Việt Nam có thể có động đất, sóng thần lớn?
Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011 by: LTSA
Giám đốc Trung Tâm Báo Tin Ðộng Ðất tuyên bố: Việt Nam có thể có động đất, sóng thần lớn
HÀ NỘI (SGTT) - Một chuyên gia địa chấn hàng đầu tại Việt Nam lên tiếng cảnh báo là Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều động đất, dư chấn và sóng thần lớn trong thời gian tới, báo Sài Gòn Tiếp Thị đưa tin như vậy.
TS Lê Huy Minh, giám đốc Trung Tâm Báo Tin Ðộng Ðất và Cảnh Báo Sóng Thần (Viện Vật Lý Ðịa Cầu - Viện KHCN Việt Nam), hôm Thứ Sáu cho rằng vỏ trái đất ở Việt Nam không hoàn toàn bình ổn và về lâu dài các đứt gãy ở khu vực Sông Hồng tích lũy năng lượng thì khi xảy ra động đất sẽ rất lớn.
Chưa có thiệt hại dư chấn Hà Nội
Khoảng 9h tối ngày 24 tháng 3, tại Hà Nội một trận dư chấn cấp 5 đã xảy ra, tuy nhiên theo Viện Vật Lý Ðịa Cầu, đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại nào từ dư chấn trận động đất này. TS Minh cho báo Sài Gòn Tiếp Thị biết, trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam tồn tại những hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp như: đứt gãy Lai Châu-Ðiện Biên, đứt gãy sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy sông Hồng, đới đứt gãy sông Cả... do vậy động đất cũng thường xuyên xảy ra.
Ông liệt kê, năm 1923 động đất mạnh 6.1 độ richter ở ngoài khơi Vũng Tàu-Phan Thiết, năm 1935 động đất mạnh 6.5 độ richter ở đới đứt gãy sông Mã và năm 1983 động đất mạnh 6.8 độ richter ở Tuần Giáo, Ðiện Biên. Ông kết luận không loại trừ khả năng trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ xuất hiện động đất mạnh.
Viện Vật Lý Ðịa Cầu cũng đã có những khuyến cáo về việc kiểm tra các công trình xây dựng. Hiện nay tại Hà Nội và Sài Gòn, mới chỉ có một số công trình lớn có đầu tư nước ngoài yêu cầu viện nghiên cứu kháng chấn tại khu vực xây dựng. Còn lại hầu hết các chủ đầu tư đều tránh vấn đề này bởi nếu làm đúng theo dự báo kháng chấn thì đầu tư sẽ tốn kém.
Trạm địa chấn chưa đồng bộ
Bên cạnh những lo lắng về những tình hình địa chấn thế giới, TS Minh cho biết, hiện các trạm địa chấn tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, kinh phí duy trì hoạt động còn hạn chế. Hiện ông đã có báo cáo với Viện Vật Lý Ðịa Cầu về mạng lưới trạm động đất tại Việt Nam. Ðây là các trạm đo xa lắp đặt từ 1994 hợp tác với Pháp, hoạt động kém; các trạm độc lập chủ yếu lắp đặt các thiết bị của Ðài Loan.
Cũng trong ngày 25 tháng 3, ông cũng đã trình đề án “Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần VN 2009-2013.” Trong đó, sẽ có 30 trạm phân bố khắp cả nước và 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và GPS liên tục. Ðề án này nhằm xây dựng hệ thống trạm địa chấn quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế và trung tâm xử lý số liệu có khả năng ghi nhận đầy đủ và nhanh chóng xác định các thông số của các trận động đất trên 3.5 độ richter xảy ra trên đất liền và vùng biển Ðông gần bờ, các trận động đất trên 6.5 độ richter trên toàn vùng biển Ðông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện vẫn con người vẫn chưa thể dự báo chính xác các trận động đất sẽ diễn ra khi nào.
Nguy cơ sóng thần 10m hiện hữu
Theo các kết quả nghiên cứu thực hiện tại Viện Vật Lý Ðịa Cầu, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Ðông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam như: Riukiu-Ðài Loan; đới hút chìm Manila; Biển Sulu; Biển Celebes; vùng Biển Ban Ða; Bắc Biển Ðông; Palawan và Tây biển Ðông.
Theo các kịch bản của Bộ Tài Nguyên Môi Trường, nếu một trận động đất cường độ 8.3 độ richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 6.2 m ở Quảng Ngãi và 2.1 mét ở Nha Trang. Ðộng đất có cường độ 9.2 độ richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10.6m ở Quảng Ngãi và 5m ở Nha Trang và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 giờ đồng hồ. Về mặt khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6.5 độ richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần.