Sắp phá sản vì một chiếc cầu

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011 by: LTSA




Việt Nam: SÀI GÒN (TH) - Phú Mỹ được coi là cây cầu dây văng đẹp nhất Sài Gòn bắc qua sông Sài Gòn, dài 2 cây số nối liền quận 2 và quận 7. Thế nhưng chỉ sau hai năm hoạt động, chủ đầu tư chiếc cầu này là công ty cổ phần đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ viết tắt là PMC bị đặt trước nguy cơ phá sản.

Theo báo Người Lao Ðộng, PMC được chính quyền Sài Gòn dành cho nhiều ưu đãi. Ðầu tiên là việc chính quyền Sài Gòn đứng ra “lãnh nợ” cho PMC vay tiền của hai ngân hàng thương mại Pháp với lãi suất 2-3%/năm để xây cầu với tổng kinh phí ban đầu là 145 triệu đô, chưa tính đường dẫn lên cầu trị giá 100 triệu đô nữa.

Theo kế hoạch tính toán ban đầu, chiếc cầu là nơi qua lại của hàng chục ngàn lượt xe từ hai cửa ngỏ miền Ðông và miền Tây Sài Gòn. Chỉ sau 2 năm hoạt động, thực tế lại cho một bài toán khác: số lượng xe qua lại mỗi ngày chỉ vào khoảng 5,000 chiếc, thấp hơn con số dự tính tới 7 lần.




Trong khi đó, theo báo Người Lao Ðộng, tổng số vốn đầu tư xây dựng chiếc cầu dây văng đẹp nhất Sài Gòn đã được “điều chỉnh” vọt lên gần gấp đôi, từ 145 triệu lên tới gần 300 triệu đô, trong đó vốn vay chiếm tới 76.4%.

Chỉ trong thời gian hoạt động ngắn ngủi từ năm 2009 cho tới nay, PMC nhiều lần xin vay tiếp của chính quyền Sài Gòn thêm 50 triệu đô để trả nợ. Trong tháng 7 vừa qua, công ty này đòi giao nộp chiếc cầu cho chính quyền Sài Gòn để... cấn nợ.

Việc đùn đẩy trách nhiệm vì khoản thu từ việc kinh doanh cầu Phú Mỹ không đủ trả nợ vay quá lớn giữa chính quyền Sài Gòn và PMC nay đã trở thành vấn đề căng thẳng giữa đôi bên.

Cũng được biết thêm, PMC còn nhiều dự án khác hứa hẹn sẽ thực hiện trong thời gian tới là cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn II trị giá 136.4 triệu đô và đường xe điện dài 13 cây số nối từ bến xe miền tây băng ngang đại lộ Ðông-Tây đi qua 6 nhà ga để đến công trường Mê Linh ở quận 1.

Bài học kinh doanh cầu Phú Mỹ cho thấy làm ăn ở Việt Nam hiện nay là điều không dễ dàng. Ngoài nguyên nhân dẫn đến sự phá sản giản dị là “thu không đủ bù chi,” còn những bí ẩn đàng sau hẳn chỉ có những người trong cuộc mới biết được tận tường. (PL)

Filed under: