vả. Ông Nghĩa phải vai vác Nguyện, tay dắt Đạt. Nhìn bố thế, Nguyễn thương bố lắm, tuy chưa một lần Nguyễn nghe ông than thở mặc dầu có lúc Nguyễn thấy hạt tuyết tan hòa trong nước mắt của cha. Bác Thuận, người quen của bố, thấy tình cảnh bố quá vất vả, ngỏ ý làm mai cô em họ chồng chết khi vượt biên để nương nhau mà sống. Nghe bác nói thế, bố vẫn chỉ cười.
Mỗi tuần ông Nghĩa nghỉ có một ngày chủ nhật. Ngày nghỉ đó, ông làm đủ mọi việc của một bà mẹ đảm. Nào giặt đồ, đi chợ, mua đồ ăn, nấu cho các con những bữa cơm ngon. Nguyễn vừa phụ bố làm việc, vừa nói với bố những chuyện trường, chuyện lớp.
Một năm sau ông Nghĩa mua được chiếc xe hơi cũ nhưng khá tốt. Từ khi có xe, ông đỡ vất vả khi di chuyển. Mùa đông tuyết rơi, ông đưa con đi học bằng xe. Đạt thích đá banh, có xe, ông có thể chạy thẳng từ sở đến trường nên ít khi vắng mặt trong những buổi đá bóng của con như trước. Cuối tuần, ông chở con trên xe, bố con cùng đi chợ và đôi khi dù không rảnh, ông cũng tìm thời gian đưa các con đi chơi một vài giờ ở công viên.
Có phương tiện di chuyển, ông Nghĩa ghi danh lớp buổi tối để học thêm. Và trước sự thán phục của bày con và của những người bảo trợ, khi Nguyễn học xong năm thứ hai đại học thì bố chàng cũng lấy xong bằng cử nhân điện toán. Ông có việc làm tốt và đời sống của cha con chàng dễ chịu hơn từ đó.
Ông rất quý sự học. Nguyễn còn nhớ vì thấy bố vất vả quá, khi học xong lớp 12, Nguyễn bàn với ông là để cho Nguyễn đi làm phụ ông nuôi các em. Chưa bao giờ Nguyễn thấy cha giận mình nhiều thế. Ông la Nguyễn một trận và sau đó, ông ôm Nguyễn mà khóc, bắt Nguyễn hứa là không bao giờ có ý định bỏ học.
- Con không thể bỏ học. Con là con chim đầu đàn. Con phải làm gương cho các em. Bố tìm đường đem các con đến đây cũng vì tương lai của các con. Đời bố, ngoài các con ra, không còn gì đáng nói.
Ngừng một lúc, mắt ông rưng rưng và ông nói như tâm sự với chính mình:
- Hơn nữa, con biết đấy, vì sao mẹ con phải chết. Thời trai trẻ của bố qua rồi, bố chả còn làm gì được. Vậy con phải học để mai này còn hy vọng làm một cái gì đó cho mẹ, cho quê hương, cho dân tộc. Sẽ có một ngày quê hương mình không còn Cộng Sản và các con, măng sẽ thay tre. Các con phải làm việc ấy. Nơi này đâu phải đất nước mình và chúng ta không thể sống mãi ở đây. Bố đặt tất cả kỳ vọng vào các con, vào lớp trẻ. Tương lai xứ sở sau này như thế nào là do các con, do sự học và hiểu biết của các con. Lớn khôn thêm, con sẽ rõ hơn. Bây giờ bố chỉ nói thế, con có hiểu gì không?
Nghe bố nói, dù Nguyễn chẳng hiểu gì nhiều nhưng cũng gật gật đầu và mắt rưng rưng theo bố. Từ đó, Nguyễn chăm học hơn và luôn luôn nhắc nhở xem xét bài vở của các em. Nguyễn vẫn thầm cám ơn bố, nhờ noi gương bố mà anh em Nguyễn học hành đến nơi đến chốn.
Nguyễn nhớ mãi ngày sinh nhật thứ 20 của Nguyễn, Nguyện nướng xong chiếc bánh, chờ bố về để Nguyện đốt nến thì chuông điện thoại reo:
- Các con đó hả? Nguyễn đâu? Bố bận không về được. Nguyễn chở các em và đem bánh sinh nhật đến số 217, đường Walker, Washington Township gặp bố. Có cô Vạn ở đây. Bố có chuyện quan trọng cần cho các con hay.
Nguyễn chưa kịp hỏi lý do thì đường dây cắt.
Nguyễn nói lại cho các em nghe và hối Nguyện cho chiếc bánh vào hộp đem đi. Lạ, bố Nguyễn có bao giờ giấu bọn Nguyễn điều gì mà sao hôm nay, chuyện gì bí mật và quan trọng mà bố lại để dành mà nói trong ngày sinh nhật của chàng. Lại gọi điện thoại về bảo các con phải đến gặp ông ở một nơi khác. Nơi đó lại có cô Vạn. Một việc làm khác hẳn con người của ông thường nhật. Nguyễn biết bố chàng là một family man. Không khí đầm ấm của gia đình lúc nào cũng là nơi bố yêu thích nhất. Vì ở đó, có nguồn hạnh phúc tuyệt vời của bố là anh em Nguyễn. Thế mà, cái gì đã làm bố đổi thay....chắc là thế. Chỉ là chuyện cô Vạn đấy thôi. Cô Vạn làm việc cho công ty mua bán nhà đất đó mà. Lúc sau này cô hay gọi điện thoại cho bố lắm. Mà lại hay gọi vào buổi tối. Hai người có lúc nói chuyện thật lâu. Nguyễn cố hình dung lại khuôn mặt cô Vạn để xem chàng có tìm được chút thiện cảm nào với người đàn bà nước da bánh mật này không. Thực ra thì Nguyễn cũng nhiều lần nghĩ đến sự cô đơn của bố và có lần nhân chú Năng nhắc khéo là bố nên tìm một người mà làm bầu làm bạn, Nguyễn đã nhiệt liệt hoan nghinh ý kiến của chú Năng. Thấy Nguyễn hăng hái thế, bố âu yếm dùng tay ký nhẹ vào đầu Nguyễn rồi cười, không nói. Nhưng hôm nay thì có lẽ bố đã quyết định. Chàng nhớ là mấy tuần trước, bố có điện thoại cho cô Vạn hỏi thăm số điện thoại của người luật sư nào đó. Bây giờ Nguyễn mới nghĩ ra, chắc bố gọi luật sư để làm...hôn thú. Tuy biết rằng bố chưa già và góa bụa đã lâu, không ai có thể trách bố nếu bố đi thêm bước nữa, nhưng vì chuyện xảy đến bất ngờ và hình như bố không muốn anh em Nguyễn có ý kiến khiến Nguyễn thấy buồn buồn và nghe như mất mát....
Nguyễn vừa chạy xe, vừa suy nghĩ trong khi Đạt ồn ào:
- Em biết là sẽ có ngày này mà. Bố bí mật thế vì bố đã suy nghĩ kỹ và dĩ nhiên là bố chọn đúng người.
Nguyện nghi ngại:
- Thì vẫn biết là bố chọn không sai, nhưng nếu người ấy em không thích thì sao?
Đạt nửa đùa, nửa thật:
- Bố đã chọn thì không...thích cũng phải... thích!
Từ ngày khôn lớn, Nguyễn thấy hạnh phúc của cha tùy thuộc vào hạnh phúc của anh em Nguyễn. Nhưng lần này Nguyễn thấy không ổn. Nguyện có lý. Ừ nhỉ, nếu người bố chọn, anh em chàng không thích thì sao? Nghĩ thế , Nguyễn đâm lo sợ. Chàng lo lắng không khí gia đình mất vui đi.
Dò số xong, Nguyễn cho xe chạy vào nơi đậu xe trước cửa căn nhà 217. Đó là một căn nhà khá khang trang trong một miếng đất vừa phải có trồng hoa và sân cỏ xanh. Nhà hai tầng. Tầng dưới xây bằng gạch đỏ, tầng trên là gỗ, sơn trắng. Vừa ra khỏi xe Nguyễn đã thấy bố tươi cười đứng chờ ngoài hàng ba. Cô Vạn đứng bên cạnh bố, cũng cười. Nụ cười rạng rỡ. Hai người có vẻ hạnh phúc và trông thật thật đẹp đôi. Cô mặc chiếc áo thun màu kem và quần tây màu cà phê nhạt trông cô trẻ và xinh hẳn ra. Sau thủ tục chào hỏi xã giao, đợi cho Nguyện và Đạt khệ nệ bưng khay bánh cùng các thứ lỉnh kỉnh vào hẳn trong nhà và khép cửa lại, ông Nghĩa vui vẻ:
- Trước hết, các con cắt bánh mừng sinh nhật anh Nguyễn đi và mời cô Vạn cùng vui với mình đi chứ.
Nguyện mồi cây nến nhỏ cắm trên mặt bánh, đem lại để trên bàn trước mặt Nguyễn và bắt đầu hát. Mọi người cất tiếng hát theo:
- Happy Birthday to you.... Happy Birthday....
Nguyễn thổi nến, cắt bánh đưa miếng đầu tiên mời bố. Bố cầm nhưng đưa mời cô Vạn. Cô Vạn đón lấy miếng bánh, cười thật vui:
- Cám ơn anh. Mừng sinh nhật Nguyễn.
Ba anh em Nguyễn vừa ăn bánh, vừa kín đáo nhìn nhau, ngầm bảo nhau là điều mình đoán đúng.
Ông Nghĩa dường như đoán được ý nghĩ của các con. Và không để bọn Nguyễn chờ đợi lâu, ông nhấp một miếng nước ngọt, giọng vui vẻ:
- Bố dành cho các con một bất ngờ trong ngày sinh nhật của Nguyễn đấy mà. Các con có thích căn nhà này không? Bố nhờ cô Vạn thương lượng cả tháng nay và vừa mua xong chiều hôm qua. Cuối tuần này, chúng ta dọn nhà. Chủ cũ dọn đi xa nên cô Vạn mua giùm đồ đạc bàn ghế giá thật rẻ. Nhà có năm phòng ngủ. Các con và bố mỗi người có một phòng. Còn một phòng, nếu các con không làm gì thì bố sẽ dùng làm phòng đọc sách.
Ba anh em Nguyễn tròn mắt nhìn nhau. Làm như không để ý đến sự ngạc nhiên của các con, quay sang cô Vạn, ông tiếp:
- Cả tháng nay cô Vạn vất vả với chúng tôi quá. Cám ơn cô. Kìa, mời cô uống thêm đi chứ.
Bố rót thêm nước ngọt mời cô Vạn trong khi Anh em Nguyễn vẫn nhìn nhau không nói được gì. Lần này thì không còn kín đáo mà là nhìn nhau biểu lộ sự ngạc nhiên tột độ. Một sự ngạc nhiên và hết sức bất ngờ.
Cô Vạn vui vẻ nhìn anh em Nguyễn rồi quay sang ông Nghĩa. Cô lại cười :
- Em phải cảm ơn anh mới đúng chứ, anh Nghĩa. Nghề của em mà. Anh và các cháu vui là em vui. Chúc anh và các cháu may mắn với căn nhà này nhé. À, cô có chút quà sinh nhật cho Nguyễn.
Cô Vạn thong thả lấy trong giỏ một hộp qùa, gói giấy xanh, thắt nơ vàng đưa cho Nguyễn. Chờ Nguyễn mở quà và cảm ơn cô xong, cô kiếu từ. Cô chào cả nhà, cười nháy mắt với Nguyện rồi quay lưng hướng về phía cửa. Nguyễn đứng ngẩn ngơ. Bố tiễn cô Vạn ra tận cửa. Khi bố vừa bước vào thì Nguyện nhảy lại ôm cổ bố:
- Con không chịu. Bố không công bằng. Bố mua nhà mà không cho chúng con có ý kiến. Làm chúng con tưởng bố giới thiệu má nhỏ chứ...
Ông Nghĩa cười trêu:
- Thế nhỡ bố giới thiệu má nhỏ thật thì Nguyện làm gì?
- Thì ...thì ...bố phải đưa đơn của applicants cho Nguyện chọn trước cơ.
oo0oo
Nguyễn vừa bước vào nhà đã khoe với vợ:
- Anh lấy vé rồi em. Chúng mình về một ngày trước ngày Fathers' Day em ạ. Như vậy, bố sẽ vui lắm em nhỉ. Con đâu?
Bích đang xếp đống quần áo cho con, ngừng tay lại cười với chồng. Nàng đưa một ngón tay lên miệng ra dấu cho anh:
- Suỵt. Có vé rồi hả anh? Nhưng anh nói nho nhỏ chứ. Con vừa ngủ.
Nguyễn hôn nhẹ lên má vợ rồi đi thẳng vào phòng bé Ngọc. Ðứa bé mũm mĩm hồng hào đẹp như thiên thần đang nằm ngủ thật bình yên. Đứng trên đầu giường ngắm con, lòng Nguyễn tràn đầy hạnh phúc. Chàng nhớ lại khi nhìn Bích đau đớn quằn quại trong phòng sanh mà xót xa thương vợ. Nhớ lại niềm vui rộn ràng và hồi hộp khi nghe tiếng con khóc đầu tiên và cảm giác hạnh phúc vô biên khi ôm con lần đầu. Chàng lại nghĩ đến những đêm thiếu ngủ để phụ Bích dỗ con. Những lần chia với Bích nỗi âu lo khi con biếng ăn, ít ngủ. Những tiện nghi của một nước văn minh cung cấp cho nhu cầu trẻ nhỏ càng làm Nguyễn nghĩ nhiều đến những ngày vất vả cô đơn của mẹ con chàng khi bố đi tù, những sự thiếu thốn khốn khổ của cha con chàng sau khi mẹ chết. Nguyễn nhớ hơn hết là những nhọc nhằn cực khổ của bố sau bao nhiêu năm làm kiếp gà trống nuôi con để nuôi anh em chàng khôn lớn. Với chàng, công ông Nghĩa còn cao hơn núi Thái Sơn nhiều. Càng nghĩ, niềm kính mến yêu thương bố càng dào dạt. Mắt Nguyễn chợt cay. Chàng choàng tay ôm vai vợ đứng bên cạnh, giọng lạc đi:
- Các cụ xưa nói đúng em nhỉ ? có nuôi con mới biết lòng cha mẹ !
Bỗng Nguyễn quay hẳn người lại đối diện Bích, dịu dàng đặt tay lên hai vai nàng và nhìn sâu vào mắt vợ:
- Bích, cảm ơn em đã cho anh cơ hội làm cha để anh hiểu biết và thấm thía hơn về tình phụ tử. Tuần sau về thăm bố, anh sẽ làm một cậu bé, sẽ ôm chân bố để nói với bố rằng "Bố ơi, con thương bố quá!" và món quà vô giá chúng mình biếu bố năm nay là cu Ngọc đấy. Có phải thế không em?
Ngô Minh Hằng