Chui hầm Thủ Thiêm, nỗi lo lớn

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011 by: LTSA

Nếu có người từ nước ngoài hay từ các tỉnh hỏi: ''Sài Gòn ngay thời điểm hiện tại có gì lạ?'' Người hiếu kỳ sẽ nói ngay rằng có hầm Thủ Thiêm.






Ðường vào hầm vượt sông Sài Gòn từ phía quận 1. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)




Quả đúng vậy, cái đường hầm vượt sông Sài Gòn đang thu hút tính tò mò của người dân. Từ một miệt quê thuộc tỉnh Tiền Giang, hai vợ chồng nông dân có tuổi xấp xỉ bảy mươi đèo nhau bằng xe gắn máy lên Sài Gòn chỉ với mục đích chui hầm qua sông cho biết, để rồi họ bị thằng con trai đang làm công nhân ở quận 7 rầy cho tối mặt. “Tía má hết chuyện ham vui rồi sao. Con ở đây còn chưa dám chui hầm. Cái gì của Việt Nam làm cũng phải từ từ chờ coi chất lượng, cứ nhào vô liền có ngày lãnh đủ.”

Ðể được rõ hơn về đoạn hầm vượt sông đầu tiên này có lẽ cũng nên biết qua về “lý lịch” của nó. Theo hồ sơ từ Wikipedia Tiếng Việt:



Hầm được thiết kế gồm 6 làn xe (2 x 3 x 3.5m), từ cầu Calmette chìm xuống đáy sông Sài Gòn và nối với phía Thủ Thiêm tại đầu đường T13 với tổng chiều dài 1,490 m. Trong đó, lối vào hầm hai phía có dạng chữ U với tổng chiều dài 400 m; phần nhánh và miệng hầm hai phía dài 720 m; và phần hầm dìm dài 370 m. Phần hầm dìm được chia thành 4 đốt và được đúc riêng ở nơi khác, mỗi đốt nặng 27,000 tấn. Ðộ dốc hầm tối đa là 4%, đốt hầm làm bằng bê tông cốt thép.[1] Hầm nằm dười đáy sông cách mặt nước 24 m, mặt cắt ngang rộng 33.3 m cao 9m bề dày đáy và nắp 1.5 m, bề dày vách hai bên 1m. Tốc độ xe lưu thông trong hầm đạt 60 km/giờ. Hầm có thể chịu được động đất 6 Richter và có tuổi thọ 100 năm.



Cũng theo Wikipedia, trước khi khánh thành vào ngày 20 tháng 11, 2011 hầm Thủ Thiêm có các sự cố như sau:



Tháng 5, 2008, theo báo cáo kết quả kiểm tra của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình đại lộ Ðông-Tây, hàng loạt vết nứt trên tường và bản nắp trên các đốt hầm đã được ghi nhận. Các vết nứt ở thành tường thẳng đứng kéo dài từ 2m-3m, bề rộng lớn nhất của vết nứt rộng đến 1 mm (theo tiêu chuẩn JSCE 2002 do nhà thầu Obayashi đưa ra thì mức độ bề rộng vết nứt cho phép đối với hầm là dưới 0.28 mm). Các vết nứt cũng xuất hiện ở vị trí giữa các phân đoạn đổ bê tông của mỗi đốt hầm. Các vết nứt này thẳng đứng kéo dài gần như hết chiều cao đốt hầm, bề rộng vết nứt đến 0.3 mm. Các vết nứt này được khắc phục bằng cách phủ keo epoxy lên bề mặt vết nứt.



Tất nhiên căn cứ vào các sự cố nêu trên nhiều người Sài Gòn lo ngại cho số phận cái hầm mới toanh này là chính đáng. Nhưng đã là người Sài Gòn ai mà lại không háo hức vì cái đường hầm được đánh giá là hầm vượt hiện đại nhất Ðông Nam Á.


Chui hầm


Chúng tôi vì kiếm không ra cái nón bảo hiểm có che lỗ tai để chống tiếng ồn theo lời khuyến cáo nên cũng đành liều phóng xe gắn máy chui hầm coi thử cái hầm hiện đại này có làm điếc được mình không. Từ đường Ký Con chúng tôi quẹo trái đi vào đại lộ Ðông-Tây, thế là chui hầm. Thú thật, cái cảm giác chui hầm bằng xe gắn máy là một cảm giác không giống ai trên thế giới. Có thể nói ngay rằng, nếu không cần thiết thì bạn không nên trải nghiệm cảm giác này vì bạn ngồi xe hơi chui hầm ít ra bạn còn tin là lớp sắt, lớp kính xe hơi bao bọc bảo vệ bạn, còn cỡi xe Honda thì ôi thôi cứ như mang nặng cảm giác như người sắp chết trôi bị hút, bị nhận chìm.

Lúc chúng tôi chui hầm không phải là giờ cao điểm, vậy làn đường dành cho xe gắn máy khá chật chội. Anh bạn mà tôi đèo sau xe nói: “Họ nói cái tuổi thọ hầm chui này là 100 năm. Tôi cá mười ăn ba với ông là chừng mười năm là kẹt xe tắc hầm, coi như nó chết non ông ạ.”

Ðược biết bên phía Thủ Thiêm ở thời điểm hiện nay số dân cư sống lâu đời hầu như đã bị giải tỏa trắng để phục vụ cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo tham vọng của các nhà qui hoạch của chế độ thì Thủ Thiêm sẽ là một Thượng Hải của Việt Nam với những tòa nhà cao ngất ngưởng, là khu trung tâm của giới nhà giàu, với một triệu khách vãng lai... Nếu tất cả điều này thành hiện thực thì ngoài chuyện kẹt xe tắc hầm thì chuyện cấm người nghèo phóng xe máy qua đường hầm đến Thủ Thiêm ngắm ngó nhà giàu là chuyện có thể đoán trước.

Người Sài Gòn nào thường đọc báo đều biết về những vết nứt của đốt hầm, tất nhiên chính quyền và nhà thầu cũng công bố “đã rút kinh nghiệm khắc phục.” Nhưng chỉ cần nhìn cái đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương là biết chất lượng các công trình giao thông có tiền đầu tư hàng ngàn tỉ tệ hại ra sao. Cái “công thức”: đường chờ lún, cầu chờ run, nhà chờ nứt, giờ lại thêm hầm chờ ngập... đang hàng ngày hàng giờ ám ảnh người sử dụng giao thông Việt Nam. Thế nên cái nỗi ám ảnh về chuyện bị cả một khối nước ập xuống lúc chui hầm chắc chắn sẽ tồn tại mãi mãi với tuổi thọ của đường hầm Thủ Thiêm này.

Ngay chính ngành xây dựng của chế độ cũng đã có kết luận thẩm định về thiết kế như sau. Báo cáo thẩm định của Viện Khoa Học Công Nghệ Xây Dựng-Bộ Xây Dựng (2003) cho rằng phương án thiết kế của nhà thầu Obayashi (Nhật) về gói thầu xây dựng hầm Thủ Thiêm có nhiều rủi ro.

Theo đó, độ lún dự báo của công trình lớn, có khả năng gây nứt hỏng các đốt hầm trước khi đưa vào sử dụng và kiến nghị tìm phương án khác có độ tin cậy cao hơn. Về mặt tiếng ồn, do hầm bằng bê tông cốt thép có độ phẳng cao và được chôn sâu dưới lòng sông nên dòng xe qua lại sẽ tạo nên tiếng ồn khá lớn, Sở Giao Thông Vận Tải khuyến cáo người dân đi xe máy che kín tai và hạn chế chở trẻ em qua hầm.






Phía bờ Thủ Thiêm luôn có những nhóm người hiếu kỳ tụ tập. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)




Khi chúng tôi vừa kịp thở nhẹ nhõm chui ra khỏi đường hầm thì nhìn trước mắt là cả một đám người hiếu kỳ đang dồn lại một góc ở đường dẫn vào hầm phía Thủ thiêm để chụp hình và tán chuyện. Những người này không có may mắn như những người chui hầm mấy hôm trước được ngang nhiên dừng xe lại bên trong hầm để chụp hình. Sự háo hức, vui mừng trước những sự thay đổi tiến bộ vốn là tâm lý chung của người Sài Gòn. Có lẽ nhờ vậy họ mới có thể chịu đựng được một đời sống bất an, ngộp thở trong một đô thị hỗn độn. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không biết tới vấn nạn tham nhũng ghê gớm từ các công trình giao thông đang hàng ngày hàng giờ đẩy đời sống của mình và tương lai con cháu mình vào chốn nguy hiểm. Sài Gòn có thêm một một công trình giao thông mới và nỗi lo lắng mới. (PT)

Filed under: