Người Thượng chống cướp đất ở Lâm Đồng

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

LÂM ĐỒNG(NV) - Cuối tuần qua, khoảng 100 người thiểu số đã vây trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng để phản đối việc cưỡng đoạt đất đai của họ.

VNNguoiThuongBieuTinh
Người Thượng định cư ở Hoa Kỳ biểu tình tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn phản đối chính sách cướp đất và kỳ thị của nhà cầm quyền CSVN. (Hình: LEANNE LEE/AFP/Getty Images)

Một vài nguồn tin độc lập cho biết, trước đây, người thiểu số đã sống dọc con đường dẫn vào khu giải trí Lang Biang. Kể từ khi khu giải trí này thành hình, họ mở thêm hàng quán để sinh sống. Gần đây, chính quyền địa phương bắt đầu tiến hành cưỡng bức giải tỏa nhà cửa, hàng quán hai bên đường.Người thiểu số tin rằng việc chính quyền đẩy, đuổi họ ra khỏi khu vực này chỉ nhằm lấy đất giao lại cho thân nhân các viên chức địa phương tổ chức kinh doanh. Cuộc biểu tình vừa kể nhằm phản đối điều đó.

Gần đây có một vài dấu hiệu cho thấy khu vực Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều bất ổn. Hôm 22 tháng 7, tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2012, tổ chức tại Lâm Đồng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chính thức đề nghị nhà cầm quyền trung ương "tạm dừng khởi công các dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên cho đến hết năm 2014 để giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội".

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên là một cơ quan hỗn hợp, bao gồm một số sĩ quan cao cấp của công an, quân đội và viên chức cao cấp là lãnh đạo các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, nhằm ngăn chặn cũng như đối phó với những bất ổn về an ninh, chính trị ở khu vực này.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập năm 2002, sau khi người thiểu số ở Tây Nguyên nổi dậy lần đầu tiên để đòi tự do tôn giáo, đòi quyền sống, chống cưỡng đoạt đất đai vào năm 2001. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do Bộ trưởng Công an làm Trưởng ban.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nguyên hiện có 118 nhà máy thủy điện và 75 dự án thủy điện đang được thực hiện.

Việc cho phép thực hiện hàng loạt dự án thủy điện ở Tây Nguyên đã tạo ra nhiều vấn nạn xã hội và môi trường. Nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng rất cẩu thả nên đã xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng như vỡ đập, nứt đập,... khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại. Chưa kể các công trình, dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.

Tuy gần đây, chế độ Hà Nội đã loại bỏ 115 dự án thủy điện và 72 vị trí được xem là có tiềm năng về thủy điện song theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tác hại của các nhà máy thủy điện và những dự án thủy điện đang thực hiện vẫn khiến dân chúng ở Tây Nguyên lo âu và bất bình.

Đây là lý do khiến Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị tiếp tục loại bỏ thêm những dự án thủy điện không khả thi, có tác động xấu đến môi trường và tạm dừng xây dựng mới các công trình thủy điện ở khu vực này.

Cho đến nay, người thiểu số ở Tây Nguyên đã nổi dậy hai lần. Ngoài lần đầu tiên hồi năm 2001 và sau đó có hàng ngàn người thiểu số vượt biên sang Cambodia xin tị nạn chính trị, họ còn đồng loạt nổi dậy thêm một lần nữa vào tháng 4 năm 2004.

Hiệp hội người thiểu số Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng tố cáo về việc nhà cầm quyền CSVN đang giam giữ từ vài trăm đến hàng ngàn người thiểu số tham gia các cuộc nổi dậy này. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để những tù nhân đó không "chết dần, chết mòn" trong tù. (G.Đ.)

Filed under: